Bệnh ung thư khiến người phụ nữ 'mọc sừng' chi chít trên đầu
Người phụ nữ đến bệnh viện trong tình trạng khối u xuất hiện nhiều vị trí, toàn bộ vùng da ung thư chiếm tới 2/3 da đầu.
Bệnh nhân L.T.T. (46 tuổi, dân tộc Tày, ở Tuyên Quang) từng được chẩn đoán ung thư da đầu và đã trải qua 4 lần phẫu thuật tại một bệnh viện khác. Khi ung thư tái phát, bà không thể đến bệnh viện sớm vì nhiều lý do cá nhân. Khi khối u lan rộng, bà mới đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội) để điều trị.
TS.BS Bùi Mai Anh, khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình và Thẩm mỹ, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khối u xuất hiện ở nhiều vị trí, vùng da ung thư chiếm tới 2/3 da đầu, nóng, có điểm chảy máu, kèm theo các vùng da cũ từ các lần phẫu thuật trước. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy khối u đã xâm lấn vào xương sọ.
Theo TS Mai Anh, mục tiêu điều trị không chỉ là loại bỏ khối u và cắt vùng xương sọ bị xâm lấn mà còn tái tạo lại da đầu và xương vòm sọ để đảm bảo chức năng bảo vệ hộp sọ cũng như yếu tố thẩm mỹ cho người bệnh.
Sau ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ, phối hợp nhiều chuyên khoa, các bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ khối u da đầu, bao gồm cả phần xương sọ bị xâm lấn.
"Các bác sĩ sử dụng vật liệu titan để tạo hình lại phần xương sọ, đồng thời che phủ miếng lưới titan bằng da lấy từ đùi bệnh nhân bằng kỹ thuật vi phẫu. Diện tích da phải cắt bỏ rất rộng (khoảng 25x30 cm, gần như toàn bộ da đầu). Các bác sĩ đã lấy phần da từ đùi và chia vạt da thành các đảo linh hoạt, đủ ôm tròn hình thể hộp sọ để tái tạo lại chức năng và thẩm mỹ cho người bệnh", TS Mai Anh cho biết.
Đây là một trong những kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực vi phẫu thuật do phải đảm bảo việc phẫu tích mạch không làm tổn thương các nhánh xuyên da rất nhỏ (<0,5 mm) cấp máu tới từng đảo da. Sau đó, vạt da dạng chùm được chuyển lên vùng đầu và nối mạch máu với kích thước rất nhỏ để vạt da có thể sống.
Sau hơn 1 tháng phẫu thuật, tình trạng da đầu của bệnh nhân đã ổn định.