Bệnh nhân ung bướu miền Tây gặp khó khi bệnh viện quá tải
Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ khởi công đã hơn 7 năm nhưng chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng trong khi cơ sở của Bệnh viện Ung bướu hiện tại đã quá tải, xuống cấp, máy xạ trị lạc hậu.
Video: Bệnh nhân ung bướu ở miền Tây gặp khó khi bệnh viện quá tải, máy xạ trị lạc hậu (Quốc Trung - Thanh Tiến).
Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ được thành lập vào năm 2007, trên cơ sở tách ra từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đây là trung tâm phòng, chống ung thư, giải quyết gánh nặng ung thư cho TP Cần Thơ, các vùng lân cận và giảm áp lực cho Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, nhiều năm nay, bệnh viện đang hoạt động tạm với cơ sở vật chất xuống cấp và quá tải trong lúc chờ xây dựng bệnh viện mới (dự án khởi công từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành).

Bệnh viện phải tận dụng mọi không gian để có giường nằm cho bệnh nhân.(Ảnh: Thanh Tiến).
Nguy cơ nhiễm trùng chéo giữa các bệnh nhân
TS.BS Võ Văn Kha - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ cho biết, cơ sở chính của bệnh viện (trên đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều) được xây dựng từ năm 1895, đã được bệnh viện sửa chữa trong quá trình sử dụng nhưng không thể gia cố được do quá cũ.
“Hiện tại bệnh viện có thêm cơ sở 2 tại số 20 Trần Bình Trọng, quận Ninh Kiều, được giao từ Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ. Cơ sở này cũng có diện tích nhà nhỏ, kết cấu nhà hẹp không phù hợp công năng là cơ sở y tế khoa chuyên sâu”, TS.BS Võ Văn Kha thông tin.
Theo thống kê, có 59/63 tỉnh thành có người bệnh đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, tập trung nhiều các tỉnh, thành ĐBSCL, lượng bệnh hằng năm tăng trung bình 10% cả nội trú lẫn ngoại trú. Lưu lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện hàng ngày bình quân là 1.500 lượt. Trong đó, bệnh nhân đến khám là 800 lượt, điều trị ngoại trú 100 lượt và nội trí 600 lượt.

Một phòng khám được dựng tạm trên lối đi giữa các dãy phòng bệnh.(Ảnh: Thanh Tiến).
Ghi nhận thực tế tại bệnh viện cho thấy, do cơ sở chật hẹp, trên 50% bệnh nhân luôn ở trong phòng bệnh chỉ có quạt, nóng bức. Để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân, bệnh viện bố trí khám bệnh từ 6 giờ đến 19 giờ kể cả ngày nghỉ, thời gian phẫu thuật chương trình từ 7 giờ đến 20 giờ, xạ trị 22 giờ/ngày (kể cả ngày nghỉ). Nhân viên khối xạ trị, chẩn đoán hình ảnh làm việc ngoài giờ tới khung tối đa 200 giờ/năm để phục vụ bệnh nhân.
Nhân viên y tế phải nhường cơ sở vật chất cho bệnh nhân nằm. Trên 90% nhân viên phải sinh hoạt, nghỉ ngơi chung phòng hành chính của Khoa. Dù vậy, tỷ lệ bệnh nhân phải nằm ghép (2 bệnh nhân chung 1 giường) lên tới 30%.
“Xạ trị rất mệt mỏi rồi nhưng phòng bệnh thì đông, cái giường có bao nhiêu mà 2 người nằm, bên kia 2 cái giường ghép lại tới 5 người nằm. Do đó, người bệnh càng mệt mỏi nhiều hơn”, bênh nhận T.T.H. (61 tuổi, quê Sóc Trăng) chia sẻ.

