Bí ẩn tổ mối khổng lồ hàng trăm năm trước cửa hang ở Thanh Hóa
Trước cửa hang của di tích khảo cổ Mái Đá Điều (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) có một tổ mối khổng lồ đã tồn tại hàng trăm năm nay, được người dân gìn giữ như một điểm tâm linh.
Về thôn Khiêng, xã Hạ Trung, hỏi về tổ mối khổng lồ ở di tích khảo cổ Mái Đá Điều, ai cũng biết, bởi nơi đây được xem là điểm tâm linh và là nơi thờ cúng của người dân địa phương vào những ngày lễ, Tết.
Ông Trương Văn Viên (84 tuổi), người dân thôn Khiêng cho biết, tổ mối có từ khi nào không ai rõ nhưng từ khi lớn lên, ông đã thấy có tổ mối này.
![Tổ mối khổng lồ trước cửa hang Mái Đá Điều. Ảnh: Lê Dương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51443772/1a3d7c6f4821a17ff830.jpg)
Tổ mối khổng lồ trước cửa hang Mái Đá Điều. Ảnh: Lê Dương
“Tổ mối tồn tại qua bao nhiêu thế hệ, khi lớn lên tôi cũng chỉ nghe các cụ kể lại. Vị trí tổ mối nằm sát cửa hang, vào những ngày lễ, Tết hay trong làng có công việc gì, người dân đều ra đây thắp hương thỉnh cầu”, ông Viên cho biết.
Ngày còn nhỏ, ông hay ra khu vực chân núi chăn trâu, chơi đùa bên tổ mối. Mỗi khi đến đây, ông đều được bố mẹ căn dặn không được phá, hay nghịch tổ mối. Trẻ con trong làng không ai dám đụng đến, nên đến nay tổ mối vẫn nguyên vẹn.
![Vào các ngày lễ, người dân vào trong Mái Đá Điều thắp hương. Ảnh: Lê Dương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51443772/d1d7be858acb63953ada.jpg)
Vào các ngày lễ, người dân vào trong Mái Đá Điều thắp hương. Ảnh: Lê Dương
“Trước đây tổ mối cao khoảng 4m, đường kính 3 người ôm. Sau này, phần ngọn của tổ mối tự sụt nên chiều cao còn khoảng hơn 2m nhưng đường kính phải 4 người ôm mới hết. Xung quanh tổ mối có nhiều lỗ, hốc kỳ lạ”, ông Viên kể.
Ông Trương Hồng Bin, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, tổ mối từ lâu đã được người dân gìn giữ, xem là biểu tượng tâm linh.
![Tổ mối cao hơn 2m, tồn tại từ nhiều năm nay. Ảnh: Lê Dương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51443772/cdb6a6e492aa7bf422bb.jpg)
Tổ mối cao hơn 2m, tồn tại từ nhiều năm nay. Ảnh: Lê Dương
Năm 1984, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện một loạt hang động cổ sinh hóa thạch ở huyện Bá Thước, bao gồm: Hang làng Tráng (ở xã Lâm Xa); hang Cuôn (xã Tân Lập); hang Cốc (xã Thiết Ống) và hang Mái Đá Điều (xã Hạ Trung).
Trong đó, Mái Đá Điều được Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khai quật 4 lần, thu được nhiều công cụ bằng đá như mảnh tước đã tu chỉnh, rìu ngắn,... được xác định từ thời văn hóa Sơn Vi muộn, cách đây khoảng 3.000 năm.
![Đất ở tổ mối lúc nào cũng sáng như mới được đắp lại. Ảnh: Lê Dương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51443772/901fe64dd2033b5d6212.jpg)
Đất ở tổ mối lúc nào cũng sáng như mới được đắp lại. Ảnh: Lê Dương
Ðặc biệt, tại đây đã tìm thấy 10 mộ cổ, trong đó có 1 mộ song táng, có 2 bộ xương chớm hóa thạch còn tương đối nguyên vẹn.
“Bên cạnh khu vực khảo cổ có một tổ mối khổng lồ, không rõ tổ mối đó như thế nào nhưng theo người dân địa phương đó là biểu tượng tâm linh. Vì vậy, ngay cả đoàn khảo cổ cũng không đụng chạm đến tổ mối”, ông Bin cho biết.
![Dấu tích của các nhà khảo cổ. Ảnh: Lê Dương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51443772/a9cfd89decd3058d5cc2.jpg)
Dấu tích của các nhà khảo cổ. Ảnh: Lê Dương
Nhận thấy tầm quan trọng, giá trị đặc biệt của Mái Đá Điều, năm 2005 UBND tỉnh Thanh Hóa đã công nhận nơi đây là di tích khảo cổ học cấp tỉnh.
![Địa phương đang lập hồ sơ để Mái Đá Điều được công nhận là di tích cấp quốc gia. Ảnh: Lê Dương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51443772/75bd09ef3da1d4ff8db0.jpg)
Địa phương đang lập hồ sơ để Mái Đá Điều được công nhận là di tích cấp quốc gia. Ảnh: Lê Dương
“Hàng năm, cứ vào ngày 15 tháng Giêng, xã Hạ Trung lại mở hội, dâng hương tế thần núi, cùng nhau cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà được bình an. Ngoài phần lễ, còn có phần hội với các trò chơi dân gian, như đẩy gậy, tung còn, nhảy sạp,...
Hiện, địa phương đang lập hồ sơ để Mái Đá Điều được công nhận là di tích cấp quốc gia”, ông Bin thông tin.