Hà Nội xây 3 cầu vượt sông Hồng giải bài toán ùn tắc giao thông trong nội thành
Sau khi hoàn thành, cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên và Ngọc Hồi sẽ góp phần làm giảm áp lực giao thông trong nội thành Hà Nội, đồng thời làm tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân số khi ngoại thành được đô thị hóa.
Sáng 25/2, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên và Ngọc Hồi. Theo nội dung nghị quyết, 3 cây cầu trên sẽ thực hiện trong giai đoạn từ 2025 - 2030, với tổng mức đầu tư khoảng 47.982 tỷ đồng.
Thẩm tra nội dung trên, HĐND TP Hà Nội cho biết, việc đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo sẽ giảm áp lực giao thông, hoàn thiện mạng lưới kết nối đô thị, trong điều kiện các cầu vượt sông Hồng như Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì đang chịu áp lực giao thông rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giờ cao điểm.

Giai đoạn 2025-2030, TP Hà Nội dự kiến hoàn thiện thêm 3 cây cầu vượt sông Hồng. Ảnh: Hoàng Hà
Còn việc xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn 2 đầu cầu nhằm cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Hồng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực làm tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân số, giảm áp lực giao thông trong khu vực trung tâm Hà Nội.
Theo HĐND TP Hà Nội, việc xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường đầu cầu sẽ hoàn thiện theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 3,5 của thành phố theo quy hoạch giao thông. Khi hoàn thiện cầu Ngọc Hồi và tuyến đường 3,5 sẽ tránh được tình trạng phương tiện đi về phía Bắc, Tây Bắc phải đi qua nội thành.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài khoảng 5,6km, điểm đầu tại khu vực đường Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm), điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thuận (quận Long Biên).
Cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng có kết cấu vòm gồm 6 nhịp, rộng 43m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới. Đường dẫn hai đầu cầu rộng khoảng 30m, với tổng chiều dài khoảng 2,25km.
UBND TP Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo khoảng 15.967 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025-2027.
Cầu Tứ Liên và đường 2 đầu cầu từ nút giao đường Nghi Tàm đến nút giao đường Trường Sa với chiều dài khoảng 5,15km. Dự án nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, Long Biên và huyện Đông Anh.
Dự án gồm nhiều hạng mục, trong đó cầu Tứ Liên vượt sông Hồng có chiều dài 1km, rộng 43m; cầu vượt sông Đuống dài 0,3km, rộng 44m, cầu vượt đê tả Đuống dài 0,08km, rộng 34m.
Cầu dẫn phía quận Tây Hồ dài 1,4km, rộng từ 27,5m - 44m, cầu dẫn phía huyện Đông Anh dài khoảng 0,4km, rộng 35m.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn 2 đầu cầu có tổng mức đầu tư 20.171 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025-2027.
UBND TP Hà Nội cũng trình HĐND TP thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND TP Hà Nội làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn 2 đầu cầu.
Tổng chiều dài cầu Ngọc Hồi (nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5 của TP Hà Nội) và đường dẫn 2 đầu cầu khoảng 7,5km. Trong đó, chiều dài cầu chính và cầu dẫn 7,2km, rộng 33m; đường dẫu đầu cầu phía Hưng Yên khoảng 300m, rộng 60m.
Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.844 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP và Trung ương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025-2030.