Bếp chùa có lúc cũng nhiêu khê

GNO - Tôi mới đi chùa, thích làm công quả nên thường xuống bếp phụ giúp một số việc lặt vặt. Điều khiến tôi băn khoăn là đôi lúc các bà ở bếp cũng cãi nhau dữ dội như đang ở bên ngoài. Tôi nghĩ đã vào chùa công quả, mặc áo lam rồi mà sao tính nết và hành xử vẫn như ngoài đời thường. Tôi thấy ái ngại không muốn làm công quả nữa. Rất mong được quý Báo sẻ chia.

(NHƯ HIỀN, nhuhien…@gmail.com)

Bạn Như Hiền thân mến!

Bạn mới đi chùa nên khi gặp cảnh các bà, các cô cãi nhau dưới bếp sẽ rất ngạc nhiên. Khi đi chùa lâu hơn, tiếp xúc với mọi người nhiều, bạn sẽ thấy thi thoảng vì công việc mà có chút bất đồng cãi vã cũng là chuyện thường, đáng thương hơn đáng trách.

Trong chùa, vất vả nhất là bộ phận nhà bếp. Những ngày chùa có lễ lớn thì nhà bếp càng vất vả hơn. Củi lửa nóng nực, nấu nướng nhiều món, bày biện cần nhanh gọn và đẹp đẽ, phải kịp giờ cho lễ lộc và ăn uống, v.v… đã tạo ra áp lực không nhỏ cho mọi người ở nhà bếp.

Những chùa được tổ chức nề nếp, huấn luyện bài bản, có nhiều nhân sự giỏi, quen việc và biết tu thì dù công việc nặng nề nhưng nhà bếp vẫn an vui. Còn những chùa chưa đủ phước duyên thì nhà bếp hay xảy ra trục trặc, cãi vã. Nhưng tất cả là vì muốn chu toàn công việc nhà chùa giao phó, việc xong rồi thì buông, mọi người đều hỷ xả, hiếm khi giận hờn lâu.

Nói chung thì như vậy nhưng nói riêng thì bếp chùa cũng lắm nhiêu khê. Một số bà bếp làm việc thì siêng năng nhưng lại ít tu, tánh nào tật nấy. Một số bà thì nghĩ mình đi trước và có công nên tỏ ra uy quyền. Một vài nơi, ngay cả Tăng chúng ở chùa còn phải kiêng dè các bà, nói gì Phật tử mới đi chùa, tập sự công quả. Dân gian có câu “Gần chùa kêu Phật bằng anh”. Khi mới đi chùa, tập sự công quả thì rụt rè, khiêm nhường, khép nép. Làm công quả được lâu hơn, được vị trụ trì tin tưởng giao phó trách nhiệm, thân quen hết mọi người, nghĩ mình đã tích lũy nhiều công đức, một số người dần sinh tâm ngã mạn, phiền não bắt đầu xảy ra.

Thiết nghĩ, vai trò tổ chức và giáo hóa của vị trụ trì rất quan trọng. Bếp chùa nào ban đầu cũng có lục đục vì người và việc chưa ăn khớp với nhau. Vị trụ trì phát huy năng lực nhiếp hóa, tổ chức rõ ràng, phân công hợp lý, khuyến khích tinh thần cống hiến và phụng sự, trau dồi đức tính hỷ xả thì mọi việc sẽ yên. Làm công quả ở chùa cốt để vun bồi công đức, tích lũy phước báu. Nếu vụng về để xảy ra cãi vã, giận hờn, buồn bực; thậm chí có người phải bỏ chùa vì xung đột hay căng thẳng thì nhà bếp mất hết công đức.

Mặt khác, người Phật tử cần ý thức rằng mình vào chùa công quả để tu tập phước huệ. Nhờ công quả mà tăng trưởng phước đức. Nhờ tụng kinh, nghe pháp, quán chiếu để tăng trưởng trí tuệ. Phước và trí cần song hành, nhất là khai tâm mở trí để nhận ra đạo lý duyên sinh, vô thường, vô ngã để xả buông mọi dính mắc, chấp thủ. Làm công quả lâu ngày phước đức càng nhiều thì cần khiêm cung, tránh ỷ lại, tự mãn và những việc bất hòa gây ra tổn phước.

Ngoài ra, chính cách ứng xử từ bi, nhân hậu, hài hòa sẽ trợ duyên cho người mới đi chùa siêng năng công quả, nhiệt tâm tu học và gắn bó với chùa hơn. Người đi trước cần dìu dắt, nâng đỡ người đi sau để kết duyên tu tập. Nếu làm được như thế thì phước đức của mình được nhân lên bội phần. Đức Phật có dạy pháp lục hòa (thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, giới hòa, lợi hòa). Nền tảng của sáu pháp hòa kính là từ bi, giữ giới và chia sẻ. Môi trường tập thể, đại chúng, đông người nên rất cần thực hành lục hòa.

Vị trụ trì thường dạy đại chúng lục hòa, mỗi thành viên cần ứng dụng lục hòa. Được vậy thì nhà chùa luôn an lành, nhất là bếp chùa luôn vui vẻ, ấm áp và yên vui.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/bep-chua-co-luc-cung-nhieu-khe-post74201.html
Zalo