Nhập viện vì uống thuốc sai cách
Uống cùng lúc thuốc kháng viêm và kháng đông, nam bệnh nhân 72 tuổi bị xuất huyết tiêu hóa gây thiếu máu nặng với nguy cơ tử vong cao.
Ngày 18/11, bác sỹ Huỳnh Phúc Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân nhập viện trong trạng thái mặt phù tròn, huyết áp tụt, mệt nhiều, đi tiêu ra máu đỏ. Bệnh nhân được truyền máu cấp cứu, đồng thời nội soi đường tiêu hóa cấp cứu để tìm nguyên nhân.
Kết quả cho thấy có tình trạng viêm dạ dày, không thấy nguyên nhân chảy máu ở đường tiêu hóa trên và dưới. Chẩn đoán hướng đến chảy máu từ ruột non, nên bệnh nhân được chụp CT cắt lớp vùng bụng, phát hiện nhiều túi thừa ở đại tràng, có dấu hiệu xuất huyết.
Túi thừa đại tràng là một túi niêm mạc và dưới niêm mạc đại tràng nhô ra ngoài thành đại tràng. Theo các bác sỹ, đây là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi. Hầu hết bệnh nhân có túi thừa đại tràng không có triệu chứng và khoảng 20% có triệu chứng đau bụng hoặc chảy máu đường tiêu hóa do viêm hoặc xuất huyết.
Khoảng 75% chảy máu từ túi thừa có thể tự ngừng, nhưng nguy cơ chảy máu tái phát cao khoảng 50%.
Trước đó 3 tháng, bệnh nhân được can thiệp tái thông mạch vành, uống thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu đều đặn theo hướng dẫn của bác sỹ.
Ông bị bệnh viêm khớp nhiều năm, thường xuyên đau nhức nên uống nhiều loại thuốc Đông y, thực phẩm chức năng để cải thiện triệu chứng, hậu quả là ông bị hội chứng Cushing do thuốc. Thời gian gần đây, do đau khớp nhiều, ông uống lại thuốc Đông y dẫn tới xuất huyết tiêu hóa nặng.
Bác sỹ Nguyên lý giải, bệnh nhân bị bệnh lý túi thừa đại tràng từ lâu nhưng không phát hiện. Ông uống các loại thuốc trị bệnh đau khớp nhiều năm, trong thuốc có thể chứa corticosteroid và NSAID (Non-steroidal anti-inflammatory drug).
Các thuốc kháng viêm này có nguy cơ gây viêm và tổn thương niêm mạc túi thừa, dẫn đến chảy máu. Thời gian dùng thuốc càng lâu dài, nguy cơ viêm túi thừa và xuất huyết tiêu hóa dưới càng cao.
Bệnh nhân được truyền máu, bồi hoàn thể tích tuần hoàn và hỗ trợ tim mạch. Tình trạng xuất huyết tiêu hóa do thuốc ngưng và huyết động của bệnh nhân ổn định sau 24 giờ.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định, ăn uống bình thường, đi lại nhẹ nhàng, được xuất viện 3 ngày sau đó.
Các yếu tố nguy cơ gây viêm và xuất huyết túi thừa đại tràng bao gồm lớn tuổi, bệnh tim mạch, đái tháo đường, các thuốc kháng viêm…
Thuốc kháng đông, thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu được dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh lý động mạch, rung nhĩ… Việc tự ý kết hợp những loại thuốc này sẽ tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa.
Bác sỹ Nguyên khuyến cáo, người mắc bệnh tim, đặc biệt là người đang uống thuốc kháng đông, thuốc kháng tiểu cầu không được tự ý uống các loại thuốc khác mà không có ý kiến của bác sỹ, nhất là thuốc kháng viêm, giảm đau. Điều này nhằm tránh các tai biến và biến chứng nguy hiểm.