Bé trai 6 tháng tuổi bị bỏng thực quản vì uống nhầm lọ thuốc trị mụn cóc

Do nhầm tưởng lọ thuốc trị mụn cóc với ống men vi sinh, người nhà đã cho bé K. (6 tháng tuổi, ngụ Tây Ninh) uống. Sau khi uống, bé K. đã nôn ói, khó thở và được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Ngày 1/10, BS.CKI Lý Phạm Hoàng Vinh, khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh nhi K. được bệnh viện địa phương chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 vào ngày 26/9. Bé được hỗ trợ đường thở, chăm sóc tại khoa Hồi sức tích cực- Chống độc.

Hình ảnh nội soi cho thấy thực quản bé K bị bỏng độ 2. Ảnh: BV

Hình ảnh nội soi cho thấy thực quản bé K bị bỏng độ 2. Ảnh: BV

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, sau khi hội chẩn các chuyên khoa liên quan, bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành soi đường thở và soi thực quản cấp cứu cho bé. Kết quả soi cho thấy, vùng họng sung huyết, lở loét; thanh quản của bé phù nề gây khó thở và thực quản bị bỏng độ 2, phải đặt ống sonde dạ dày.

“Bệnh nhi sẽ không thể ăn qua miệng mà phải uống sữa và chất lỏng qua sonde trong thời gian dài, cũng như phải tái khám soi nong thực quản định kì nếu bị biến chứng hẹp thực quản”, bác sĩ Vinh thông tin.

Qua khai thác bệnh sử thì được biết, người nhà đã nhầm ống thuốc men vi sinh với thuốc điều trị mụn cóc nên cho bé uống. Theo bác sĩ Vinh, thuốc trị mụn cóc có thành phần chính là các loại axit, chỉ sử dụng ngoài da. Khi uống vào sẽ gây hoại tử các lớp niêm mạc và cơ của thực quản, có thể gây biến chứng hẹp thực quản, nặng hơn là thủng thực quản…

Người nhà nhầm lọ thuốc trị mụn cóc với ống men vi sinh. Ảnh: BV

Người nhà nhầm lọ thuốc trị mụn cóc với ống men vi sinh. Ảnh: BV

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu 15 - 20 trường hợp trẻ em bị bỏng thực quản do uống nhầm axit hoặc kiềm, để lại di chứng kéo dài và chi phí điều trị cũng khá cao. Bác sĩ Lý Phạm Hoàng Vinh khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần cẩn thận khi lưu trữ các loại dung dịch này, không để lẫn lộn và nên để các loại hóa chất ngoài tầm tay của trẻ em. Nếu trẻ lỡ uống nhầm thì người nhà nên đưa ngay đến bệnh viện để điều trị cấp cứu kịp thời, hạn chế di chứng cho trẻ.

BS.CK2 Ngô Thị Thanh Thủy, Phó khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ngộ độc là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây tử vong ở trẻ trong nhóm tai nạn thương tích, xếp sau đuối nước và tai nạn giao thông. Ngộ độc hóa chất như dược - mỹ phẩm, tiếp đến là nhóm hóa chất tẩy rửa, sau cùng là nhóm hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… Ngộ độc hóa chất có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó nhóm trẻ dưới 6 tuổi thường chiếm nhiều nhất.

Trước đó, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị những trường hợp ngộ độc như thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu. Đáng lưu tâm là trường hợp bé trai 2 tuổi ăn nhầm những viên thuốc diệt chuột màu hồng vì nghĩ là kẹo ngọt. Rất may, gia đình đã phát hiện và đưa đến bệnh viện để được các y bác sĩ xử trí, rửa dạ dày, dùng chất đối kháng giúp qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Thủy lưu ý phụ huynh, cần nghĩ ngay đến khả năng trẻ bị ngộ độc khi phát hiện trẻ đã tiếp xúc hoặc ăn, uống nhầm hóa chất, kèm theo đó, còn có các dấu hiệu bất thường về hô hấp và thần kinh. Phụ huynh nên bình tĩnh và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được y bác sĩ kiểm tra, can thiệp. Tuyệt đối không gây nôn cho trẻ khi sơ cứu tại nhà vì thao tác sai có thể khiến trẻ trở nặng. Lưu ý thời gian vàng có thể loại bỏ các hóa chất là từ một đến ba giờ sau khi trẻ dung nạp.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên sử dụng các chai lọ chuyên dụng để lưu trữ hóa chất. Tránh chiết hay để hóa chất vào các vật dụng bắt mắt hoặc có dán nhãn thông thường như nước, sữa... Cần để các hóa chất ở xa tầm tay của trẻ, nhất là nhóm trẻ dưới 6 tuổi, bởi đây là nhóm tuổi thích khám phá. Những điều này góp phần chủ động phòng ngừa các sự cố ngộ độc hóa chất tiếp diễn.

Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/be-trai-6-thang-tuoi-bi-bong-thuc-quan-vi-uong-nham-lo-thuoc-tri-mun-coc-20241001180852890.htm
Zalo