Bé gái hơn 1 tuổi ở Phú Thọ liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân rất hay gặp trong mùa lạnh

Theo các bác sĩ, vào mùa nào, trẻ cũng có thể bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên nhưng mùa lạnh và lúc giao mùa, tình trạng này gia tăng nhiều hơn.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Theo đó, bé gái 15 tháng tuổi được gia đình đưa đến viện thăm khám trong tình trạng méo miệng, mắt không nhắm kín.

Qua kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bé bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bên phải – một tình trạng có thể gặp ở trẻ em. Bé được chỉ định nhập viện điều trị bằng phương pháp kết hợp y học cổ truyền và phục hồi chức năng.

Tại sao trẻ nhỏ bị liệt dây thần kinh số 7?

Theo TS Nguyễn Hồng Minh - Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, dân gian vẫn thường gọi "liệt mặt", "méo miệng" là tình trạng mất hoặc giảm vận động cơ vùng mặt, thường gặp ở một bên, gây biến dạng khuôn mặt.

Trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 nguyên nhân chủ yếu do bị nhiễm lạnh đột ngột. Ảnh minh họa.

Trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 nguyên nhân chủ yếu do bị nhiễm lạnh đột ngột. Ảnh minh họa.

Khoảng trên 75% trường hợp trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 là do nhiễm lạnh đột ngột làm ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh số 7. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: Di truyền; trẻ bị nhiễm virus như rubella, herpes; trẻ bị các bệnh như đái tháo đường, cảm lạnh, cúm, viêm tai giữa, chấn thương mặt…

Vào mùa nào, trẻ cũng có thể mắc nhưng mùa lạnh và lúc giao mùa gặp nhiều hơn. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, thường chỉ xuất hiện ở một bên của khuôn mặt như: Mặt bị xệ, hơi cứng khác thường, miệng bị méo sang một bên, đặc biệt là góc của miệng.

Mắt nhắm không kín hay mở lớn cả khi ngủ; nhân trung lệch sang bên liệt; khó nói và đôi khi khó ăn uống. Bên cạnh đó, trẻ còn bị đau đầu dữ dội; khô miệng do lượng nước bọt tiết ra ít; đau tai; đau quanh quai hàm; co giật mắt; nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn; mất vị giác.

Trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 có thể làm ảnh hưởng đến học tập, vui chơi, giao tiếp hàng ngày của trẻ, khó biểu hiện cảm xúc ở mặt, khó khăn trong ăn uống và quan trọng là có khả năng để lại hậu quả ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi trưởng thành của trẻ.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây các tổn thương thứ cấp ở mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, di chứng co thắt cơ nửa mặt…

Cách phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cho trẻ

Để phòng ngừa nguy cơ liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ cần thực hiện một số việc làm sau:

Tránh gió, tránh lạnh: Trẻ cần được giữ ấm, tránh gió lạnh khi ra ngoài trời, không để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, rửa mặt hoặc chăm sóc bằng nước ấm.

Chăm sóc và bảo vệ mắt: Trẻ cần đeo kính tránh bụi bẩn khi ra ngoài, tra nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý để tránh khô mắt và hạn chế nhiễm khuẩn.

Vệ sinh răng miệng: Cơ vùng mặt không giữ nước được trong miệng, thức ăn đọng lại bên liệt dễ gây viêm nhiễm vùng răng lợi, miệng, họng. Do đó, trẻ cần được đánh răng ngày 2 lần, sử dụng chỉ nha khoa, xúc miệng, họng và nhỏ rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng: Chế độ ăn đầy đủ vitamin, khoáng chất, carbohydrate, protein và chất béo, nhu cầu theo lứa tuổi.

Tránh đồ ăn sống lạnh (ăn kem, uống nước đá lạnh, dưa hấu, tôm, cua, gỏi cá…) hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ (ớt, hạt tiêu, đồ chiên xào rán…).

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/be-gai-hon-1-tuoi-o-phu-tho-liet-day-than-kinh-so-7-ngoai-bien-bac-si-chi-ro-nguyen-nhan-rat-hay-gap-trong-mua-lanh-172241123180732741.htm
Zalo