Bền bỉ, duy trì xử lý nồng độ cồn
Mặc dù người vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã giảm, thế nhưng, thời gian qua, lực lượng chức năng vẫn phát hiện hàng nghìn trường hợp vi phạm. Do vậy, những chốt kiểm tra nồng độ cồn vẫn cần được duy trì bền bỉ trên đường phố.
Vi phạm giảm sâu
Trong thời gian cao điểm từ 15/12/2024 đến 14/2/2025, Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội đã xử lý 9.264 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (so với thời gian liền kề giảm 2.994 trường hợp, giảm khoảng 24,4%).
Mặc dù ý thức người dân đã được nâng cao, tuy nhiên, vẫn còn nhiều người vẫn cố tình vi phạm, nhiều “ma men” vẫn còn trên đường phố. Tại các tổ làm việc của CSGT vẫn còn ghi nhận tình trạng vi phạm nồng độ cồn. Không ít người biết rõ bị phạt nặng nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Những chốt kiểm tra nồng độ cồn cần được duy trì bền bỉ trên đường phố.
Ghi nhận cùng tổ công tác thuộc Đội CSGT đường bộ số 5 thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội). Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác kiểm tra hàng loạt tài xế lưu thông theo hướng đi trung tâm thành phố, đồng thời phát hiện một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Đáng chú ý nhất trong số các trường hợp vi phạm, nam tài xế điều khiển xe máy biển kiểm soát 29 - K1 010.XX đã có hành động quay đầu bỏ chạy khi thấy lực lượng CSGT. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị trước, tổ công tác vẫn có thể dừng xe 29 - K1 010.XX và yêu cầu tài xế hợp tác.
Sau quá trình kiểm tra, nam tài xế trên vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,035/lít khí thở. Bên cạnh lỗi vi phạm nồng độ cồn, nam tài xế còn bị xử phạt thêm 3 lỗi (điều khiển phương tiện tham gia giao thông không có gương chiếu hậu, không mang theo giấy phép lái xe và đăng ký xe).
Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó trưởng Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của lực lượng CSGT Thủ đô. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT và Công an TP Hà Nội, ngay từ đầu năm, Phòng CSGT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cao điểm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trọng tâm, trong đó vi phạm nồng độ cồn là một trong các nhóm hành vi được lực lượng CSGT tập trung xử lý quyết liệt”.
Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, việc xử lý quyết liệt nồng độ cồn trong thời gian vừa qua đã được các cấp, ngành và Nhân dân đánh giá cao, đi sâu vào cuộc sống từng hộ gia đình. Giải quyết được tình trạng có nồng độ cồn trong hơi thở khi tham gia giao thông, không chỉ góp phần bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), hạn chế tai nạn mà còn phòng ngừa những hành vi phạm tội bột phát gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng, vi phạm nồng độ cồn là một trong 3 nguyên nhân cơ bản gây tai nạn giao thông. Do vậy, lực lượng CSGT đã rốt ráo xử lý hành vi vi phạm này. Điều này đã tạo được những dấu ấn, tác động tích cực đến đời sống xã hội và đem lại những hiệu quả bước đầu.
Xử phạt quyết liệt
Mặc dù người vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã giảm, ý thức dần được nâng cao, thế nhưng, thời gian qua, lực lượng chức năng vẫn phát hiện hàng nghìn trường hợp vi phạm. Do vậy, những chốt kiểm tra nồng độ cồn vẫn cần được duy trì trên đường phố vào tất cả các khung giờ kể cả giữa đêm.
Theo nhiều chuyên gia, Hà Nội cần đẩy mạnh nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm duy trì thành quả đã đạt được cũng như tiếp tục kéo giảm tỷ lệ TNGT liên quan đến nồng độ cồn.
Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương nhận định, việc xử phạt kết hợp với truyền thông là một trong những giải pháp rất quan trọng để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Do vậy, Hà Nội cần tiếp tục tập trung tuyên truyền những hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, nhất là điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn.
Đồng thời, tuyên truyền về mức xử phạt hành chính đối với hành vi này cũng như hậu quả mà hành vi mang lại. Công tác tuần tra, xử lý vi phạm vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh và trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được phát hiện và xử lý nghiêm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Qua đó, sẽ hình thành văn hóa, thói quen đã uống rượu, bia là không lái xe trong xã hội.
“Hướng tới xây dựng một xã hội không xảy ra TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Văn hóa đã uống rượu, bia không lái xe sẽ tiếp tục được duy trì trên địa bàn TP nói chung cũng như trên địa bàn cả nước, lực lượng chức năng cần bền bỉ, duy trì xử lý, xử phạt, không chủ quan bởi vẫn còn hàng nghìn “ma men” được phạt hiện trên đường phố chỉ trong thời gian ngắn” – ông Nguyễn Văn Dương chia sẻ.
Để tiếp tục kéo giảm tình trạng người dân tham gia giao thông có nồng độ cồn trong hơi thở, Đại diện chỉ huy Phòng CSGT Hà Nội cho biết: “Phòng CSGT đã có các kế hoạch chi tiết để triển khai công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiến hành liên tục thay đổi phương thức, khung giờ tuần tra, lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm để không bỏ sót vi phạm. Lực lượng chức năng cũng sẽ kiên quyết xử lý vi phạm. Đặc biệt là các đối tượng lợi dụng việc uống rượu, bia để thực hiện hành vi càn quấy, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép hoặc có dấu hiệu hình sự xuất phát từ rượu, bia”.