Google thắng kiện chống lại khoản phạt 1,66 tỉ USD của EU sau khi thua vụ kiện lớn hơn

Google đã thắng kiện chống lại khoản phạt chống độc quyền 1,49 tỉ euro (tương đương 1,66 tỉ USD) được áp đặt cách đây 5 năm vì cản trở các đối thủ cạnh tranh trong quảng cáo tìm kiếm trực tuyến, một tuần sau khi thua vụ kiện lớn hơn.

Trong quyết định năm 2019, Ủy ban châu Âu cho biết Google đã lạm dụng vị trí thống trị của mình để ngăn cản các trang web sử dụng nhà môi giới khác ngoài nền tảng AdSense của họ (cung cấp quảng cáo tìm kiếm). Những hành vi mà Ủy ban châu Âu cho rằng bất hợp pháp diễn ra từ năm 2006 đến 2016.

Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (EU), có trụ sở tại Luxembourg, phần lớn đồng ý với các đánh giá của Ủy ban châu Âu, nhưng đã hủy bỏ khoản phạt.

"Tòa án ủng hộ hầu hết các đánh giá của Ủy ban châu Âu, nhưng đã hủy bỏ quyết định áp đặt khoản phạt gần 1,5 tỉ USD với Google, đặc biệt là do ủy ban không xem xét đầy đủ tất cả tình tiết liên quan trong đánh giá về thời gian của các điều khoản hợp đồng mà họ cho là không công bằng", các thẩm phán cho biết.

Khoản phạt AdSense, một trong ba khoản khiến Google phải trả tổng cộng 8,25 tỉ USD, được kích hoạt bởi đơn khiếu nại từ Microsoft vào năm 2010.

Google cho biết họ đã thay đổi các hợp đồng bị nhắm đến vào năm 2016 trước khi Ủy ban châu Âu đưa ra quyết định.

Hôm 10.9, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã thua cuộc chiến cuối cùng chống lại khoản phạt 2,42 tỉ USD được áp đặt vì sử dụng dịch vụ so sánh giá mua sắm của mình để có được lợi thế không công bằng trước các đối thủ nhỏ hơn ở châu Âu. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu cho biết kết quả này là chất xúc tác cho sự thay đổi để cơ quan này chủ động hơn trong việc quản lý các hãng công nghệ lớn và đảm bảo một thị trường kỹ thuật số công bằng hơn.

Google vừa thắng kiện chống lại khoản phạt chống độc quyền 1,66 tỉ USD được áp đặt cách đây 5 năm vì cản trở các đối thủ cạnh tranh trong quảng cáo tìm kiếm trực tuyến, một tuần sau khi thua vụ kiện lớn hơn - Ảnh: Reuters

Google vừa thắng kiện chống lại khoản phạt chống độc quyền 1,66 tỉ USD được áp đặt cách đây 5 năm vì cản trở các đối thủ cạnh tranh trong quảng cáo tìm kiếm trực tuyến, một tuần sau khi thua vụ kiện lớn hơn - Ảnh: Reuters

Cũng hôm 10.9, Apple đã thua kiện chống lại lệnh của cơ quan quản lý cạnh tranh EU yêu cầu công ty phải trả 13 tỉ euro (14,4 tỉ USD) tiền thuế truy thu cho Ireland.

Ủy ban châu Âu đã ban hành lệnh này vào năm 2016, nói rằng Apple đã được hưởng lợi từ hai phán quyết thuế của Ireland trong hơn hai thập kỷ, giúp giảm gánh nặng thuế cho công ty xuống mức thấp tới 0,005% vào năm 2014.

Apple nói rằng lệnh truy thu thuế kỷ lục của EU không hợp lý, không phản ánh đúng bản chất tình hình. Ireland, nơi có mức thuế suất thấp giúp thu hút các hãng công nghệ lớn đến thành lập trụ sở chính tại châu Âu, cũng đã phản đối phán quyết của EU.

Tòa án Công lý EU đã đứng về phía người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của EU là Margrethe Vestager.

"Tòa án Công lý đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này và xác nhận quyết định năm 2016 của Ủy ban châu Âu: Ireland đã cấp cho Apple khoản viện trợ bất hợp pháp mà Ireland phải thu hồi", các thẩm phán cho biết.

Apple bày tỏ sự thất vọng với phán quyết này.

"Ủy ban châu Âu đang cố gắng thay đổi quy tắc một cách hồi tố và phớt lờ rằng, theo quy định của luật thuế quốc tế, thu nhập của chúng tôi đã chịu thuế tại Mỹ", công ty cho biết. Đây là phán quyết cuối cùng và không thể kháng cáo.

