Bên ni, bên nớ Hiền Lương

Trong ngày nắng đẹp hiếm hoi của tháng chạp năm Giáp Thìn, tôi đi dọc theo con đường bê tông đê tả Bến Hải để tìm về những vùng đất anh hùng của Vĩnh Linh, Gio Linh, để nghe, để thấy sự đổi thay ngoạn mục nơi một thời lửa đạn mưa bom chia cắt đôi bờ giới tuyến.

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải - Ảnh: HOÀNG TÁO

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải - Ảnh: HOÀNG TÁO

1. Đã vài lần đến di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi dọc một khúc dài dòng sông lịch sử này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp, sự hào hùng chất chứa trong nó, đặc biệt là sự đổi thay ở đôi bờ. Từ phía Bắc chân cầu Hiền Lương, tôi chạy xe máy men theo con đường bê tông đê tả Bến Hải, đi thật chậm, quan sát từng khúc sông, nhìn và cảm nhận sức sống mãnh liệt, sự vươn lên không ngừng của những miền quê ở hai bên bờ .

Trong ngày nắng đẹp hiếm hoi cuối năm, dòng Bến Hải lặng lờ trôi, nước sông không chở nặng phù sa vì mấy ngày trước thượng nguồn không có mưa nên thấy rõ từng ráng vàng lấp lánh. Bên ni Vĩnh Linh, những cánh đồng bát ngát đang được người dân khẩn trương vào vụ lúa mới, thi thoảng tôi bắt gặp khu vực nuôi trồng thủy sản của bà con.

Bên nớ Gio Linh, thấp thoáng những khu dân cư với nhiều ngôi nhà mới xây khang trang, con đường men sông cũng nhộn nhịp xe cộ như minh chứng cho sự đổi thay không ngừng nơi đôi bờ một thời bị chia cắt.

Đến cuối hạ lưu con sông, nơi dòng Bến Hải hòa vào Biển Đông ở Cửa Tùng, tôi rẽ vào thôn Tùng Luật của xã Vĩnh Giang, nơi có Di tích quốc gia Bến đò B. Nơi đây, trong giai đoạn 1968-1972 dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, lực lượng thanh niên xung phong 771, Nhân dân thôn Tùng Luật, dân quân các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang... đã bảo đảm sự hoạt động liên tục của bến đò, kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ anh hùng đưa hơn 78.000 lượt thuyền qua về, đã vận chuyển hơn 2 triệu lượt người và hàng vạn tấn vũ khí, hàng hóa. Chiến công oanh liệt từ bến đò Tùng Luật được tôn vinh như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ấn tượng lớn nhất với tôi khi đến Tùng Luật là đường làng ngõ xóm đều được rải nhựa hoặc đổ bê tông rất sạch đẹp, thoáng rộng; nhà cửa xây dựng kiên cố, khang trang. Trưởng thôn Tùng Luật Nguyễn Xuân Quỳnh hồ hởi chia sẻ: “Cả thôn có 1.300 nhân khẩu với 350 hộ. Người dân chủ yếu khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, một phần buôn bán, bên cạnh đó con em đi xuất khẩu lao động nhiều nên kinh tế địa phương ổn định. Thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/người/năm. An ninh trật tự ổn định. Được Đảng và Nhà nước rất quan tâm nên tỉ lệ hộ nghèo giảm dần theo hằng năm, đến nay Tùng Luật chỉ còn 7 hộ nghèo, chiếm 2% dân số trong thôn”.

Vừa trò chuyện, ông Quỳnh vừa chỉ tay “khoe” công trình nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà thôn đang xây dựng. “Thôn chúng tôi có 20 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 130 liệt sĩ, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bia ghi danh này được xây dựng với kinh phí 500 triệu đồng, hoàn toàn bằng nguồn đóng góp của con em Tùng Luật xa quê, chưa huy động người dân trong thôn”, ông Quỳnh nói.

Bến đò Tùng Luật (Bến đò B), di tích lịch sử quốc gia - Ảnh: Q.HẢI

Bến đò Tùng Luật (Bến đò B), di tích lịch sử quốc gia - Ảnh: Q.HẢI

Sự đổi thay, phát triển từng ngày của Tùng Luật cũng là bức tranh chung của xã Vĩnh Giang anh hùng hôm nay. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Phùng Thế Đạt, cùng với truyền thống anh hùng, con người Vĩnh Giang rất chịu thương chịu khó vươn lên, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

“Vĩnh Giang là một trong những xã đầu cầu giới tuyến miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong chiến tranh, Vĩnh Giang vinh dự được Đảng, Nhà nước 3 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào các năm 1967, 1970, 1973. Trong quá trình tái lập xây dựng, Vĩnh Giang là xã bãi ngang nghèo ven biển nhưng các thế hệ luôn phát huy được truyền thống, tinh thần vươn lên.

