Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phẫu thuật thành công 100 ca mổ não và tủy sống bằng Robot AI

Ngày 22/12, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố đã thực hiện thành công 100 ca phẫu thuật u não, u tủy sống và đột quỵ xuất huyết não đầu tiên bằng Robot AI duy nhất tại Việt Nam. Kỹ thuật này được Bộ Y tế cấp phép triển khai.

Tại buổi tọa đàm công bố sự kiện 100 ca phẫu thuật não đầu tiên bằng robot AI, Thầy thuốc ưu tú, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết ông tự hào và xúc động khi chứng kiến nhiều bệnh nhân mắc u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não... đã hồi phục sức khỏe, đi lại sinh hoạt bình thường sau những ca phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot AI mà ông và ê kíp đã thực hiện trong một năm qua.

 ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ phát biểu tại buổi tọa đàm công bố sự kiện 100 ca mổ não đầu tiên bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ phát biểu tại buổi tọa đàm công bố sự kiện 100 ca mổ não đầu tiên bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

100 ca mổ não và tủy sống tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh sọ não bằng Robot ứng dụng công nghệ AI hiện đại hàng đầu thế giới, mở ra “cuộc cách mạng” cho bác sĩ lẫn người bệnh tại Việt Nam.

Bộ Y tế công nhận thành công và chỉ định Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trở thành cơ sở đào tạo nhân rộng chuyên môn kỹ thuật này khi có nhu cầu thực tế.

 Các bác sĩ đang sử dụng hệ thống Robot AI Modus V Synaptive trong một ca mổ thức tỉnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Các bác sĩ đang sử dụng hệ thống Robot AI Modus V Synaptive trong một ca mổ thức tỉnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Theo bác sĩ Tấn Sĩ, kỹ thuật mổ não truyền thống có hạn chế là bác sĩ chỉ quan sát được khối u, khối máu tụ và các bó dẫn truyền thần kinh, mô não lành một cách rời rạc trên từng hình ảnh riêng biệt của phim X-quang, CT hoặc MRI.

Bác sĩ không thể quan sát tổng thể các tổ chức này trên cùng một hình ảnh, bao gồm khối u, khối máu tụ và các cấu trúc lành như bó dẫn truyền thần kinh, mô não lành, mạch máu. Điều này khiến bác sĩ khó có được cái nhìn toàn diện, dễ dẫn đến tổn thương các cấu trúc lành khi đưa dụng cụ phẫu thuật vào não hoặc tủy sống.

Kỹ thuật mổ não, tủy sống truyền thống chủ yếu phụ thuộc vào thực tế quá trình bác sĩ mở hộp sọ, vùng tủy hoặc đưa thiết bị nội soi vào nhưng cũng chỉ quan sát được ở một góc độ theo khả năng của camera nội soi. Bác sĩ chỉ có quỹ thời gian hạn hẹp ở thời điểm đang mổ để ra quyết định, không chủ động định vị được đường mổ an toàn trước.

Do đó, bác sĩ có thể phạm phải các bó sợi thần kinh, cấu trúc não lành hoặc làm vỡ thêm mạch máu lớn. Người bệnh đối mặt khiếm khuyết chức năng thần kinh, di chứng không thể tránh khỏi.

Trong khi đó, Robot AI và hệ thống thiết bị chẩn đoán hình ảnh siêu hiện đại giúp bác sĩ có thêm “những con mắt thần” để nhìn thấy được toàn diện cấu trúc não hoặc tủy sống bao gồm cả khối u, khối máu tụ trên cùng một hình ảnh không gian 3 chiều (3D). Công nghệ AI còn chỉ ra các đường tiếp cận khối u, khối máu tụ hiệu quả và an toàn cao, tránh làm tổn thương các bó sợi thần kinh hay vùng não, vùng tủy lành.

Từ đó, Robot AI cho phép bác sĩ mổ mô phỏng “thực tế ảo” trước trên phần mềm chuyên dụng. Bác sĩ có nhiều thời gian nghiên cứu các phương án và đưa ra quyết định chọn vị trí mở hộp sọ, đường tiếp cận vào bên trong sọ não, tủy sống người bệnh theo cách hiệu quả, thuận tiện và an toàn nhất, tránh phạm phải cấu trúc lành.

Bác sĩ Tấn Sĩ mổ mô phỏng một ca u não trên phần mềm chuyên dụng của Robot AI. Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Khi bước vào cuộc mổ chính thức, dữ liệu hoạch định sẵn từ cuộc mổ mô phỏng sẽ được truyền lên Robot và các thiết bị hiện đại tại phòng mổ, mọi thao tác của bác sĩ trong cuộc mổ chính thức đều được Robot AI giám sát chặt chẽ. Robot giúp định vị chính xác vị trí tổn thương trong não hoặc tủy sống; dẫn đường, theo dõi và phát cảnh báo để bác sĩ đảm bảo cuộc mổ diễn ra theo đúng kế hoạch ban đầu đã được xác lập tại cuộc mổ mô phỏng trước đó.

Khi tiếp cận khối u, bác sĩ có thêm hệ thống “cắt hút siêu âm Cusa” chuyên dụng để “đánh nhỏ”, giảm kích thước, hút và loại bỏ hoàn toàn u não, u tủy sống ra ngoài. Vì thế, chức năng thần kinh của người bệnh được bảo toàn tối đa, thoát di chứng sau mổ não như trước đây, phục hồi nhanh, về nhà sớm.

 Bác sĩ Tấn Sĩ đang kiểm tra cho người bệnh sau ca mổ bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Bác sĩ Tấn Sĩ đang kiểm tra cho người bệnh sau ca mổ bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Mổ não, tủy sống bằng Robot AI Modus V Synaptive giúp người bệnh giảm 20% thời gian phẫu thuật, giảm 40% thời gian nằm viện, giảm 79% lượng máu mất trong phẫu thuật, trong khi chi phí điều trị thấp hơn 40 lần so với phẫu thuật tại Mỹ.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị y tế duy nhất tại Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ mổ não bằng Robot AI. Hiện trên thế giới chỉ có 14 nước sử dụng công nghệ hiện đại này.

Yến Linh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/benh-vien-da-khoa-tam-anh-phau-thuat-thanh-cong-100-ca-mo-nao-va-tuy-song-bang-robot-ai-post181231.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo