Bệnh đậu mùa khỉ: Con đường lây truyền và biện pháp có thể ngăn ngừa nhiễm virus

Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở nhiều quốc gia. Trong báo cáo mới nhất, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết có 4.298 trường hợp được xác nhận mắc đậu mùa khỉ tại nước này. 120 người đã phải nhập viện và một người tử vong.

Tại Việt Nam, tính đến ngày hôm nay chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nguy cơ đậu mùa khỉ xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, việc hiểu biết về đường lây truyền và các biện pháp có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh là vô cùng quan trọng.

Con đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ

Sự lây truyền virus đậu mùa ở khỉ xảy ra khi một người tiếp xúc với virus từ động vật, người hoặc vật liệu bị nhiễm virus (dịch tiết, chất thải, áo quần, chăn ga gối nệm…). Virus xâm nhập vào cơ thể qua da bị tổn thương, đường hô hấp hoặc niêm mạc (mắt, mũi hoặc miệng).

Sự lây truyền từ động vật sang người có thể xảy ra do vết cắn hoặc vết xước, sơ chế thịt động vật, tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể hoặc tiếp xúc gián tiếp với vật liệu bị nhiễm virus.

Sự lây truyền từ người sang người được cho là chủ yếu xảy ra qua các giọt bắn lớn đường hô hấp. Các giọt bắn lớn đường hô hấp thường không thể di chuyển quá vài mét, vì vậy cần phải tiếp xúc trực tiếp lâu dài (nhân viên y tế, các thành viên trong gia đình bệnh nhân, người tiếp xúc gần là có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn). Các phương thức lây truyền từ người sang người khác bao gồm tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể hoặc tiếp xúc gián tiếp với vật liệu bị nhiễm virus.

Sự lây truyền cũng có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi (có thể dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh) hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Mặc dù tiếp xúc cơ thể gần gũi là một yếu tố nguy cơ lây truyền được biết đến nhiều, nhưng tại thời điểm này vẫn chưa rõ liệu bệnh đậu khỉ có thể lây truyền cụ thể qua đường tình dục hay không.

Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở nhiều quốc gia.

Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở nhiều quốc gia.

Vật chủ tự nhiên của virus đậu mùa khỉ (vật mang mầm bệnh chính):

Nhiều loài động vật khác nhau đã được xác định là bị bệnh đậu mùa khỉ: Bao gồm sóc Congo, chuột túi khổng lồ Châu Phi, chuột sóc, động vật linh trưởng không phải người và các loài khác. Cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác định (các) ổ chứa chính xác và cách thức tồn tại virus trong tự nhiên.

Nếu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa ở khỉ, nhân viên y tế nên thu thập mẫu bệnh phẩm thích hợp và vận chuyển an toàn đến phòng thí nghiệm. Việc xác nhận bệnh đậu mùa ở khỉ phụ thuộc vào loại và chất lượng của bệnh phẩm và loại xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Xét nghiệm phản ứng chuỗi Polymerase (PCR) là xét nghiệm thường được dùng trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán.

Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Có một số biện pháp có thể được thực hiện để ngăn ngừa nhiễm virus đậu mùa khỉ:

- Hạn chế buôn bán động vật hoang dã

- Tránh tiếp xúc với động vật có thể chứa virus (bao gồm động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).

- Nấu chín thịt và các sản phẩm động vật khác.

- Tránh tiếp xúc với bất kỳ vật liệu nào, chẳng hạn như khăn trải giường… đã tiếp xúc với động vật bị bệnh.

- Cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh với những người khác có thể có nguy cơ nhiễm bệnh.

- Thực hành tốt vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh. Ví dụ, rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn.

- Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE) khi chăm sóc bệnh nhân.

Thực hành tốt vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh đậu khỉ mùa.

Thực hành tốt vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh đậu khỉ mùa.

Năm 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt khẩn cấp vaccine JYNNEOSTM phòng bệnh đậu mùa ở người (còn được gọi là Imvamune hoặc Imvanex) để phòng chống bệnh đậu mùa ở khỉ (có hiệu quả ít nhất 85%). Việc tiêm phòng sau khi tiếp xúc với bệnh đậu mùa ở khỉ có thể giúp ngăn ngừa bệnh hoặc làm cho bệnh ít nghiêm trọng hơn. Điểm hạn chế là tính không có sẵn của vaccine này.

Tóm lại, việc điều trị bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu là chăm sóc toàn diện, nâng cao chế độ dinh dưỡng, điều trị giảm nhẹ triệu chứng, quản lý biến chứng và tránh di chứng lâu dài. Phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh đậu mùa khỉ là công tác then chốt để kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp do nhiễm virus đậu mùa khỉ (Monkeypox virus). Virus đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus trong họ Poxviridae. Chi Orthopoxvirus có khoảng 12 loại virus, bao gồm virus Variola (gây bệnh đậu mùa ở người), virus gây bệnh đậu mùa ở bò, virus gây bệnh đậu mùa ở ngựa, virus gây bệnh đậu mùa ở khỉ…

Mời độc giả xem thêm video:

ThS. BS Nguyễn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//benh-dau-mua-khi-con-duong-lay-truyen-va-bien-phap-co-the-ngan-ngua-nhiem-virus-169220730103628723.htm
Zalo