Công nghiệp 'không khói' - Mũi nhọn phát triển kinh tế Điện Biên

Với tầm nhìn chiến lược, ngành du lịch Điện Biên hứa hẹn mở ra thời kỳ mới với nhiều cơ hội phát triển đột phá.

Trải nghiệm ném còn tại bản Che Căn, huyện Điện Biên (Điện Biên).

Trải nghiệm ném còn tại bản Che Căn, huyện Điện Biên (Điện Biên).

Không chỉ là điểm đến lịch sử…

Điện Biên được biết đến như một bảo tàng sống về lịch sử, nơi lưu giữ những dấu mốc hào hùng của dân tộc. Tỉnh hiện có 31 di tích lịch sử được xếp hạng, tiêu biểu như Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, đền Hoàng Công Chất, cùng các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, Him Lam…

Không dừng lại ở du lịch lịch sử, Điện Biên còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hùng vĩ như hồ Pa Khoang, đèo Pha Đin, cao nguyên đá Tủa Chùa, và các suối nước nóng tinh khiết như Pe Luông, Uva. Những tài nguyên này là nền tảng để phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp lịch sử, văn hóa, và nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

 Du khách check-in tại bản Tìa Ló, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên).

Du khách check-in tại bản Tìa Ló, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên).

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng tại Điện Biên có bước phát triển rõ rệt. Nếu trước năm 2021, tỉnh chưa có điểm du lịch cộng đồng nào, thì hiện nay, toàn tỉnh đã có 12 bản văn hóa du lịch cộng đồng, 6 homestay và 12 điểm tham quan, giải trí thu hút du khách. Các điểm đến nổi bật như bản Phiêng Lơi, Che Căn (TP Điện Biên Phủ), bản Mển (huyện Điện Biên), và bản Nà Sự (huyện Nậm Pồ) đã trở thành những địa chỉ quen thuộc đối với những người yêu thích khám phá văn hóa bản địa.

Đặc biệt, xu hướng làm du lịch cộng đồng đã lan rộng đến các bản làng người Mông ở vùng cao như bản Che Căn (huyện Điện Biên), bản Lồng (huyện Tuần Giáo), và bản Tìa Ló (huyện Điện Biên Đông). Với khí hậu trong lành và nét văn hóa độc đáo, những địa phương này ngày càng thu hút du khách.

Gia đình anh Hờ A Sếnh ở bản Tìa Ló đã tiên phong phát triển homestay, biến ngôi nhà truyền thống thành điểm dừng chân cho du khách. Anh chia sẻ: "Làm du lịch cộng đồng là hướng phát triển kinh tế mới. Dù mới đi vào hoạt động, điểm du lịch cộng đồng của bản đã thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm".

Tăng cường quảng bá...

Nhằm thúc đẩy du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch với quy mô ngày càng mở rộng. Các sự kiện, hội chợ, triển lãm về du lịch thường xuyên được tổ chức nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và các di sản lịch sử của tỉnh.

Bên cạnh đó, các kênh truyền thông hiện đại như website, fanpage trên mạng xã hội và các ấn phẩm du lịch đã được tận dụng triệt để, giúp Điện Biên tiếp cận với nhiều đối tượng du khách trong và ngoài nước. Nhiều chiến dịch quảng bá hình ảnh Điện Biên qua các video giới thiệu, bài viết chuyên sâu, đã để lại ấn tượng mạnh mẽ, nâng cao vị thế của tỉnh trên bản đồ du lịch Việt Nam.

 Người dân giới thiệu về ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái.

Người dân giới thiệu về ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái.

Theo đại diện của Sở Thông tin và Truyền thông, các nỗ lực quảng bá không chỉ giúp thu hút du khách mà còn khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động phát triển du lịch. Những thành công bước đầu đã khẳng định vai trò quan trọng của các Sở, Ngành trong việc tạo ra cú hích cho ngành công nghiệp không khói này.

Đưa ‘công nghiệp không khói’ trở thành mũi nhọn

Trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2025 - 2030, Điện Biên xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với ba trụ cột: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch văn hóa, khám phá thiên nhiên; và du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đón trên 1,45 triệu lượt khách, trong đó 300.000 lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu 2.380 tỷ đồng, đóng góp 10% GRDP của tỉnh.

Đến năm 2030, lượng khách dự kiến đạt 2,65 triệu lượt với doanh thu 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đến năm 2050, Điện Biên phấn đấu đón 7 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp trên 15% GRDP của tỉnh.

 Diện mạo bản Tìa Ló ngày càng khang trang, từng bước định hình bản du lịch cộng đồng.

Diện mạo bản Tìa Ló ngày càng khang trang, từng bước định hình bản du lịch cộng đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, ông Trần Quốc Cường, khẳng định: “Với tầm nhìn chiến lược, tinh thần và trách nhiệm cao trong quy hoạch, ngành du lịch Điện Biên hứa hẹn mở ra thời kỳ mới với nhiều cơ hội phát triển đột phá. Chúng tôi tin rằng, tiềm năng, thế mạnh và sự quyết tâm của các cấp chính quyền cùng sức mạnh đoàn kết của người dân sẽ giúp ngành du lịch Điện Biên cất cánh, vươn xa".

Tuy nhiên, Điện Biên cũng đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển du lịch, từ việc hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đến bảo tồn các giá trị văn hóa. Việc đầu tư cải thiện sân bay Điện Biên để đón các chuyến bay quốc tế đang được triển khai, mở ra cơ hội kết nối Điện Biên với các thị trường du lịch lớn.

Ngoài ra, tỉnh cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Song song với đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng cũng là yếu tố then chốt giúp ngành "công nghiệp không khói" của Điện Biên phát triển bền vững.

Minh Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cong-nghiep-khong-khoi-mui-nhon-phat-trien-kinh-te-dien-bien-post712124.html
Zalo