Bi kịch về chiếc váy crinoline, 'sát thủ' từng khiến hơn 40.000 phụ nữ bỏ mạng

Từng là biểu tượng thời trang của phụ nữ thế kỷ 19, những chiếc váy crinoline lộng lẫy lại ẩn chứa hiểm họa khôn lường, cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 phụ nữ trên toàn thế giới.

Trong thế kỷ 19, hình ảnh những quý cô khoác lên mình những chiếc váy crinoline phồng lớn trở thành dấu ấn không thể thiếu trong giới thượng lưu. Ban đầu, crinoline được làm từ vải lông đuôi ngựa kết hợp với bông hoặc lanh. Sau này, chúng được cải tiến bằng khung thép tạo nên độ phồng ấn tượng với chu vi có thể lên tới 4,5 mét.

Sự phổ biến của crinoline không chỉ giới hạn trong cuộc sống thường nhật mà còn xuất hiện tràn ngập trên các tác phẩm văn học, hội họa. Tuy nhiên, đằng sau vẻ đẹp xa hoa ấy là những rủi ro khủng khiếp mà ít ai ngờ tới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dù kiêu sa và lộng lẫy, những chiếc váy phồng này lại là một "bẫy tử thần" đối với nhiều phụ nữ. Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất chính là hỏa hoạn.

Năm 1858, một phụ nữ ở Boston thiệt mạng khi chiếc váy của cô bắt lửa từ bếp. Chỉ trong vài phút, ngọn lửa đã nuốt trọn cơ thể nạn nhân. Bi kịch tương tự xảy ra vào tháng 2/1863, khi Margaret Davey – một cô hầu gái 14 tuổi – tử vong do chiếc váy của cô bén lửa khi đang nấu ăn.

Tại Anh, chỉ trong hai tháng, 19 phụ nữ đã thiệt mạng vì váy crinoline bắt lửa. Đáng sợ hơn, những người chứng kiến các vụ cháy thường không dám can thiệp vì sợ chính mình cũng sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.

Thảm kịch không dừng lại ở đó. Tại nhà hát Continental ở Philadelphia, một vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của 9 nữ diễn viên ba lê, sau khi ngọn lửa từ một cây nến vô tình bén vào váy của một người, tạo ra thảm họa không thể kiểm soát.

Năm 1864, tờ New York Times công bố một báo cáo gây chấn động, ước tính có khoảng 40.000 phụ nữ trên toàn thế giới đã tử vong vì những chiếc váy phồng này.

Không chỉ dễ bén lửa, váy crinoline còn gây ra nhiều tai nạn thảm khốc khác. Kích thước quá khổ của váy khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Không ít phụ nữ đã bị váy cuốn vào bánh xe ngựa, cầu thang cuốn hay các loại máy móc công nghiệp, dẫn đến những thương vong đáng tiếc.

Năm 1898, công ty may mặc Courtaulds đã ban hành lệnh cấm công nhân nữ mặc váy phồng sau khi một công nhân – Ann Rollinson – thiệt mạng vì váy bị cuốn vào máy tẩy vải. Cũng trong năm đó, cô gái 16 tuổi Emma Musson bị thiêu sống khi một viên than từ lò sưởi rơi trúng váy của cô.

Những năm cuối thế kỷ 19, những chiếc váy phồng crinoline dần bị loại bỏ khỏi đời sống thời trang. Đến thập niên 1920, phong cách váy phồng xuất hiện trở lại nhưng với thiết kế gọn gàng, an toàn hơn.

Ngày nay, crinoline gần như chỉ còn tồn tại trong một số thiết kế váy cưới, như một dấu tích của một thời kỳ huy hoàng nhưng đầy chết chóc trong lịch sử thời trang.

Như Ý (The World)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-kich-ve-chiec-vay-crinoline-sat-thu-tung-khien-hon-40-000-phu-nu-bo-mang/20250328091713469
Zalo