Năm 2017, xã quyết tâm thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình các cấp công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Con em Vĩnh Giang rất hiếu học nên hàng năm tỉ lệ thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng cao. Tình hình an ninh trật tự địa bàn luôn được đảm bảo. Đặc biệt năm 2024, Vĩnh Giang không có đơn thư khiếu nại tố cáo”, ông Đạt chia sẻ.

2. Rời Vĩnh Giang, tôi qua cầu Cửa Tùng để tìm về một mảnh đất anh hùng khác bên bờ Nam sông Bến Hải, đó là xã Trung Giang của huyện Gio Linh. Ông Hoàng Ngọc Dũng năm nay 79 tuổi, ở làng Cát Sơn, từng tham gia lực lượng du kích địa phương, là người bám trụ mảnh đất Trung Giang từ thời chiến đến khi hòa bình lập lại và xây dựng quê hương đổi mới phát triển. Trong câu chuyện của mình, ông Dũng luôn thể hiện niềm tự hào với truyền thống anh hùng cách mạng, phẩm chất chịu thương chịu khó vươn lên của người Trung Giang.

“Trong chiến đấu, Trung Giang là một đơn vị anh hùng, bám trụ giữ làng, lập nhiều thành tích. Năm 1967, xã Trung Giang giải phóng, đến năm 1973 thì dân di tản bắt đầu trở về xây dựng quê hương. Hồi đó, thôn Cát Sơn (nay tách ra hai thôn Nam Sơn và Bắc Sơn-PV) của xã Trung Giang là một trong những hợp tác xã đầu đàn của tỉnh Quảng Trị, sản xuất hàng năm sản lượng khá. Thời bao cấp nhưng đời sống của người dân no đủ.

Đến thời kỳ đổi mới, Trung Giang cũng đi đầu trong phát triển kinh tế, như việc thành lập hợp tác xã kiểu mới. Từ đó về sau này, càng ngày Trung Giang càng phát triển mạnh. Đi lên cùng với tiến trình đất nước, Trung Giang có bước phát triển nhảy vọt về mọi mặt từ kinh tế, xã hội cho đến đời sống văn hóa, tinh thần”, ông Dũng tự hào.

Làng Cát Sơn, xã Trung Giang đổi thay từng ngày - Ảnh: Q.HẢI

Làng Cát Sơn, xã Trung Giang đổi thay từng ngày - Ảnh: Q.HẢI

Có thời gian kinh qua 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch xã Trung Giang (từ năm 1991 đến 2000) nên có lẽ hơn ai hết, ông Dũng cảm nhận rõ nhất sự đổi thay từng ngày của mảnh đất Trung Giang anh hùng. Ông kể vào những năm 1990 đến 2000, Trung Giang khó nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng, nhưng bằng cách này cách khác xã đã tiếp cận được các cơ quan nhà nước xin được con đường nối từ trung tâm xã đến các thôn, giải quyết vấn đề giao thông cho người dân. Tiếp đó, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và Nhân dân đóng góp, Trung Giang xây được ngôi trường cấp 1, cấp 2 để đảm bảo con em không ai phải bỏ học...

“Cùng với phẩm chất chăm chỉ, khát vọng vươn lên của người dân, các thế hệ cán bộ đã nối tiếp được truyền thống Trung Giang, phát huy tinh thần lãnh đạo để đưa đời sống kinh tế bà con ngày càng phát triển.

Bây giờ về Cát Sơn chẳng khác gì thành phố khi có đê kè để bà con đi bộ tập thể dục buổi sáng, có bến cá để thuận lợi cho tàu thuyền cập bến và có cả bãi tắm vừa được Nhà nước đầu tư. Cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được quan tâm đầu tư để Nhân dân hưởng thụ cho thấy Trung Giang đã đổi thay, phát triển từng ngày”, ông Dũng nói.

Chủ tịch UBND xã Trung Giang Nguyễn Đức Phới vui mừng thông tin thêm, địa phương đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, hiện đang xây dựng thôn Nam Sơn trở thành thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất của Trung Giang ước đạt 376,989 tỉ đồng, tăng gần 7,5% so với năm 2023; thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm trước. Các chỉ tiêu về kinh tế hầu hết đạt và vượt trội so với kế hoạch.

Cùng với Vĩnh Giang, Trung Giang, đi dọc đôi bờ Bến Hải hôm nay, chúng ta dễ dàng cảm nhận rõ sự đổi thay, phát triển từng ngày của những miền quê một thời phải hứng chịu bom đạn chiến tranh tàn phá. Ở đó, bằng sự cần cù lao động, bằng phẩm chất kiên trung, khát vọng vươn lên, những bàn tay, khối óc của người Vĩnh Linh và Gio Linh nói riêng, người Quảng Trị nói chung đang nỗ lực kiến tạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Quang Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ben-ni-ben-no-hien-luong-191355.htm
Zalo