Bệnh suy tĩnh mạch của ông Trump có nguy hiểm không?
Ở tuổi 79, ông Trump được chẩn đoán mắc suy tĩnh mạch - bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi. Giới chuyên gia cho rằng tình trạng này không đáng lo và có thể kiểm soát hiệu quả suốt đời.

Tổng thống Mỹ Donald Trump được chẩn đoán mắc chứng suy tĩnh mạch mạn tính sau khi phát hiện hiện tượng sưng phù ở chân. Ảnh: Reuters.
Ngày 17/7, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump (79 tuổi) đã được chẩn đoán mắc bệnh suy tĩnh mạch mạn tính sau khi ông nhận thấy tình trạng sưng phù bất thường ở hai chân.
Theo Thư ký báo chí Karoline Leavitt, ông Trump được siêu âm chân và không phát hiện biến chứng nghiêm trọng như huyết khối tĩnh mạch sâu. Siêu âm tim cũng cho thấy tim của ông vẫn có cấu trúc và chức năng bình thường.
Suy tĩnh mạch mạn tính (chronic venous insufficiency – CVI) là tình trạng các van trong tĩnh mạch chân hoạt động kém, khiến máu ứ đọng thay vì trở về tim. Hệ quả là áp lực trong tĩnh mạch tăng lên, gây sưng phù chân, nặng nề và khó chịu. Bệnh thường ảnh hưởng cả hai chân và phổ biến ở người từ trung niên trở lên, tờ Time cho biết.
Tiến sĩ Ali Azizzadeh, Giám đốc phẫu thuật mạch máu tại Trung tâm Cedars-Sinai (Mỹ), cho biết: “Tĩnh mạch là hệ thống đưa máu từ cơ thể trở về tim. Khi chúng hoạt động không hiệu quả, máu sẽ tụ lại ở chân thay vì được đưa ngược lên tim, gây sưng và đau nhức”.
Tiến sĩ John Higgins, chuyên gia tim mạch tại Đại học Y khoa Houston, chỉ ra rằng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi nam giới do ảnh hưởng của thai kỳ và hormone. Ngoài ra, các yếu tố như tuổi cao, béo phì, tiền sử huyết khối tĩnh mạch, đứng lâu hoặc ngồi lâu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Với ông Trump - một chính khách thường xuyên phải đứng phát biểu, di chuyển nhiều - việc xuất hiện CVI ở độ tuổi 79 là điều không bất ngờ.
Theo các chuyên gia, phần lớn bệnh nhân CVI chỉ gặp triệu chứng nhẹ như sưng phù mắt cá, nặng chân, cảm giác “chân căng như sắp nổ” vào cuối ngày. Vết hằn do tất để lại trên cổ chân cũng là dấu hiệu thường thấy.
Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát trong nhiều năm, bệnh có thể gây dày da, thâm nhiễm và loét tĩnh mạch, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc có bệnh nền. Dù vậy, CVI không ảnh hưởng đến tuổi thọ nếu được điều trị đúng cách.
“Đây là một bệnh phổ biến và không gây nguy hiểm nghiêm trọng”, Tiến sĩ Azizzadeh nhấn mạnh. “Nó chủ yếu gây khó chịu về mặt thể chất và ảnh hưởng đến chất lượng sống”.
Biện pháp điều trị đơn giản nhưng hiệu quả nhất là mang tất y khoa có độ nén 20-30 mmHg để hỗ trợ máu lưu thông trở lại tim. “Tất cần được mang ngay từ sáng và duy trì cả ngày để ngăn máu ứ đọng”, Tiến sĩ Sean Lyden (Cleveland Clinic) giải thích.
Ngoài ra, việc kê cao chân khi nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng (như gập duỗi bắp chân), và kiểm soát cân nặng cũng giúp cải thiện triệu chứng rõ rệt.
Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể được chỉ định thủ thuật “đốt tĩnh mạch” (venous ablation) - một kỹ thuật ngoại trú ít xâm lấn, giúp đóng van tĩnh mạch bị rò và chấm dứt dòng máu chảy ngược. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân không cần can thiệp phẫu thuật.
Dù thông tin về sức khỏe của ông Trump luôn thu hút sự quan tâm, các chuyên gia khẳng định suy tĩnh mạch mạn tính không ảnh hưởng đến tiên lượng sức khỏe lâu dài của ông. Với việc tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống phù hợp, ông Trump hoàn toàn có thể kiểm soát tốt tình trạng này.