'Chát' với bạn bè xứ Thanh

Cuối năm, tôi ngồi bấm đốt ngón tay nhẩm tính... Tôi về xứ Thanh đã bao nhiêu lần không nhớ nữa.

Chân dung những người bạn xứ Thanh. (Tranh của Huỳnh Dũng Nhân)

Chân dung những người bạn xứ Thanh. (Tranh của Huỳnh Dũng Nhân)

Gọi là về xứ Thanh vì tôi được sinh ra ở Thanh Hóa đầu năm 1955 trong chuyến ba mẹ tôi tập kết ra Bắc cách đây đúng 70 năm.

Nhưng gia đình tôi chỉ ở Thanh Hóa đúng một năm thì chuyển ra Hà Nội, rồi năm 1975 chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống làm việc đến tận bây giờ.

Ba năm trở lại đây, với nhiều công việc và cơ duyên, tôi có nhiều dịp về lại Thanh Hóa, khi thì dạy lớp tập huấn báo chí, khi dự các sự kiện kỷ niệm 70 năm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Cũng có những lần tôi chỉ về với mục đích tìm lại nơi mà mẹ đã sinh ra tôi ở bệnh viện Thanh Hóa.

Có lần, khi biết tin tôi về dạy lớp tập huấn ở Thanh Hóa, nhà báo - nhà văn Xuân Ba, nguyên phóng viên Báo Tiền Phong đã viết thư như một lời giới thiệu về tôi gửi lớp tập huấn:

“Huỳnh Dũng Nhân là ai vậy?

Hắn đích là họ Hoàng! Gia nhân hắn hành phương Nam mưu sinh nên hắn thuận phép tắc của tiền nhân kiêng kỵ việc chúa tiên khởi Nguyễn Hoàng mang gươm đi mở cõi nên Hoàng thành Huỳnh vậy! Còn lại, cụm từ DŨNG NHÂN thì chẳng phải bàn.

Mảng (thoạt) nghe hắn tìm lại cố hương nơi chôn nhau (rau) cắt rốn? Ấy là một chiều muộn, có bà mẹ miền Nam tập kết vỡ ối tạt vội vô Bệnh viện “thậy” (thị) xã Thanh Hóa, nơi trước đó không lâu có tên là nhà thương “thậy” xã sinh hạ ra hắn.

Đất ấy, xứ ấy rồi nghề ấy mới nảy nòi ra thứ Huỳnh Dũng Nhân từng nhuốm nhiễm linh khí xứ Thanh khi vương cái rau cùng cọng rốn đất này?

Sinh Trung phát Nam (Thanh là địa đầu miền Trung). Nam là thành phố mang tên Cụ Hồ. Huỳnh Dũng Nhân chả hổ danh nơi mình sanh hạ. Hắn đã gắng gỏi bao nhiêu để chi chít cùng tên với tuổi. Mà tinh những danh hiệu LÀNH của cái nghề BÁO!

Nếu có những sắc (thắc) mắc này nọ rằng sao trong chuyến BẮC HÀNH hắn lại chọn xứ Thanh có lẽ cũng vì lẽ ấy chăng?”.

...

Tôi khoái cái thư này của nhà báo, nhà văn Xuân Ba, vì nó tựa như một chứng thư khẳng định rằng tôi thuộc về xứ Thanh.

Một nhà báo nữa - anh Cao Ngọ, cũng rất nhiệt tình hướng dẫn tôi đi thăm xứ Thanh, dù cho điều kiện xa gần hay sớm muộn thế nào đi nữa. Chính anh hò hẹn, tự lái xe đưa đón tôi đi thăm đây đó, đi làm quen với bạn bè đồng nghiệp. Đến đâu anh cũng rổn rảng sôi nổi giới thiệu về tôi: “Lão này sinh ra ở Thanh Hóa mình!”. Nhờ anh mà tôi mới cập nhật được tình hình đất và người xứ Thanh, mới biết được Thanh Hóa đã thay đổi hiện đại thế nào, mới được thưởng thức các món đặc sản ở đây: “Muốn ăn về ngã ba Môi. Muốn ngẫm sự đời về ngã Ba Bia". Anh đưa tôi đi thăm khu du lịch Bến En nơi được mệnh danh là “Hạ Long xứ Thanh”, đi thăm lò cao Hải Vân đúc gang thời kháng chiến, tiền thân của ngành quân giới quân đội Việt Nam, thăm huyện Nông Cống quê anh...

Lại nhớ có lần đích thân anh lái xe ra sân bay Thọ Xuân đón tôi, trước khi đi còn rửa xe cẩn thận. Anh là người ít làm thơ, nhưng hôm đó anh về hý hoáy làm mấy câu thơ tặng tôi.

Mấy lần sau, gặp lại tại xứ Thanh, biết tôi đang bị tai biến vẫn chống gậy thực hiện chương trình “Xin một tuổi" (dành 1 năm đi thăm bạn bè và các địa danh nhiều kỷ niệm), anh lại làm một bài thơ gan ruột nghĩa tình...

Xưa nay làm báo, phương châm tác nghiệp của tôi là đã đi là phải đến, đến phải gặp, gặp phải hỏi, phải hiểu cặn kẽ mọi điều. Trong những lần về Thanh Hóa, tôi đã đạt được tất cả những điều đó là nhờ gặp những con người thật thân thiện quý mến.

