Những ngọn núi ngàn năm kể chuyện
Học giả người Pháp H.Le Breton cho rằng, Thanh Hóa đối với Việt Nam 'là nơi giàu cảnh đẹp nhất, cũng là nơi lưu giữ những ký ức lịch sử và truyền thuyết hào hùng nhất'. Nằm sâu trong những ngọn núi cao, những câu chuyện ấy như tiếng lịch sử vọng vang đến ngày nay.
Từ TP Thanh Hóa, trên hành trình “thượng sơn”, khám phá và lắng nghe những ngọn núi kể chuyện của chúng tôi, điểm đầu tiên là núi Đọ trải rộng trên địa phận xã Thiệu Tân (nay là xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) và phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa). Từ khoảng 30-40 vạn năm trước, người tối cổ từng sinh sống ở đây.
Ở nơi hợp lưu của sông Mã và sông Chu, núi Đọ trông như một con rùa khổng lồ, xung quanh là những xóm làng trù mật.
Trong tiếng rì rầm của lịch sử, biết bao câu chuyện đầy màu sắc sử thi, huyền ảo. Là “bàn chân tiên” kể về dấu chân của người khổng lồ từ xa xưa đến bạt núi, san đồi cho làng xóm mọc lên, mà dân gian hay gọi ông Vồm - người từng thi thố sức mạnh siêu phàm với ông Bưng. Là “đồi Yên ngựa” từng có ngọc phát sáng. Niềm tin tâm linh ấy xuyên suốt đến ngày nay, để các bà mẹ mong muốn sinh con trai, chỉ cần đưa bàn chân trái, ướm lên “vết chân tiên” sẽ được như ý. Và sau này, dấu tích như “hòn cột cờ”, “giếng nước ngọt”, “bếp nấu”... vang mãi sự anh dũng của nghĩa quân Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX.
Tự buổi bình minh, loài người đã sáng tạo ra công cụ bằng đá để dễ dàng hơn trong lao động và chiến đấu. Đó là ý thức vươn lên, như là căn tính cốt yếu của con người.
Không chỉ có ở núi Đọ, dấu chân ông Vồm còn hiện hữu ở ngọn núi Nưa (thuộc thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn), bởi một bước của ông có thể đi trăm dặm. Còn chúng tôi, để lên được núi Nưa cao gần 600m so với mực nước biển cũng phải mất gần một giờ đồng hồ.
Theo tài liệu khoa học, quần thể núi Nưa có mạch núi bắt nguồn từ dải Trường Sơn, vươn về phía biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam; có hàng ngàn ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp phân bổ đều khắp trên diện tích 55km2, xung quanh là 99 ngọn núi tựa như voi phục chầu về đỉnh, nên người dân gọi là ngàn Nưa. Trên đỉnh ngàn Nưa, nơi sơn cao mà có thủy tụ, là nơi khí thiêng giữa trời - đất giao hòa.
Tại núi Nưa vào năm 248, Bà Triệu cùng hàng ngàn tráng sĩ Cửu Chân mài gươm luyện võ chống lại ách đô hộ của quân Ngô. Gần 2 thiên niên kỷ đã qua đi, trên đỉnh ngàn Nưa huyền thoại những dấu tích và câu chuyện về cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã làm “toàn Châu Giao chấn động” vẫn được Nhân dân gìn giữ, lưu truyền. Bãi đất trống trên đỉnh Am Tiên thuộc dãy ngàn Nưa, tương truyền khi xưa Bà Triệu dựng đại bản doanh. Ở nơi này, bà dựng thêm một khu chợ gọi là chợ Bụa họp vào buổi đêm, vừa để người dân trong vùng giao thương, vừa là khu vực nghĩa quân thu nạp lương thực, vũ khí. Cách đó không xa có bàn cờ tiên- nơi các tiên ông thấy cảnh đẹp thường lui tới thượng cờ, ngồi ngắm núi sông làng mạc; có giếng tiên nước trong xanh không bao giờ cạn, Bà Triệu và nghĩa quân lấy nước sử dụng hàng ngày... Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền một lần qua đây đã nhận ra, “núi Nưa xanh thắm, nẻo xa ngoài cõi trần thế, thấy cảnh người tiều phu đọc sách, cảnh tiên ca ngâm, bỗng nhiên muốn vượt gió để bay lên” (Thanh Hóa kỷ thắng, NXB Thanh Hóa, 2021).
Sau này, nhà Đường (Trung Quốc) cử tướng Cao Biền sang cai trị nước ta, thấy nơi đây có hình sông, thế núi linh thiêng, long mạch rất vượng, nên muốn phá đi. Ông thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả lập đàn cúng tế lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Khi bay đến ngàn Nưa, Cao Biền đã tìm cách trấn yểm huyệt đạo này nhưng thất bại. Vì thế mà nơi đây trở thành một trong ba huyệt đạo thiêng.
Huyệt thiêng, hồn núi đã dệt thêu biết bao huyền thoại, nhưng nhắc đến núi Nưa, hậu thế nghĩ ngay khí phách hiên ngang “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng giữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người” của “vua Bà” Triệu Trinh nương. Tinh thần “cưỡi voi, đánh cồng” của Bà Triệu cũng chính là khí phách quật cường của dân tộc, quyết vùng lên đánh đuổi xâm lược.
Trên đường “thượng sơn” của chúng tôi, núi Chí Linh, còn được gọi là núi Pù Rinh (Bù Rinh), với đỉnh cao hơn 1.200m so với mặt nước biển nằm “vắt” qua địa bàn hai huyện Lang Chánh và Thường Xuân. Chí Linh là cứ địa trọng yếu của nghĩa quân Lam Sơn, được Nguyễn Trãi ví như đất Cối Kê nơi Câu Tiễn “nằm gai nếm mật”, hay như núi Mang Đãng nơi Lưu Bang ẩn náu thuở khởi binh.
Từ hơn 600 năm trước, Lê Lợi đã hiệu triệu lòng người cùng tìm về núi rừng Lam Sơn bàn kế sách đánh giặc. Sau Hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi xưng Bình Định vương, phất cờ khởi nghĩa. Buổi ban đầu ấy, trong những tình huống khó khăn, 3 lần Lê Lợi cùng nghĩa quân rút lên núi Chí Linh vào các năm 1418, 1419, 1422.
Trong những lần nghĩa quân rút lên núi Chí Linh, giặc Minh vây ráp gắt gao, quân tướng hết lương, tiến thoái lưỡng nan, tình thế vô cùng nguy cấp, Lê Lai đã “liều mình cứu chúa”, “mở con đường máu” đánh lừa quân thù nhằm bảo toàn lực lượng và cơ quan đầu não.
Núi Chí Linh trong khởi nghĩa Lam Sơn thực sự là “nơi ra đi, chốn trở về”. Trở về để nương náu, ẩn mình, khôi phục lực lượng. Để từ đây lại tiếp tục ra đi chiến đấu, đánh bại một trong những lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới, đập tan ách đô hộ 20 năm của nhà Minh, lập nên vương triều kéo dài nhất lịch sử phong kiến Việt Nam.
Trên mảnh đất xứ Thanh “kì bí trong vẻ đa dạng của mình” còn có biết bao ngọn núi “ấp ủ mọi kỳ vọng” “giấu kín mọi tham vọng” sừng sững đứng đó, trường tồn cùng đất trời. Lớp bụi thời gian có thể làm màu sắc của những ngọn núi thâm trầm hơn, song vọng sâu trong đất đá là sức mạnh, niềm kiêu hãnh... để hậu thế mãi tự hào và biết ơn.