Giải mã bí ẩn về vùng 'tam giác tử thần' trên gương mặt mỗi người
Các bác sỹ cảnh báo không nên nặn mụn ở khu vực từ sống mũi đến khóe miệng - còn gọi là vùng 'tam giác tử thần' - nơi có nhiều mạch máu và dễ dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm tới sức khỏe.
Bạn có thể đã từng nghe về việc nặn mụn ở vùng tam giác từ sống mũi đến khóe miệng có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới nguy cơ tử vong.
Có lý do thực sự để lo ngại về tình trạng nhiễm trùng ở vùng này, được gọi là "tam giác nguy hiểm" hoặc "tam giác tử thần."
Tam giác tử thần là gì?
Joshua Zeichner, Phó Giáo sư da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai, cho biết việc nặn mụn ở "tam giác nguy hiểm" có thể không giết chết bạn.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, nhiễm trùng ở khu vực này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm liệt một phần khuôn mặt.
Điều này là do phần giữa khuôn mặt có nhiều mạch máu dẫn vào một cấu trúc được gọi là xoang hang - một vùng rỗng phía sau hốc mắt có kết nối trực tiếp với não.
Nhiễm trùng ở khu vực này có thể gây ra cục máu đông, một tình trạng đe dọa tính mạng được gọi là huyết khối xoang hang.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, khó có khả năng nặn mụn thực sự dẫn đến nhiễm trùng lan đến xoang, chứ đừng nói đến não.
Mặc dù việc nặn mụn tạo ra một vết thương hở nhỏ, nhưng thường thì nó không gây nhiễm trùng nghiêm trọng đến mức để ảnh hưởng đến xoang hang.
Cũng giống như các vết thương nhỏ ở những nơi khác trên cơ thể, các tế bào miễn dịch trong da có hiệu quả trong việc ngăn chặn nhiễm trùng bên trong lỗ chân lông trước khi nhiễm trùng xâm nhập vào máu.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên nặn mụn, đặc biệt là ở tam giác nguy hiểm.
Việc nặn mụn ở bất kỳ đâu cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng, gây thâm hoặc sẹo vĩnh viễn. Nguy cơ nhiễm trùng có thể cao hơn ở những vùng nhiều mạch máu trên khuôn mặt.
Nên hạn chế nặn mụn
Ngay cả khi không nằm trong vùng tam giác tử thần, các chuyên gia đều đồng quan điểm rằng sẽ an toàn hơn nếu không nặn mụn.
Mụn xuất hiện khi lỗ chân lông hoặc nang lông bị tắc nghẽn do dầu trên da hoặc tế bào chết, gây ra các nốt mụn gọi là mụn đầu đen.
Có hai loại mụn phổ biến nhất là mụn trứng cá đóng và mụn trứng cá mở. Với mụn trứng cá mở, còn được gọi là mụn đầu đen, chất bên trong bị oxy hóa, khiến lỗ chân lông có màu đen.
Các chuyên gia thẩm mỹ và bác sỹ da liễu thường lấy mụn đầu đen ra khỏi da và điều đó là an toàn.
Ngược lại, mụn trứng cá đóng xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc hoàn toàn và da đóng lại xung quanh. Những nốt mụn này xuất hiện dưới dạng các nốt mụn nhỏ có thể có hoặc không có đầu trắng.
Mụn trứng cá đóng cũng có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch, gây ra các nốt đỏ, chứa đầy mủ và gây đau nhức sâu hơn bên trong da, được gọi là mụn viêm.
Nếu bạn nặn bất kỳ loại mụn nào trong số này, khả năng là bạn sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi, đặc biệt là đối với các nốt đỏ không có nhân trắng.
Hành động nặn mụn trứng cá đóng có thể gây ra một loạt phản ứng viêm khiến vùng đó trông đỏ hơn. Bạn cũng có khả năng lây lan vi khuẩn trong mụn, có thể dẫn đến nhiễm trùng sâu hơn, dẫn đến thay đổi sắc tố da và gây sẹo.
Để kiểm soát mụn mà không cần nặn, các chuyên gia da liễu khuyên dùng băng hydrocolloid, còn được gọi là miếng dán mụn. Những miếng dán này không chỉ giúp mụn nhanh lành hơn bằng cách giữ ẩm cho vùng da, ngăn ngừa việc nặn và bảo vệ vùng da đó khỏi vi khuẩn mà còn giúp mụn biến mất khỏi tầm nhìn và phần nào giúp bạn không phải nghĩ đến chúng nữa.
Nếu mụn không khỏi, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sỹ da liễu. Đôi khi, việc nặn mụn có thể là cách tốt nhất để làm sạch lỗ chân lông bị tắc và không tự khỏi.
Nặn mụn an toàn
Thực tế, các chuyên gia thừa nhận rằng rất khó để không nặn mụn.
Do đó, theo các chuyên gia da liễu, cách tốt nhất bạn có thể làm đó là giữ gìn vệ sinh khu vực này thật sạch sẽ. Đối với mụn, bạn hãy để cho mụn chín, nhân trồi lên rồi sau đó rửa tay thật sạch rồi mới nặn mụn.
Cần chú ý đặc biệt vệ sinh tay, dụng cụ nặn, hay vùng mặt khi nặn để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Sau khi nặn, bạn nên thoa một ít benzoyl peroxide bằng tăm bông sạch để khử trùng vùng da đó, tránh vết thương bị nhiễm trùng, gây tình trạng mụn trầm trọng hơn./.