Bí ẩn những đường hầm và phòng bí mật trong tòa Bạch Ốc
Khởi công năm 1792 và hoàn thành năm 1800, trải qua thăng trầm, Nhà Trắng không chỉ trở thành biểu tượng lịch sử, trung tâm quyền lực của nước Mỹ mà còn ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị và bất ngờ.
Biểu tượng quyền lực
Nhà Trắng được khởi công vào năm 1792, dưới thời Tổng thống George Washington, sau khi Quốc hội Mỹ quyết định thành lập thủ đô mới tại Washington, D.C. Tuy nhiên, 8 năm sau, Tổng thống John Adams mới là vị tổng thống đầu tiên chuyển vào sinh sống tại đây.

Toàn cảnh Nhà Trắng nhìn từ trên cao (Ảnh: washington.org).
Nhà Trắng được thiết kế và xây dựng bởi kiến trúc sư gốc Ireland James Hoban với tổng diện tích lên tới 5.100m2. Chi phí xây dựng ban đầu được ước tính khoảng 232.000 USD – một con số rất lớn vào thời điểm cuối thế kỷ XVIII.
Trong các giai đoạn lịch sử, công trình được đặt nhiều cái tên khác nhau như Dinh Tổng thống (President's Palace), Nhà Tổng thống (President's House) hay Dinh Hành Pháp (Executive Mansion), trước khi được Tổng thống Theodore Roosevelt chính thức đổi tên thành Nhà Trắng (The White House) năm 1901.
"Cha đẻ" của bản thiết kế Nhà Trắng là kiến trúc sư gốc Ireland James Hoban nên nhiều chi tiết kiến trúc tại đây mang đậm phong cách Ireland.

Bản thiết kế Nhà Trắng của James Hoban (Nguồn: TWHHA).
Trong cuốn sách "James Hoban: Designer and Builder of the White House" của Stewart D. McLaurin (Chủ tịch White House Historical Association) có viết, một trong những nguồn cảm hứng lớn của James Hoban là Leinster House - hiện là trụ sở của Quốc hội Ireland tại Dublin. Công trình này cũng có mặt tiền đối xứng, mái bằng, các cột trụ kiểu Corinthian và ban công trung tâm - tương đồng với thiết kế của Nhà Trắng.
Bên cạnh đó, Hoban còn mang vào Nhà Trắng những yếu tố cổ điển như cột trụ đối xứng kiểu Hy Lạp - La Mã, các mái vòm mang dáng dấp kiến trúc thời Phục Hưng, mặt tiền trắng với sự cân đối chuẩn mực - đặc trưng của các dinh thự quý tộc châu Âu thế kỷ XVIII, qua đó làm nổi bật sự trang nghiêm, thanh lịch và quyền lực của Nhà Trắng.
Từng bị phóng hỏa
Nói đến tòa Bạch Ốc, không thể không kể đến những cái tên phổ biến như phòng Bầu dục (Oval Office).

Bức tranh vẽ vụ cháy Nhà Trắng của họa sĩ Tom Freeman (Nguồn: TWHHA).
Đây là một trong những không gian kiến trúc nổi tiếng nhất trong Nhà Trắng không chỉ vì ý nghĩa chính trị mà còn nhờ vào thiết kế độc đáo với hình bầu dục, tạo sự cân bằng và thân thiện cho các cuộc họp ngoại giao và sự kiện chính trị.
Cánh Đông và Cánh Tây được mở rộng để phục vụ chức năng hành chính và ngoại giao. Trong đó Cánh Tây có phòng Bầu dục và các phòng làm việc của Tổng thống. Cánh Đông chủ yếu dành cho các hoạt động xã hội và sự kiện công cộng.
Ngoài kiến trúc chính, Nhà Trắng được bao quanh bởi các khu vườn nổi tiếng như Vườn Hồng (Rose Garden) và Vườn Bắc (North Lawn), là nơi thư giãn, tổ chức các sự kiện quan trọng.
Gần đây nhất, chính tại Vườn Hồng, lãnh đạo Nhà Trắng đã tổ chức sự kiện công bố áp thuế với hàng hóa nhập khẩu gần như cả thế giới.
Trong suốt chiều dài lịch sử đó, Nhà Trắng cũng từng bị phóng hỏa nghiêm trọng.
Đó là ngày 24/8/1814, khi thủ đô Washington, D.C hứng chịu một trong những sự kiện tàn khốc nhất trong lịch sử: Quân đội Anh tiến vào thành phố và đốt cháy nhiều công trình quan trọng, trong đó có Nhà Trắng, Điện Capitol và Thư viện Quốc hội.
Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ Chiến tranh Anh - Mỹ (1812-1815), do căng thẳng thương mại và việc Anh ép buộc người Mỹ phục vụ trong hải quân.
Cuộc tấn công vào Washington được xem là hành động trả đũa cho vụ quân đội Mỹ đốt cháy thành phố York (nay là Toronto, Canada) - thuộc địa của Anh lúc bấy giờ.
Hệ thống phòng thủ tối tân
Đã từng có không ít tin đồn về hệ thống đường hầm bí mật đề phòng trường hợp khẩn cấp, nối Nhà Trắng với với Đồi Capitol, Nhà khách Chính phủ Blair House, dinh thự Phó Tổng thống hay cả Lầu Năm Góc.