Hồi tháng 3, Apple bị Ủy ban châu Âu phạt với đến 1,8 tỉ euro (khoảng 2 tỉ USD).

Quyết định của Ủy ban châu Âu dựa trên vụ kiện từ dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify năm 2019 về hạn chế do Apple đặt ra và mức phí lên đến 30% trên App Store.

Margrethe Vestager, Giám đốc Cơ quan chống độc quyền của EU, tuyên bố: "Apple đã áp dụng các hạn chế với các nhà phát triển ứng dụng, ngăn họ thông báo cho người dùng hệ điều hành iOS về các dịch vụ đăng ký nhạc thay thế và rẻ hơn có sẵn bên ngoài hệ sinh thái của Apple. Điều này là bất hợp pháp theo các quy định chống độc quyền của EU".

Theo cơ quan này, hành vi của Apple, kéo dài gần 10 năm, có thể khiến nhiều người dùng iOS phải trả mức giá cao hơn đáng kể cho các đăng ký phát nhạc trực tuyến vì phí hoa hồng cao mà họ áp đặt cho các nhà phát triển, và khoản phí này được chuyển sang người tiêu dùng.

Ủy ban châu Âu cũng yêu cầu Apple gỡ bỏ các hạn chế trên App Store, tuân thủ các quy tắc công nghệ mới của EU được gọi là Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) kể từ ngày 7.3.

Mức phạt 2 tỉ USD lớn hơn rất nhiều so với dự đoán. Theo Reuters, nó bao gồm mức phạt cơ bản 40 triệu euro (hơn 43 triệu USD), mà bà Margrethe Vestager ví là chỉ bằng "vé phạt đậu xe" với Apple.

Mức phạt 1,8 tỉ euro được áp dụng như biện pháp ngăn chặn, song cũng chỉ tương đương 0,5% doanh thu toàn cầu của Apple. Trong 3 tháng cuối năm 2023, Apple kiếm được 33,92 tỉ USD.

Apple chỉ trích phán quyết của EU và nói rằng sẽ thách thức quyết định này trước tòa.

Nhà sản xuất iPhone và iPad cho biết trong một tuyên bố: "Quyết định này được đưa ra bất chấp việc Ủy ban châu Âu không phát hiện ra bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về thiệt hại cho người tiêu dùng và bỏ qua thực tế về một thị trường đang phát triển mạnh, cạnh tranh và phát triển nhanh chóng.

Đối tượng ủng hộ chính cho quyết định này và hưởng lợi lớn nhất là Spotify, công ty có trụ sở tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển. Spotify có ứng dụng phát nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới và đã gặp Ủy ban câu Âu hơn 65 lần trong cuộc điều tra này".

Apple nói rằng Spotify không phải trả tiền hoa hồng cho hãng vì bán các gói đăng ký trên trang web của mình chứ không phải trên App Store.

Hiện tại, Apple đối mặt với cuộc điều tra chống độc quyền khác của EU, trong đó công ty Mỹ đề nghị giải quyết bằng việc mở hệ thống thanh toán di động tap-and-go của họ cho các đối thủ.

Các cơ quan quản lý của EU và người dùng có thể sẽ chấp nhận lời đề nghị này, theo đó Apple có thể tránh được việc bị xử phạt.

Hệ thống tap-and-go là phương thức thanh toán mà người dùng có thể thực hiện bằng cách đơn giản là chạm thiết bị thanh toán của họ lên máy chấp nhận thanh toán không dây. Điều này thường được thực hiện thông qua công nghệ gần trường (NFC).

Thông tin thanh toán sẽ được truyền một cách an toàn và nhanh chóng giữa hai thiết bị. Thông thường, các thẻ thanh toán không dây (ví dụ thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ) hoặc các ứng dụng thanh toán di động có khả năng sử dụng công nghệ NFC để thực hiện giao dịch này.

Hệ thống thanh toán tap-and-go giúp tăng cường sự thuận tiện và tốc độ trong quá trình thanh toán, giảm thời gian mà người dùng phải dành để nhập mã PIN hoặc ký tên. Điều này thường được sử dụng rộng rãi trong các môi trường bán lẻ, nhà hàng và các địa điểm khác nơi mà quá trình thanh toán nhanh chóng và hiệu quả là quan trọng.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/google-thang-kien-chong-lai-khoan-phat-1-66-ti-usd-cua-eu-sau-khi-thua-vu-kien-lon-hon-223970.html
Zalo