Một thổ công nữa đã giúp tôi tìm hiểu về Sầm Sơn rất cặn kẽ là nhà thơ Đinh Ngọc Diệp. Anh lơ ngơ về công nghệ, về số nhà, tên đường... nhưng lại có một trí nhớ và khả năng đọc thơ thật tuyệt vời. Mỗi bài thơ của anh không khác gì những tình sử của xứ Thanh, nghe và thấm. Anh đưa tôi lên một quán quen trên núi và... đọc thơ. Anh đọc sang sảng, bất kể xung quanh có khách lạ.

Hôm đến thăm nhà anh, tôi tặng bà xã anh chiếc khăn rằn đặc trưng của Nam bộ. Chỉ có thế thôi mà hôm sau anh đã có cảm hứng làm ngay bài thơ tặng tôi, có câu: “Người thơ tặng thiếu nữ Sầm Sơn chiếc khăn rằn thương nhớ/ Mai gió mùa khăn choàng nhẹ vai ai”...

...

Xứ Thanh là đất “Địa linh nhân kiệt", là vùng đất của lịch sử “vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ”, và là nơi sâu đậm dày dặn trầm tích văn hóa để tạo ra những tên tuổi các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Tôi ngờ rằng không chỉ văn nghệ sĩ mà cả những người dân xứ Thanh bình thường cũng yêu cháy bỏng mảnh đất quê hương, sẵn sàng biến thành một hướng dẫn viên du lịch, một cộng tác viên của báo, đài để thể hiện tình yêu quê hương của mình. Tôi có anh bạn Lê Trung Anh, vốn là trưởng khoa dược của một bệnh viện ở TP Thanh Hóa. Anh cũng là một cộng tác viên tích cực của nhiều báo đài, nhất là báo “Thuốc và sức khỏe". Khi tôi về Thanh Hóa còn nhiều bỡ ngỡ, anh lái xe đưa tôi đi thăm cầu Hàm Rồng, núi Trường Lệ, hòn Trống Mái... và giới thiệu với tôi như một hướng dẫn viên du lịch thật sự. Để rồi khi rời Thanh Hóa tôi đã viết bài thơ về địa danh này để cảm ơn người hướng dẫn viên du lịch đặc biệt.

Trống Mái

Đất nước mấy ngàn năm rồi vẫn tích xưa Trống Mái

Tôi đi hết đời rồi Trống Mái có tuổi đâu

Thương nhau bạc đầu vẫn vẹn thề chung thủy

Có giận có hờn Trống Mái chẳng rời nhau

Đá với đá đâu? Ta với em đấy chứ

Mái ngực kia, bờ vai ấy ngày nào

Chỉ có nước mới tạo hình được đá

Cứ trong nhau và cứ ấp ôm nhau

Ừ Trống Mái cho trời trên, đất dưới

Có âm dương mới nếp tẻ cuộc đời

Có Trống Mái đá phôi thai hạnh phúc

Để thụ tinh một huyền thoại lứa đôi

Trống như núi, Mái như rừng, giao phối

Ai đặt tên núi Trường Lệ thêm buồn

Dằng dặc xanh giọt lệ rơi mắt núi

Đôi vợ chồng nào đang đốt lửa bên nương

Ta nghe tiếng những trang xưa tích cũ

Vẫn thét gào khát vọng của tình yêu

Đời sẽ thế nào nếu không còn Trống Mái

Có khi là anh chẳng có em đâu”...

Tôi đăng những câu thơ viết về Thanh Hóa không phải để khoe thơ mà là để khoe những người bạn Thanh Hóa của tôi. Mà ngay cả những người dân mà tôi chưa quen biết nhiều, cũng đã để lại cho tôi những tình cảm thật đáng nhớ. Đó là anh lái taxi đưa tôi đi đền Độc Cước, biết tôi là nhà báo được sinh ra ở Thanh Hóa 70 năm ngày tập kết trước đây, anh cứ nhất định không lấy tiền xe. Đó là những cô gái lái xe điện xinh đẹp ở Sầm Sơn, sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch và sẵn sàng đợi khách rẽ ngang, về tắt dọc đường đi mà không tính tiền công chờ. Đó là người tình nguyện trông coi bảo quản Khu Di tích lò cao Hải Vân. Đó là 3 bà cụ khách mời đêm tổ chức Cầu Truyền hình trực tiếp ở Sầm Sơn về Lễ kỷ niệm 70 năm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, biết tôi là cái đứa “tập kết trong bụng mẹ" đã ân cần thăm hỏi tôi như những đứa con xa trở về... Những tình cảm ân cần đó khiến cho tôi, một “thai nhi say sóng dưới bụng tàu tập kết”, một kẻ đã cùng cha mẹ vượt biển tập kết suốt hải trình “Cà Mau say sóng, Thanh Hóa say bờ" 70 năm trước, cứ tiếc mãi sao những ngày được ở xứ Thanh quá ngắn, quá nhanh... Nhưng chỉ ít ngày đó thôi cũng có những cảm xúc quá đỗi yêu thương, quá đỗi dâng tràn để tôi viết những câu thơ khi chia tay xứ Thanh trở về Sài Gòn: “Con về thôi, biết trở lại nữa không/ Bến bờ ơi, nợ nần chưa dám hẹn/ Giong nhớ thương như cánh buồm về muộn/ Với thủy triều, con tập kết đời con”...

Huỳnh Dũng Nhân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chat-voi-ban-be-xu-thanh-238008.htm
Zalo