Nông dân Tây Nguyên vào mùa tưới cà phê, thu hoạch hồ tiêu

Như thường lệ, sau những ngày vui Xuân, đón Tết, người dân các tỉnh Tây Nguyên lại hối hả vào mùa tưới, chăm sóc cà phê để cây kịp bung hoa, đậu quả đúng thời vụ. Bên cạnh việc tưới cà phê, đây cũng là thời điểm nông dân Tây Nguyên chuẩn bị vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Không khí lao động sản xuất rộn ràng trên khắp các buôn làng.

Sau Tết, nông dân Tây Nguyên tập trung tưới cà phê. Ảnh: Phúc An

Sau Tết, nông dân Tây Nguyên tập trung tưới cà phê. Ảnh: Phúc An

Nông dân trồng cà phê tất bật vào mùa tưới

Những ngày đầu Xuân, hoa cà phê nở trắng nương rẫy, trên các sườn đồi ở khắp buôn làng Tây Nguyên. Để cà phê nở hoa đồng loạt, đảm bảo tỷ lệ đậu quả cao, người nông dân tập trung tưới đủ nước cho cây. Người trồng cà phê gọi đây là mùa tưới. Mùa tưới có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định đến năng suất, sản lượng cà phê của niên vụ. Vì vậy, người trồng cà phê dành rất nhiều công sức, tâm huyết tưới, chăm sóc với hy vọng sẽ có mùa bội thu.

Sau thời gian nghỉ Tết, bà Lê Thị Thanh Hằng, xã Cư Klông, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk bắt đầu kéo ống tưới đợt đầu chia sẻ: "Gia đình tôi có hơn 1ha cà phê xen hồ tiêu, từ mùng 5 Tết, tôi đã kéo ống tưới. Năm nay, cà phê lên giá cao, ngay sau khi thu hoạch, người dân bắt tay chăm sóc cây cà phê. Đầu tiên là tưới, bón phân phục hồi cây trồng, sau đó cắt tỉa cành đúng thời điểm. Tưới, tỉa cà phê xong, cuối tháng Giêng tiếp tục vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Mong sao cà phê, hồ tiêu phát triển tốt, ra hoa đậu quả nhiều, năng suất cao, giá cả phê ổn định như thế này, để cuối năm bà con có nguồn thu cao hơn".

Tương tự, từ mùng 2 Tết, gia đình bà Thái Thị Hải, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk đã lắp máy bơm tưới cho 2 đám rẫy hơn 1.000 cây cà phê. Bà Hải chia sẻ: Cà phê là giống cây trồng cần nhiều nước, nên được tưới thành nhiều đợt. Thường mỗi vụ cà phê, người dân tưới khoảng 3 đợt, năm nào hạn nhiều thì phải tưới đợt 4. Trước đây, mùa tưới cà phê thường vào sau Tết Nguyên đán, nhưng mấy năm nay, thời tiết thay đổi, cà phê nở sớm hơn nên gia đình tôi cũng không nghỉ Tết mà tranh thủ tưới để đảm bảo đủ nước cây nở hoa, quả đậu. “Mùa tưới quan trọng bậc nhất trong chu kỳ chăm sóc cà phê, quyết định lớn đến năng suất, sản lượng cà phê nên việc tưới nước cũng cần đúng thời điểm. Vì nếu tưới sớm cà phê chưa có mầm hoa thì hoa sẽ không đều, đậu quả kém hơn và khi thu hoạch cũng gặp nhiều khó khăn. Còn nếu tưới muộn thì cây thiếu nước suy kiệt, rụng, khô lá, khả năng đậu quả cũng không cao. Khi cà phê có nhiều mầm nụ, phải tưới đủ nước thì mới hy vọng mùa vụ bội thu” - bà Hải lý giải.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk: Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 212.106ha, trải rộng khắp 15 huyện, thị xã, thành phố và là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất Việt Nam. Sản lượng hàng năm đạt hơn 520 nghìn tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê cả nước. Những năm gần đây, ngoài cách tưới truyền thống trực tiếp bằng ống thì nhiều người trồng cà phê áp dụng công nghệ tưới tự động để tiết kiệm nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người trồng tiêu phấn khởi bước vào vụ mùa thu hoạch

Sau thời gian ăn Tết, nông dân Đắk Nông chuẩn bị bước vào mùa vụ thu hoạch hồ tiêu. So với năm trước, giá hồ tiêu năm nay có nhiều tín hiệu tích cực, bà con phấn khởi và kỳ vọng vào vụ mùa bội thu.

Người trồng hồ tiêu tỉnh Đắk Nông bắt đầu mùa thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Phúc An

Người trồng hồ tiêu tỉnh Đắk Nông bắt đầu mùa thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Phúc An

Gia đình ông Hoàng Đình Hào, ở thôn xã Đắn Gằn, huyện Đắk Mil có khoảng 500 trụ tiêu trồng xen canh trong cà phê. Ông Hào chia sẻ: "Mùa thu hái hồ tiêu thường diễn ra sau Tết Nguyên đán. Nhờ chăm sóc tốt, năng suất hồ tiêu năm nay cao hơn. Cùng với đó, giá hồ tiêu chuyển biến tích cực, hiện đang dao động 150.000 - 150.200 đồng/kg, cao hơn nhiều so với năm trước, tôi cũng như nhiều hộ dân nơi dân rất phấn khởi".

Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, xã Đắk N’Dung, huyện Đắk Song cũng bắt đầu thu hoạch vụ hồ tiêu mới. Với 1ha hồ tiêu, chị Duyên ước tính thu khoảng hơn 2 tấn. So với năm trước, năng suất hồ tiêu giảm hơn do ảnh hưởng của thời tiết, nhưng giá cả lại cao gấp đôi nên lợi nhuận từ hồ tiêu vẫn cao.

Theo báo cáo, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có gần 4.000ha hồ tiêu, sản lượng hơn 70 tấn. Đắk Nông đang là tỉnh đứng đầu khu vực và cả nước về diện tích trồng hồ tiêu. Theo kế hoạch, ngoài duy trì diện tích, sản lượng hồ tiêu, tỉnh Đắk Nông sẽ hình thành và phát triển các vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại các vùng trọng điểm sản xuất hồ tiêu của tỉnh.

Những năm qua, việc canh tác hồ tiêu tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển dần sang hướng hữu cơ và đa dạng sinh thái vườn cây. Đặc biệt, hiện nay, hồ tiêu Đắk Nông đã có chỉ dẫn địa lý, người dân và doanh nghiệp chú ý nâng tầm giá trị hồ tiêu. Về lâu dài, người dân Đắk Nông cần đẩy mạnh áp dụng các phương thức canh tác theo tiêu chuẩn, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Phúc An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nong-dan-tay-nguyen-vao-mua-tuoi-ca-phe-thu-hoach-ho-tieu-post486740.html
Zalo