Đi lễ chùa Rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt. Người xưa có câu: 'Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng', nhấn mạnh ý nghĩa thiêng liêng của ngày này.

Cứ vào ngày 14, 15 tháng Giêng hằng năm, người dân Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng đều dâng hương, dâng hoa, đến chùa chiêm bái, cầu nguyện cho một năm mới an vui, sung túc và hạnh phúc. Đi chùa ngày Rằm không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là một nét đẹp truyền thống, một hành trình trở về với cội nguồn, với những giá trị tốt đẹp đã gắn bó bao đời nay.

CỘI NGUỒN VÀ NÉT ĐẸP VĂN HÓA

Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt, gắn liền với tín ngưỡng tâm linh và truyền thống văn hóa lâu đời. Cội nguồn của ngày này được lưu truyền trong dân gian với nhiều giai thoại khác nhau.

Theo sử liệu, Tết Nguyên tiêu xuất hiện từ thời nhà Hán ở Trung Quốc, khoảng thế kỷ II trước Công nguyên. Khi ấy, nhà vua tổ chức các nghi lễ tế trời để cầu cho quốc thái dân an, tạ ơn đất trời đã ban phước lành cho muôn dân.

Không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, ngày lễ này còn gắn với truyền thuyết về Thiên Quan - vị thần ban phước, được cho là giáng trần vào đúng Rằm tháng Giêng. Vì vậy, người dân tổ chức lễ cúng tế, treo đèn lồng để cầu mong may mắn, bình an.

Người dân đến viếng chùa Vĩnh Tràng, TP. Mỹ Tho.

Khi du nhập vào Việt Nam, Rằm tháng Giêng nhanh chóng trở thành một trong những ngày rằm quan trọng nhất trong năm, đặc biệt trong Phật giáo. Vào ngày này, các gia đình thường đến chùa lễ Phật, tụng kinh, cầu an để mong một năm mới thuận lợi, suôn sẻ.

Dân gian có câu: "Qua ba ngày tết, Rằm tháng Giêng cũng là tết", nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày này trong hệ thống lễ, tết truyền thống. Đây không chỉ là dịp để con người bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, mà còn là cơ hội để hướng tâm về điều thiện lành, tu dưỡng đạo đức.

Theo quan niệm dân gian, Rằm tháng Giêng là thời điểm trời đất giao hòa, âm dương cân bằng, giúp con người dễ dàng kết nối với thần linh, cầu nguyện cho một năm an lành. Người xưa có câu: "Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng", thể hiện vị trí đặc biệt của ngày này trong đời sống tâm linh. Không chỉ là dịp để cúng bái tổ tiên, đây còn là thời khắc con người hướng về Phật pháp, tu tâm dưỡng tính, sống thiện lành.

Vào dịp này, các ngôi chùa trên khắp cả nước trở nên nhộn nhịp. Dưới những mái chùa cổ kính, dòng người đổ về mang theo hương hoa, lễ vật để dâng lên chư Phật, gửi gắm những mong ước cho một năm mới bình an. Không gian chùa trong ngày Rằm tháng Giêng không chỉ là nơi gửi gắm nguyện vọng, mà còn là chốn thanh tịnh giúp mọi người buông bỏ phiền não, tìm lại sự an nhiên. Tiếng mõ, tiếng chuông ngân vang hòa cùng làn khói hương trầm lan tỏa, tất cả tạo nên một bức tranh linh thiêng, huyền bí, làm lòng người thêm thanh thản.

Trong ngày này, các phật tử thường tổ chức nhiều nghi thức tâm linh quan trọng. Một trong những nghi lễ phổ biến nhất là lễ cầu an, nơi mọi người tụng kinh, niệm Phật để cầu sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, nhiều chùa còn tổ chức lễ phóng sinh - một hành động nhân văn thể hiện lòng từ bi, sự bao dung đối với muôn loài. Những hoạt động này giúp lan tỏa thông điệp yêu thương, sẻ chia trong cuộc sống.