Tỷ lệ bệnh nhân phải nằm ghép (2 bệnh nhân chung 1 giường) lên tới 30%.(Ảnh: Thanh Tiến).
Theo các bác sĩ, cơ sở chật hẹp, bệnh nhân đông ngoài gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh thì cũng tiềm tàng nhiều rủi ro.
“Cơ sở của bệnh viện đang xuống cấp, rất chật chội. Hành lang chật hẹp. Lượng bệnh nhân điều trị nội trú là khoảng 600 bệnh nhân nhưng giường ở cả 2 cơ sở chỉ có khoảng 450, nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường. Không khí khá là oi bức, phòng bệnh thì kín hơi, bệnh nhân phải nằm chen chút nhau trên giường. Cơ sở chật hẹp, bệnh nhân đông cũng tiềm tàng những rủi ro, nguy cơ nhiễm trùng chéo nhau giữa các bệnh nhân. Chúng tôi nhìn cũng thấy rất thương các bệnh nhân.”, bác sĩ Phạm Hoàng Long - Khoa ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ nói.
Máy Xạ trị Cobalt đã lạc hậu
Theo Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, thời gian chờ của bệnh nhân tương đối dài do không đủ máy móc. Đơn cử như để được chụp CTSCAN, bệnh nhân phải đợi 4-5 ngày. Do cơ sở chật hẹp, bệnh nhân chưa thể đặt thêm máy và chỉ chông chờ vào cơ sở mới đang được xây dựng.
Khoa Điều trị tia xạ, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ hiện sử dụng 1 máy xạ trị hiệu Bhabhatron II do Ấn Độ sản xuất sử dụng nguồn phóng xạ Cobalt-60. Thiết bị xạ trị này được tài trợ bởi Cơ quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế. Khoa Điều trị tia xạ đã sử dụng máy này để tiến hành xạ trị cho bệnh nhân ung thư với các loại bệnh lý như: ung thư vùng đầu, mặt, cổ, ung thư vú, ung thư phổi, đường tiêu hóa, phụ khoa, ung thư phần mềm,...
Tại thời điểm năm 2010, công suất đạt 150 bệnh/ngày. Tuy nhiên đến nay sau 3 lần bán hủy, công suất hiện hữu chỉ còn khoảng 60 bệnh/24 giờ xạ tiêu chuẩn. Trong khi đó, lượng bệnh chờ xạ gấp 5 lần công suất máy (khoảng 300 bệnh nhân chờ xạ trị), vì thế thời gian chờ xạ bệnh nhân kéo dài (2 đến 3 tháng).

Bệnh viện hiện chỉ có 1 máy xạ trị nhưng đã lạc hậu và nhiều lần xuất hiện hư hỏng trong quá trình sử dụng.(Ảnh: Thanh Tiến).
Theo các bác sĩ, việc chờ xạ trị lâu có thể dẫn đến ung thư tái phát, tiến triển, chuyển thành giai đoạn di căn, gây thất bại chiến lược điều trị đa mô thức.
“Việc chờ đợi xạ trị quá lâu mà bệnh của bệnh nhân chuyển giai đoạn nặng hơn cũng là một điều đáng tiếc”, BS.CKII. Trần Thanh Phong - Trưởng Khoa Điều trị tia xạ, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ chia sẻ.
Đáng chú ý là theo Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, máy Xạ trị Cobalt đã lạc hậu và nhiều lần xuất hiện hư hỏng trong quá trình sử dụng. Trong năm 2024, có hơn 10 lần máy bị hỏng, cần sửa chữa trong 1 đến 2 ngày khiến số bệnh nhân chờ đến lượt xạ trị cứ tăng lên. Bệnh viện đã trình các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ để xin được đầu tư mới hệ thống máy xạ trị gia tốc thay thế cho máy xạ trị Cobalt lạc hậu.
“Rất mong, trong khi chờ đợi bệnh viện mới đi vào hoạt động, UBND thành phố đầu tư trước cho bệnh viện một máy xạ trị gia tốc để thay thế máy xạ trị Cobalt này. Thứ nhất giải quyết tình trạng quá tải để bệnh nhân được xạ trị kịp thời. Thứ 2 là cải thiện chất lượng điều trị, bệnh nhân được tiếp cận kỹ thuật điều trị mới, kỹ thuật cao để điều trị bệnh nhân có hiệu quả hơn.”, BS.CKII. Trần Thanh Phong - Trưởng Khoa Điều trị tia xạ, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ chia sẻ thêm.
Dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (500 giường) được khởi công từ tháng 10/2017. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thi công, công trình vẫn chưa hoàn thành và đang phải tạm ngưng xây dựng từ tháng 7/2022.
Hơn 7 năm sau khi khởi công, công trình vẫn chưa hoàn thành và đang phải tạm ngưng xây dựng từ tháng 7/2022.(Ảnh: Thanh Tiến).
Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, trong quá trình thực hiện, do ảnh hưởng của dịch bệnh và một số nguyên nhân khách quan, tiến độ triển khai thực hiện dự án không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Từ đó chậm tiến độ giải ngân so với Hiệp định vay viện trợ ràng buộc ưu đãi ký giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hungary.
Hiệp định vay hết hiệu lực vào ngày 11/7/2022 và không thể thực hiện gia hạn hay ký mới (không thể tiếp tục sử dụng nguồn vốn vay từ Chính phủ Hungary) do đó, dự án đã ngưng thi công.
Mới đây tại phiên họp 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo nghị quyết quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề nghị Bộ trưởng KH&ĐT lưu ý, tập trung cao xử lý dứt điểm dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sử dụng vốn vay ODA của Hungary. "Dự án bệnh viện bỏ hoang mấy năm nay. Tôi đến mấy lần, rất sốt ruột", Chủ tịch Quốc hội nói.