Hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội
Tại Hà Nội, các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đã góp phần cung cấp thực phẩm sạch và chất lượng cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong các lĩnh vực chăn nuôi heo, gà, bò sữa…
Tăng năng suất, giảm chi phí
Nhờ vào các hệ thống quản lý tự động và thiết bị hiện đại, quy trình chăn nuôi của các hợp tác xã, doanh nghiệp tại Hà Nội được giám sát và điều chỉnh liên tục. Ví dụ, các hệ thống cảm biến có thể theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và sức khỏe của động vật trong chuồng, từ đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và chăm sóc phù hợp. Khi đó, động vật phát triển mạnh khỏe, ít bệnh tật, và sản phẩm đầu ra, như thịt, sữa, trứng, đạt chất lượng cao hơn so với các phương pháp chăn nuôi truyền thống.
Chia sẻ về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng chia sẻ, với quy mô trang trại 5 ha, Công ty đang nuôi 20 vạn gà bố mẹ và sử dụng 100 máy ấp trứng, tất cả đều được kiểm soát bằng công nghệ 4.0. Việc tự động hóa trong quy trình cho ăn và uống giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu dịch bệnh. Mỗi tháng, Công ty cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 con gà giống, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cho biết, ông cũng đã ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa năng suất chăn nuôi. Với quy mô hơn 400 lợn nái và 4.000 lợn thương phẩm, Hợp tác xã đã áp dụng các biện pháp hiện đại để kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu chi phí. Hệ thống khử khuẩn tiên tiến và máy ozon sát trùng giúp bảo đảm an toàn cho đàn lợn. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi luôn có quạt thông, hút gió, bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, được vệ sinh sạch sẽ…
Những trang trại khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang có bước tiến vượt bậc nhờ vào việc ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại, Thành phố đã có hơn 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín, 26 trang trại sử dụng dây chuyền tự động cho ăn, uống và 200 trang trại khác sử dụng các công nghệ bán tự động. Nhờ vào việc lắp đặt hệ thống camera giám sát từ xa và tự động hóa quy trình, các trang trại đã giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh và cải thiện năng suất đáng kể.
Bên cạnh việc sử dụng các công nghệ hiện đại trong quy trình chăn nuôi, các hợp tác xã còn chú trọng vào việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, hạn chế việc sử dụng kháng sinh và giảm thiểu mùi hôi.
Để bảo vệ môi trường, nhiều trang trại đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong quản lý và xử lý chất thải. Ví dụ, hệ thống máy tách phân được sử dụng để xử lý chất thải từ lợn, biến chúng thành phân bón hữu cơ. Các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng sinh học và các hệ thống xử lý chất thải khác cũng đã được ứng dụng rộng rãi. Điều này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp trang trại đạt hiệu quả sản xuất cao hơn.
Tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi công nghệ cao
Hiệu quả đã rõ, song trong quá trình chăn nuôi công nghệ cao vẫn còn gặp khó khăn. Một trong những thách thức lớn là chi phí đầu tư ban đầu rất cao. Các hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ thường gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa ổn định, giá cả bấp bênh, điều này làm giảm động lực đầu tư của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi tại Việt Nam vẫn chưa đồng bộ. Nhiều đơn vị chỉ áp dụng công nghệ vào một vài khâu trong quá trình sản xuất thay vì toàn bộ quy trình, dẫn đến hiệu quả không đạt được tối ưu như mong đợi.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hợp tác xã vượt qua những thách thức này, ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi công nghệ cao. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc xây dựng khu chăn nuôi tập trung, cũng như tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín chấp từ ngân hàng.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu đãi để doanh nghiệp có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho chăn nuôi công nghệ cao và nhận được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao.
Về vấn đề này, ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục hợp tác với các địa phương để hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại.
Đặc biệt, ưu tiên sử dụng công nghệ sinh học và các chế phẩm vi sinh để kiểm soát môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi. Các khó khăn liên quan đến đất đai và môi trường cũng sẽ được giải quyết để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội còn phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn, phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi, nhằm phát triển, nhân rộng các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, như: Sử dụng chuồng kín, tự động hóa ở các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi. Mặt khác, hỗ trợ để các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện được áp dụng mô hình nông trại điện tử, tham gia hệ thống quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi để đưa sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao vào các kênh phân phối hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.