Bên cạnh nghi lễ tại chùa, nhiều gia đình cũng chuẩn bị mâm cúng tổ tiên với đầy đủ lễ vật như trái cây, hoa tươi, bánh chưng, bánh tét, xôi chè... Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ; đồng thời, giữ gìn và truyền dạy những giá trị văn hóa gia đình qua nhiều thế hệ. Một số gia đình còn tổ chức bữa cơm đoàn viên, sum vầy bên nhau để cùng chúc phúc và sẻ chia những điều tốt đẹp trong năm mới.

Nhìn chung, Rằm tháng Giêng không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mà còn là dịp để con người hướng thiện, gìn giữ những giá trị truyền thống và tận hưởng những khoảnh khắc bình yên bên gia đình, cộng đồng. Dù thời gian có trôi qua, dù xã hội có đổi thay, Tết Nguyên tiêu vẫn luôn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng người Việt, như một nét đẹp văn hóa trường tồn với thời gian.

LỄ CHÙA RẰM THÁNG GIÊNG

Việc đi chùa ngày Rằm không chỉ là một nghi thức tôn giáo mà còn là biểu tượng đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt. Hình ảnh các cụ già mặc áo dài truyền thống, những em nhỏ ríu rít theo chân cha mẹ đến chùa tạo nên một bức tranh sinh động về lòng thành kính và niềm tin vào điều thiện lành. Đây cũng là dịp để mỗi người tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.

Tại các ngôi chùa nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như: Vĩnh Tràng, Bửu Lâm, Sắc Tứ, Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác…, người dân và du khách náo nức đi lễ chùa. Nhiều ngôi chùa đã bố trí nơi để xe, người trông xe cho khách viếng chùa; đồng thời, bố trí phật tử, thanh niên phục vụ hướng dẫn khách tham quan, cúng viếng chùa chu đáo, nhiệt tình.

Người dân tham quan chùa Vĩnh Tràng, TP. Mỹ Tho.

Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống, nhiều người dường như quên đi những phút giây lắng đọng của cuộc sống. Khi bước chân vào chùa, giữa không gian thanh tịnh, họ có cơ hội dừng lại, soi xét lòng mình, buông bỏ muộn phiền và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Tám, 65 tuổi, một người dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, cứ đến Rằm tháng Giêng là tôi cùng con cháu đi chùa. Mình cầu bình an cho gia đình, sức khỏe cho con cháu, rồi phát lộc đầu năm. Đi chùa không chỉ là niềm tin tâm linh mà còn là dịp để gặp gỡ, trò chuyện, vui vầy bên nhau".

Còn với chị Nguyễn Thị Kim Ngân, ngụ phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Mỗi lần đi chùa vào ngày Rằm tháng Giêng, tôi thấy lòng mình thanh thản hơn. Đây không chỉ là nơi cầu nguyện mà còn là dịp để nhìn lại bản thân, sống chậm lại và trân quý những giá trị của cuộc sống".

Có thể thấy, Rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm, khi nhiều người tìm đến chùa để dâng hương, cầu mong bình an, may mắn cho bản thân và gia đình. Chùa là nơi trang nghiêm, thanh tịnh, không chỉ để bày tỏ lòng thành kính mà còn là không gian để mỗi người chiêm nghiệm về cuộc sống, hướng thiện và tìm sự an yên trong tâm hồn.

Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp của người đi lễ với trang phục nhã nhặn, thái độ lịch thiệp, vẫn còn một bộ phận chưa có ý thức cao trong việc giữ gìn sự tôn nghiêm chốn cửa Phật. Một số người mặc trang phục chưa phù hợp, hút thuốc trong khuôn viên chùa, nói chuyện lớn tiếng hoặc chen lấn khi dâng hương, vô tình làm mất đi sự trang nghiêm vốn có. Hơn bao giờ hết, để giữ gìn nét đẹp văn hóa khi đi chùa, mỗi người nên tự ý thức trong cách hành xử, thể hiện sự tôn kính với không gian tâm linh và những người xung quanh.

Lễ chùa Rằm tháng Giêng không chỉ là một hoạt động tín ngưỡng mà còn là dịp để mỗi người tìm về sự an yên trong tâm hồn, kết nối với gia đình, cộng đồng và văn hóa truyền thống. Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, những giá trị ấy vẫn luôn bền vững, là sợi dây vô hình gắn kết con người với cội nguồn và những điều tốt đẹp.

V. PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/di-le-chua-ram-thang-gieng-1033983/
Zalo