Bế mạc trọng thể Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Hình ảnh quốc hoa Việt Nam lan tỏa khắp nơi
Sáng 8-5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam TPHCM (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM), Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 với chủ đề 'Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững' chính thức bế mạc.
Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự lễ bế mạc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình gặp gỡ đại biểu dự lễ bế mạc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ đại biểu dự lễ bế mạc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về phía lãnh đạo Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam có sự tham dự của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, cùng chư tôn đức giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự của GHPG Việt Nam.
Buổi lễ còn có sự tham dự của Hòa thượng GS.TS. Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Tổ chức Đại lễ Vesak năm 2025; bà Inlavanh Keobounphanh, Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; ông Chhat Chhet, Quốc vụ khanh Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Vương quốc Campuchia; cùng các các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, các bộ, ban, ngành Trung ương, TPHCM, đại diện các quốc gia trên thế giới...
Góp phần làm sức mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam đọc diễn văn bế mạc.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đọc diễn văn bế mạc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đó, Đại lễ Vesak năm nay nhận được hơn 1.000 bài tham luận, tập trung vào chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, đã một lần nữa khẳng định, trong giáo lý của Phật giáo, triết lý đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.
Đoàn kết và bao dung không chỉ là học thuyết đạo đức Phật giáo, mà mãi là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, lời nói và hành động của con người để xây dựng xã hội an hòa, ít xung đột, tràn ngập thương yêu. Như bài phát biểu quan trọng tại đại lễ, Chủ tịch nước Lương Cường đưa ra thông điệp: “Chúng ta cần biến tâm từ bi thành chính sách, biến trí tuệ thành định hướng phát triển, biến tinh thần Vô ngã - Vị tha thành kim chỉ nam cho hành động chung” trong bối cảnh thế giới đầy biến động ngày nay".


Các đại biểu dự lễ bế mạc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phật giáo Việt Nam luôn hòa mình với dòng chảy văn hóa dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Triết lý đoàn kết và bao dung của Phật giáo đã góp phần làm nên bản sắc và sức mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc; góp phần làm sâu sắc hơn tinh thần "yêu nước, thương nòi", lòng khoan dung, trọng nhân, trọng nghĩa, nét văn hóa yêu thương đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, "lá lành đùm lá rách"… vốn đã thấm sâu trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi người Việt Nam.
Đoàn kết là di sản vô giá, là truyền thống quý báu của mỗi người Việt Nam; là sức mạnh đưa Việt Nam trở thành một dân tộc hùng cường, luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng mọi kẻ thù. Như Tổng thống Sri Lanka trong phiên khai mạc đã bày tỏ: “Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời đã mở ra con đường vươn lên đầy dũng cảm, bất chấp hàng trăm năm trải qua những đau thương. Chúng tôi tự hào về những thành tựu to lớn mà đất nước các bạn đã đạt được ngày hôm nay từ một quốc gia từng chịu đựng những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất và những bất công nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tôi cũng xin được gọi đất nước các bạn là miền đất của sự kiên cường”.
Đại lễ Vesak năm 2025 được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam (TPHCM) đã thành công rực rỡ. Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu gửi lời cảm ơn tất cả đại biểu đã đến với Việt Nam, với TPHCM với những tình cảm đặc biệt nhất.
Thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm của đất nước Việt Nam
Phát biểu tại lễ bế mạc, Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV) cho biết, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, trang nghiêm và đầy cảm hứng, Đại lễ Vesak 2025 được tổ chức tại TPHCM đã khép lại trong thành công tốt đẹp.

Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV) phát biểu tại lễ bế mạc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại lễ có những diễn đàn học thuật sôi nổi, với sự hiện diện và tham luận sâu sắc từ chư tôn đức, các học giả, đại diện các Chính phủ và tổ chức quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, những thách thức của thời đại như xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng hay khủng hoảng đạo đức… đã được đặt lên bàn thảo luận với tinh thần trách nhiệm; khẳng định vai trò thiết yếu của đạo đức, đối thoại liên văn hóa và sự đồng hành của các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo trong việc xây dựng hòa bình cho thế giới hôm nay và mai sau.

Bế mạc trọng thể Đại lễ Vesak năm 2025. Ảnh: VIỆT DŨNG
"Sự hiện diện của chúng ta tại TPHCM - một thành phố năng động, giàu truyền thống lịch sử và lòng mến khách, là minh chứng cho cam kết chung của cộng đồng Phật giáo toàn cầu trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, nhân ái và bền vững. Đại lễ Vesak 2025 đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm của đất nước Việt Nam với cộng đồng Phật giáo thế giới. Qua sự kiện này, hình ảnh hoa sen - quốc hoa của Việt Nam và cũng là biểu tượng thanh tịnh của Phật giáo, đã được lan tỏa khắp nơi", Hòa thượng Phra Brahmapundit chia sẻ.
Thay mặt Ban Tổ chức, Hòa thượng Phra Brahmapundit gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư tôn đức, quý đại biểu, các tình nguyện viên và lực lượng đã góp phần tổ chức thành công sự kiện Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam.
Tại buổi lễ, bà Inlavanh Keobounphanh, Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, đánh giá cao công tác tổ chức Đại lễ Vesak 2025 tại TPHCM. Đây là dịp quan trọng để đại biểu các nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tu tập, thực hành giáo pháp, trao đổi tri thức và sáng kiến về cách vận dụng những giá trị đạo đức Phật giáo vào đời sống xã hội. Bà Inlavanh Keobounphanh tin tưởng rằng, Đại lễ Vesak lần này sẽ là nơi hội tụ trí tuệ, tâm linh và thiện chí của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, phát triển bền vững và vì lợi ích chung của toàn nhân loại.