Bị Hà Lan chặn nguồn cung máy quang khắc, Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề

Các quy định mới của Hà Lan đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất bán dẫn tại Trung Quốc.

ASML nắm giữ độc quyền về thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới (Ảnh: Reuters)

ASML nắm giữ độc quyền về thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới (Ảnh: Reuters)

Các nhà máy sản xuất chip tại Trung Quốc đại lục có thể lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn khi Hà Lan cấm ASML Holding, một công ty công nghệ tại Hà Lan, ngừng cung cấp dịch vụ cho một trong những thiết bị đáng tin cậy nhất đã bán cho các đối tác Trung Quốc, theo tiết lộ từ các chuyên gia trong ngành.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Hà Lan Reinette Klever đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, yêu cầu ASML phải xin giấy phép để bán hai dòng máy khắc quang học 1970i và 1980i cho khách hàng tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, công ty này cũng phải xin giấy phép mới có thể bảo trì, cung cấp phụ tùng và cập nhật phần mềm cho các máy quang khắc thuộc diện hạn chế, theo một báo cáo của Reuters, dẫn nguồn từ chính phủ Hà Lan.

Động thái điều chỉnh chính sách mới của Hà Lan nhằm đồng bộ hóa với các biện pháp kiểm soát thương mại mới của Mỹ, được áp dụng từ tháng 11 năm ngoái nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến vì lý do an ninh quốc gia. Các dòng máy 1970i và 1980i cũng đã bị Mỹ đưa vào danh sách hạn chế. Bộ Thương mại Trung Quốc đã cực lực chỉ trích quyết định của Hà Lan.

ASML, tập đoàn gần như độc quyền trong việc cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới, cho biết quy định mới chỉ là thay đổi về mặt kỹ thuật và dự kiến không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của công ty trong năm nay. Tuy nhiên, ASML từ chối bình luận khi được hỏi về việc cung cấp dịch vụ bảo trì cho các thiết bị đang nằm trong diện hạn chế tại Trung Quốc.

Dịch vụ bảo trì là yếu tố quan trọng để duy trì năng suất ổn định tại các nhà máy bán dẫn. Tại Trung Quốc, dòng máy 1980i đã trở thành công cụ chủ chốt tại nhiều nhà máy nhờ tính linh hoạt, giúp sản xuất nhiều loại chip khác nhau, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành.

Một nguồn tin thân cận với ASML cho rằng, việc không thể tiếp cận dịch vụ bảo trì trong thời gian ngắn có thể gây ra sự gián đoạn lớn đối với ngành công nghiệp chip Trung Quốc.

Kể từ khi thâm nhập thị trường Trung Quốc vào năm 1988, ASML đã lắp đặt hơn 1.000 thiết bị khắc quang học và các hệ thống kiểm tra tại nước này. Cho đến thời điểm hiện tại, công ty chưa tiết lộ có bao nhiêu thiết bị nằm trong diện hạn chế theo quy định mới của chính phủ Hà Lan.

Roger Dassen, Giám đốc tài chính của ASML, trong một cuộc họp báo công bố lợi nhuận vào tháng 7, khẳng định công ty vẫn đang theo dõi sát sao các thiết bị của mình tại các nhà máy ở Trung Quốc.

Tuy vậy, cũng theo nguồn tin ẩn danh, vấn đề bảo trì không quá nghiêm trọng so với việc thiếu các hệ thống khắc quang học tiên tiến được mua mới. Bảo trì và tìm kiếm phụ tùng thay thế tương đối dễ dàng nếu so với việc chế tạo các hệ thống khắc quang học từ đầu.

Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của ASML, đã chịu tác động bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị quang khắc từ năm 2019.

ASML hiện bị cấm xuất khẩu các hệ thống quan khắc EUV tiên tiến nhất – thiết bị cần thiết để sản xuất loại chip dưới 7 nanomet – sang Trung Quốc, cùng với các dòng máy DUV như 2100i, 2050i, 2000i, 1970i và 1980i nếu không có giấy phép từ chính phủ Hà Lan.

Theo Paul Van Gerven, biên tập viên của tạp chí công nghệ Bits&Chips, giấy phép liên quan đến các công ty nằm trong danh sách đen ở Trung Quốc sẽ không được gia hạn, và các đơn xin cấp phép mới cũng sẽ bị từ chối. “Nếu Hà Lan nhượng bộ, Mỹ nhiều khả năng sẽ gia tăng thêm các biện pháp hạn chế”, Van Gerven nhận định.

Việc xuất khẩu các thiết bị DUV khô – một loại công nghệ cũ, sử dụng không khí để in các cấu trúc mạch lên tấm silicon – hiện chưa bị hạn chế, Van Gerven cho biết thêm.

Trong quý II, ASML đã đạt doanh thu 2,35 tỷ euro (2,5 tỷ USD) từ các đơn hàng tại Trung Quốc, chiếm gần một nửa doanh thu hệ thống toàn cầu của công ty. Trong báo cáo thường niên năm 2023, ASML thừa nhận chỉ có thể đáp ứng 50% các đơn đặt hàng từ Trung Quốc do lượng sản phẩm tồn đọng quá lớn.

Theo SCMP

Nhật Anh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bi-ha-lan-chan-nguon-cung-may-quang-khac-trung-quoc-chiu-anh-huong-nang-ne-post178288.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo