Bệnh nhi đuối nước nguy kịch vì người nhà sơ cứu sai cách, bác sĩ cảnh báo
Phát hiện trẻ bị đuối nước trong hồ trước nhà, gia đình đã vớt lên xốc nước. Tuy nhiên, trước thao tác sơ cứu nguy hiểm trên đã vô tình khiến bệnh nhi nguy kịch.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, thống kê từ đầu tháng 1.2025 đến nay, đã tiếp nhận và điều trị 7 trường hợp bệnh nhi bị đuối nước.
Điển hình, trường hợp nữ bệnh nhi T.M. (3 tuổi, Đắk Nông) nguy kịch đuối nước do té vào hồ nước trước nhà. Ngay khi phát hiện sự cố, gia đình đã vớt cháu lên xốc nước, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế địa phương và chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi đồng 2 cứu chữa.

Ảnh minh họa
Trước những thao tác nguy hiểm trên, BS.CKII Ngô Thị Thanh Thủy – Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 lưu ý khi không may phát hiện trẻ bị đuối nước, mọi người cần:
- Giữ bình tĩnh, nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước.
- Đặt trẻ ở vị trí nằm an toàn, thay quần áo giữ ấm cho trẻ.
- Nhanh chóng đánh giá tình trạng hô hấp của trẻ, nếu trẻ không thở, người sơ cứu có thể tiến hành thông khí ngay bằng cách thổi ngạt qua “miệng – miệng” hoặc “mũi – miệng” nếu khó bịt kín mũi trẻ.
- Nếu trẻ nôn ói, đặt trẻ nằm nghiêng một bên, có thể lấy dịch ói bằng tay, gạc hoặc ống hút.
- Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo BS.CKII Ngô Thị Thanh Thủy, đuối nước là một trong những tai nạn sinh hoạt thường gặp và có thể gây tử vong ở trẻ. Trẻ em ở độ tuổi từ 1 tuổi đến 3 tuổi có tỷ lệ bị đuối nước cao nhất do trẻ không được sự quan sát, theo dõi cẩn thận từ người lớn.
Bên cạnh đó, tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ thường xảy ra tại nhà như trẻ té vào bồn tắm, lu, chậu, kênh rạch, ao hồ; với trẻ lớn có thể gặp sự cố tại hồ bơi, ao, suối hoặc đi tắm biển. Vì vậy, việc sơ cứu tại hiện trường cần được thực hiện khẩn trương, tránh những việc làm sai lầm làm trẻ nặng hơn và làm chậm trễ “thời gian vàng” cấp cứu, đặc biệt trong tình huống trẻ bị ngưng tim – ngưng thở.
Để tránh những sai lầm trong quá trình sơ cứu trẻ đuối nước tại hiện trường, mọi người tuyệt đối không hơ lửa cho trẻ vì có thể gây bỏng, gây tụt huyết áp do giãn mạch; không xốc nước vì không có hiệu quả và làm chậm trễ thời gian cấp cứu trẻ; không móc họng gây nôn hay bất cứ thao tác nào để lấy nước từ phổi ra vì không hiệu quả.
Đồng thời, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh hãy chủ động phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ, không chủ quan ngay cả khi trẻ biết bơi. Song song đó, con trẻ khi tham gia các hoạt động dưới nước cần đặt trong tầm kiểm soát của người lớn hoặc những người có kinh nghiệm bơi lội.
Với gia đình sống ở khu vực sống gần ao, hồ, sông, suối,… phụ huynh phải luôn sát sao trẻ. Tránh để các xô, chậu, chứa nước trong nhà, tại các hồ non bộ, hồ nuôi cá cảnh nên có thêm rào chắn bảo vệ để trẻ luôn được an toàn.