Bé gái nổi ban toàn thân, không ngờ mắc bệnh hiếm

Bệnh nhi 10 tuổi được chẩn đoán mắc hội chứng Dress, một trong những tình trạng dị ứng thuốc nghiêm trọng nhất.

 Thời điểm vào viện, trẻ diễn biến bệnh ngày thứ 12, đã được dùng hạ sốt và thuốc theo phác đồ điều trị nhiễm Mycoplasma, viêm mũi xoang cấp. Ảnh: BVCC,

Thời điểm vào viện, trẻ diễn biến bệnh ngày thứ 12, đã được dùng hạ sốt và thuốc theo phác đồ điều trị nhiễm Mycoplasma, viêm mũi xoang cấp. Ảnh: BVCC,

Bệnh nhi N.H.M. (10 tuổi) được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, thăm khám với triệu chứng sốt cao liên tục 39,5-40 độ C kèm theo nổi ban, bầm tím nhiều vùng trên cơ thể, viêm kết mạc 2 bên mắt, viêm loét miệng họng, phù nề 2 chân và nề mi mắt.

Thời điểm vào viện, trẻ diễn biến bệnh ngày thứ 12, đã được dùng hạ sốt và thuốc theo phác đồ điều trị nhiễm Mycoplasma, viêm mũi xoang cấp. Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết khoảng một tháng nay, bé M. uống thuốc điều trị bệnh lý động kinh do trước đó xuất hiện cơn đau đầu, rối loạn cảm giác.

Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, trẻ được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, nhiễm Mycoplasma và suy gan cấp (men gan tăng cao gấp 70 lần so với bình thường) nghi do dùng Paracetamol quá liều.

Trẻ được điều trị 2 loại kháng sinh phối hợp, hỗ trợ thải độc gan, hỗ trợ tế bào gan, bù dịch, truyền huyết tương. Sau 8 ngày điều trị, hội chứng nhiễm trùng cải thiện tốt, trẻ còn sốt 2-3 lần/ngày với nhiệt độ cao nhất 38 độ C. Bệnh nhi cũng còn ho nhưng hội chứng suy tế bào gan đã được cải thiện tốt, toàn thân xuất hiện tình trạng bong da dạng vảy.

Trẻ tiếp tục được làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu. Trong đó, xét nghiệm máu thể hiện tình trạng bạch cầu ái toan tăng cao. Trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng Dress, bổ sung thuốc Methyprednisolon. Hai ngày sau, trẻ cắt sốt hoàn toàn, triệu chứng toàn thân ổn định. Sau 12 điều trị, bé M. được xuất viện.

 Trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng Dress. Ảnh: BVCC.

Trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng Dress. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Nguyệt Nga, khoa Cấp cứu, cho biết hội chứng Dress (hay còn gọi là hội chứng phát ban phản ứng do sử dụng thuốc) là một trong những tình trạng dị ứng thuốc nghiêm trọng nhất. Đặc trưng là tình trạng tăng bạch cầu ái toan gây nhiều triệu chứng toàn thân.

"Đây là hội chứng hiếm gặp với tỷ lệ gặp chỉ 0.0001-0.001%. Tỷ lệ nguy hiểm tính mạng chiếm khoảng 10% trên tổng số ca mắc phải. Hội chứng Dress nguy hiểm ở chỗ bệnh diễn biến âm thầm và rất khó phát hiện sớm, gây tổn thương toàn cơ thể, đặc biệt là da và cơ quan nội tạng, có thể nguy hiểm tính mạng nếu không can thiệp kịp thời", bác sĩ Nga nói.

Bệnh thường khởi phát với triệu chứng sốt, nổi ban, nổi hạch, kết quả xét nghiệm huyết học bất thường và kèm theo tổn thương cơ quan trên cơ thể. Bệnh có thể diễn biến 2-6 tuần sau khi người bệnh bắt đầu điều trị thuốc, đặc biệt nhóm thuốc động kinh, chống viêm. Chúng có thể tái phát nhiều lần hoặc cũng mất thời gian rất lâu mới xảy ra, sau khi người bệnh đã ngừng thuốc.

Bác sĩ khuyến cáo khi trẻ nhỏ bị ốm, gia đình cần đưa con đến khám tại các cơ sở y tế và cho bé dùng thuốc đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Người dân không tự ý dùng thuốc bừa bãi, đặc biệt với những trường hợp đã được phát hiện dị ứng thuốc trước đó. Thực hiện việc làm này nghiêm ngặt sẽ góp phần hạn chế các tình trạng bị dị ứng thuốc thường gặp và tránh biến chứng gây nguy hiểm tới tính mạng.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/be-gai-noi-ban-toan-than-khong-ngo-mac-benh-hiem-post1512292.html
Zalo