Bí ẩn đằng sau chiếc khăn voan đỏ trong hôn nhân Trung Hoa cổ đại

Khăn voan đỏ, hình ảnh quen thuộc trong các đám cưới truyền thống Trung Quốc, mang trong mình nhiều tầng ý nghĩa lịch sử và văn hóa.

So với thời xưa, hôn lễ hiện đại được giản lược rất nhiều, bỏ qua những nghi thức cầu kỳ như "tam thư lục lễ". Tuy nhiên, khoảnh khắc chú rể vén khăn voan đỏ cho cô dâu vẫn là nghi thức quan trọng không thể thiếu trong các đám cưới truyền thống Trung Quốc. Vậy chiếc khăn voan đỏ này bắt nguồn từ đâu và tại sao phụ nữ thời xưa lại phải dùng nó trong ngày cưới?

Khoảnh khắc chú rể vén khăn voan đỏ cho cô dâu vẫn là một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong các đám cưới truyền thống Trung Quốc. (Ảnh: Sohu)

Khoảnh khắc chú rể vén khăn voan đỏ cho cô dâu vẫn là một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong các đám cưới truyền thống Trung Quốc. (Ảnh: Sohu)

Ban đầu, khăn voan không được sử dụng trong hôn lễ mà là vật dụng để che chắn đầu khỏi gió rét, cát bụi và thời tiết khắc nghiệt. Nó có chức năng tương tự như khăn trùm đầu ngày nay. Dần dần, theo thời gian, khăn voan bắt đầu được chú trọng về mặt thẩm mỹ và trở thành vật trang trí được nhiều phụ nữ yêu thích.

Theo ghi chép trong “Thông điển”: "Thời xưa, có sáu nghi lễ kết hôn. Nếu có một dịp đặc biệt... đầu cô dâu được phủ bằng khăn voan, đến nhà chồng, chồng vén khăn che, vái cha mẹ chồng, rồi thành vợ chồng… gọi là bái thời hôn". Việc sử dụng khăn voan trong hôn lễ bắt đầu từ thời Đông Hán - Ngụy Tấn.

Đây là thời kỳ loạn lạc, chiến tranh xảy ra thường xuyên, việc thực hiện đầy đủ các nghi lễ cưới hỏi tốn nhiều thời gian. Vì vậy, nhiều nghi thức được giản lược, hình thành nên “bái thời hôn”, tức là trong thời kỳ đặc biệt thì làm việc đặc biệt, bỏ qua sáu lễ rườm rà, chỉ cần dùng vải che mặt cô dâu, đến nhà chồng làm lễ thành hôn nhanh chóng.

Đây là giải pháp tình thế trong thời kỳ xã hội bất ổn. Tuy nhiên, về sau, tục lệ này lại được lưu truyền và trở thành một nét đẹp văn hóa.

Ban đầu, khăn voan không được sử dụng trong hôn lễ mà là vật dụng để che chắn đầu khỏi gió rét, cát bụi và thời tiết khắc nghiệt. (Ảnh: Sohu)

Ban đầu, khăn voan không được sử dụng trong hôn lễ mà là vật dụng để che chắn đầu khỏi gió rét, cát bụi và thời tiết khắc nghiệt. (Ảnh: Sohu)

Đến thời Đường (618-907), khăn che đầu tiến hóa thành “màn che” (vi mạo), có thể phủ từ đầu xuống vai, giúp che giấu sự e lệ của người phụ nữ. Tương truyền, vua Đường Huyền Tông (685-762) muốn tạo nên sự đột phá nên đã sáng tạo ra “lưới che trán” (thâu ngạch la). Đây là lớp vải mỏng được thêm vào màn che để che mặt, đồng thời cũng là một món đồ trang trí.

Trong xã hội phong kiến, hôn nhân thường do cha mẹ sắp đặt, đôi nam nữ trước khi động phòng thường chưa từng gặp mặt. Vì vậy, việc dùng khăn voan che mặt cô dâu thể hiện sự kín đáo, giữ lễ nghi phong kiến. Chỉ đến khi lễ thành hôn hoàn tất, chú rể vén khăn voan, hai người mới chính thức được gặp mặt. Hành động này cũng mang ý nghĩa bỏ lại quá khứ, bắt đầu một cuộc sống mới.

Khăn voan không chỉ giữ lễ nghi mà còn tôn lên vẻ đẹp e ấp, bí ẩn của người phụ nữ. Việc sử dụng khăn voan trong hôn lễ cũng không có gì lạ. Ngoài ra, khăn voan đỏ còn giúp cô dâu che đi sự ngại ngùng. Khoảnh khắc chú rể vén khăn, cô dâu mới khoe trọn vẻ đẹp rạng rỡ, động lòng người của mình. Chính vì vậy, khăn voan đỏ trở thành vật dụng không thể thiếu trong hôn lễ và nghi thức vén khăn voan cũng trở thành một bước quan trọng.

Lễ phục cưới truyền thống cũng có màu đỏ, vì vậy khăn voan đỏ cũng giúp tạo sự hài hòa, đồng bộ về mặt thẩm mỹ. (Ảnh: Sohu)

Lễ phục cưới truyền thống cũng có màu đỏ, vì vậy khăn voan đỏ cũng giúp tạo sự hài hòa, đồng bộ về mặt thẩm mỹ. (Ảnh: Sohu)

Màu đỏ từ xưa đến nay luôn là màu sắc được ưa chuộng trong các dịp hỷ sự ở Trung Quốc. Nó không chỉ tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành mà còn là biểu tượng của cuộc sống hôn nhân ấm no, hạnh phúc, gửi gắm ước vọng về một tương lai tươi sáng. Hơn nữa, lễ phục cưới truyền thống cũng có màu đỏ, vì vậy khăn voan đỏ cũng giúp tạo sự hài hòa, đồng bộ về mặt thẩm mỹ.

Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, các bạn trẻ được tự do yêu đương và lựa chọn hình thức kết hôn. Đám cưới hiện đại dần thay thế đám cưới truyền thống, khăn voan đỏ cũng dần được thay thế bằng váy cưới trắng. Tuy nhiên, ý nghĩa tốt đẹp mà khăn voan đỏ mang lại, tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc viên mãn, vẫn luôn được gìn giữ và trân trọng.

Quốc Thái (Nguồn: Sohu)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bi-an-dang-sau-chiec-khan-voan-do-trong-hon-nhan-trung-hoa-co-dai-ar939551.html
Zalo