Sự kiện ông Donald Trump công bố áp mức thuế đối ứng với hơn 180 nước và vùng lãnh thổ được tổ chức tại Vườn Hồng trong khuôn viên Nhà Trắng.
Theo Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng (The White House Historical Association), cấu trúc của Nhà Trắng đơn giản hơn tưởng tượng nhưng thực sự có một cơ sở bảo vệ quan trọng bên dưới công trình này.
Trong đó, phải kể đến Trung tâm Hoạt động Khẩn cấp của Tổng thống (PEOC) là cơ sở bảo vệ quan trọng dưới lòng đất của Nhà Trắng, được thiết kế để bảo vệ Tổng thống và các quan chức cấp cao trong các tình huống khẩn cấp, như khủng bố, tấn công vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc thảm họa thiên nhiên. Đây cũng là nơi Tổng thống có thể điều hành và đưa ra các quyết định chiến lược trong những tình huống này.
Trong lịch sử, đã có một vài lần PEOC được đưa vào sử dụng, bao gồm sự kiện ngày 11/9/2001, trong giai đoạn căng thẳng với Triều Tiên năm 2017. Gần đây nhất là vào tối ngày 29/5/2020, khi xảy ra các cuộc biểu tình phản đối sự bạo hành của cảnh sát và phân biệt chủng tộc liên quan tới cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, diễn ra gần Nhà Trắng.
Bên cạnh Trung tâm Hoạt động Khẩn cấp, Nhà Trắng cũng có hệ thống phòng vệ tân tiến bậc nhất thế giới, đảm bảo an toàn cho Tổng thống và các chính khách trong tình huống ngặt nghèo nhất.
Theo một bài viết của Tạp chí Time, Nhà Trắng được bảo vệ bởi một kho tên lửa đất đối không bí mật, nhằm chống lại các cuộc tấn công bất ngờ từ trên không.
Tiếp đó, trước sự gia tăng của các thiết bị bay không người lái (UAV), Nhà Trắng đã triển khai các biện pháp chống drone tiên tiến. Hệ thống này có khả năng gây nhiễu và vô hiệu hóa các UAV xâm nhập bằng cách can thiệp vào tín hiệu điều khiển và GPS.
Nhà Trắng cũng được cho là có trang bị Hệ thống Phòng thủ Chủ động (Active Denial System) - một vũ khí phi sát thương sử dụng sóng năng lượng cao để tạo cảm giác nóng rát trên da, buộc đối tượng phải rời khỏi khu vực tác động. Hệ thống này được thiết kế nhằm kiểm soát đám đông và bảo vệ khu vực quan trọng.
Hệ thống an ninh mạng là một lớp phòng thủ quan trọng của Nhà Trắng. Năm 2020, vụ tấn công mạng liên quan đến hãng công nghệ SolarWinds ảnh hưởng đến khoảng 100 công ty, 9 cơ quan liên bang lớn tại Mỹ, như một lời cảnh tỉnh, đòi hỏi phải nâng cấp toàn bộ hệ thống an ninh Mỹ.
Không ngoại lệ, Nhà Trắng sau đó đã được tăng cường thêm lớp bảo vệ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến để phát hiện xâm nhập theo thời gian thực.