Bayer đồng hành cùng nông dân Tây Nguyên chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững

Năm 2024 đánh dấu một mùa thu hoạch đầy thành công với sản lượng cao và giá bán lên đến mức đỉnh điểm đối với nông dân trồng sầu riêng và cà phê tại Tây Nguyên. Điều này giúp nhiều hộ gia đình thu về lợi nhuận khổng lồ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp và những yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm và tính bền vững, việc xây dựng và áp dụng các phương thức canh tác bền vững đang trở nên cấp thiết. Điều này không chỉ giúp ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đoàn công tác của Tập đoàn Bayer cùng đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, vừa thăm vườn cà phê của ông Nguyễn An Sơn (SN 1964) tại thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk).

Khu vườn này được Tập đoàn Bayer cùng đối tác chọn làm mô hình mẫu cho Dự án Better Life Farming - Nông nghiệp Tiên phong, Nhà nông Thịnh vượng (BLF) bắt đầu từ đầu năm 2025.

Ông Nguyễn An Sơn (bìa trái) chia sẻ việc ứng dụng canh tác theo các giải pháp từ Dự án Better Life Farming.

Ông Nguyễn An Sơn (bìa trái) chia sẻ việc ứng dụng canh tác theo các giải pháp từ Dự án Better Life Farming.

Ông Sơn cho hay, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến canh tác cà phê. Đơn cử, vụ thu hoạch năm 2024, dù đáp ứng đủ nguồn nước song nắng hạn gay gắt và sâu bệnh đầu mùa khiến sản lượng cà phê bị sụt giảm. Khi tham gia vào dự án “Better Life Faming”, ông được hướng dẫn áp dụng các giải pháp nông nghiệp tiên tiến, giúp tiết kiệm nước, quản lý sâu bệnh và dinh dưỡng trên cây trồng một cách hiệu quả.

“Vườn chúng tôi đang sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước, bón phân và thuốc điều độ, đúng ngày giờ qua hệ thống này, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nắng mưa, nên hiệu quả tốt hơn, ít hao hụt và phát tán ra môi trường.” ông Sơn chia sẻ.

“Tôi kỳ vọng khi ứng dụng các giải pháp canh tác bền vững được hướng dẫn, cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi hơn, năm nay năng suất sẽ tăng gấp rưỡi so với năm trước.” ông Sơn nhấn mạnh.

Theo Thạc sĩ Đỗ Văn Chung, cán bộ của Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), viện đang làm việc chặt chẽ cùng Bayer Việt Nam và các đối tác triển khai dự án "Better Life Farming" nhằm phát triển các quy trình canh tác bền vững và quản lý hiệu quả dịch hại trên cây sầu riêng và cà phê tại Tây Nguyên. Bước đầu, ban dự án đã làm việc với nông dân địa phương để xây dựng một số vườn mô hình kiểu mẫu, ứng dụng các giải pháp canh tác đổi mới, hiện đại. Những mô hình này hướng đến 3 lợi ích lớn gồm hiệu quả kinh tế (tối ưu liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới… nhưng vẫn đảm bảo năng suất); sức khỏe cây trồng và bảo vệ môi trường.

“Khi có mô hình mẫu được áp dụng đầy đủ các giải pháp công nghệ và cho hiệu quả, bà con xung quanh sẽ dễ dàng tiếp cận, học hỏi.” ông Chung nói thêm.

TS Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay Tây Nguyên là vùng nguyên liệu lớn về cà phê song đang đối mặt với nhiều thách thức, tác động từ biến đổi khí hậu. Do đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng Tập đoàn Bayer tìm kiếm giải pháp hội tụ đủ các yếu tố (thân thiện môi trường, hiệu quả kinh tế, an toàn sản phẩm).

TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (thứ 2 từ trái qua) cùng Bayer và các đối tác kỳ vọng dự án Better Life Farming sẽ hỗ trợ nông dân trong canh tác bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (thứ 2 từ trái qua) cùng Bayer và các đối tác kỳ vọng dự án Better Life Farming sẽ hỗ trợ nông dân trong canh tác bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi tìm được giải pháp đáp ứng các tiêu chí trên và đang xây dựng mô hình canh tác bền vững. Chúng tôi cũng hy vọng thời gian tới, quy trình công nghệ trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp nhận. Khi đó, chúng tôi sẽ đưa lực lượng khuyến nông cùng vào để nhân rộng mô hình, giúp nông dân canh tác bền vững, hiệu quả”, ông Thanh nhấn mạnh thêm.

Bà Natasha Santos - Giám Đốc Chiến lược Bền vững Toàn cầu, Tập đoàn Bayer chia sẻ “Mục tiêu toàn cầu của chúng tôi là thúc đẩy sự chuyển đổi sang một nền nông nghiệp tái sinh với các giải pháp canh tác bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ các nguồn tài nguyên, đồng thời nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người nông dân. Để làm được điều này, chúng tôi nỗ lực tìm hiểu và nghiên cứu về điều kiện và tập quán canh tác đặc trưng của từng địa phương, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp phù hợp nhất cho những thách thức nhà nông địa phương đang đối mặt.”

Bà Natasha Santos - Giám Đốc Chiến lược Bền vững Toàn cầu, Tập đoàn Bayer (bìa trái) chia sẻ cảm xúc khi tham quan mô hình mẫu thuộc dự án Better Life Farming.

Bà Natasha Santos - Giám Đốc Chiến lược Bền vững Toàn cầu, Tập đoàn Bayer (bìa trái) chia sẻ cảm xúc khi tham quan mô hình mẫu thuộc dự án Better Life Farming.

Bà Natasha, đại diện của Bayer Việt Nam, nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng và vai trò của hợp tác công-tư trong việc triển khai dự án "Better Life Farming" tại Việt Nam. Bà chia sẻ: "Chúng tôi luôn hưởng ứng và cam kết đồng hành cùng các chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam. Điển hình như đề án phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao giảm phát thải ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với dự án ForwardFarming, hay chiến lược phát triển cây trồng chủ lực giá trị cao ở khu vực Tây Nguyên với dự án Better Life Farming. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân như Bayer Việt Nam với các cơ quan, tổ chức công như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) giúp chúng tôi tích hợp được các nguồn lực, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến nhằm kết nối cộng đồng nhà nông, triển khai hiệu quả các mô hình canh tác bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.”

Tập đoàn Bayer là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Đức, được thành lập năm 1863. Bayer hoạt động chủ yếu trong 3 lĩnh vực trong đó có nông nghiệp. Tập đoàn này đặt ra 4 mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu đến năm 2030 gồm: Giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính trên một đơn vị cây trồng; Giảm 30% tác động môi trường của danh mục thuốc bảo vệ thực vật toàn cầu; Cải thiện năng suất sử dụng nước thêm 25% cho khách hàng là hộ sản xuất nhỏ; Hỗ trợ 100 triệu nông dân sản xuất nhỏ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bayer-dong-hanh-cung-nong-dan-tay-nguyen-chuyen-doi-sang-nong-nghiep-ben-vung-post1717995.tpo
Zalo