'Bẫy' giá rẻ, phụ huynh dễ mất tiền mua phải sách giáo khoa kém chất lượng

Sau 2 tuần học trên lớp, con trai phát hiện sách của mình khác với bạn bè, lúc này phụ huynh mới tá hỏa.

Thời gian gần đây, một số phụ huynh và học sinh đã phản ánh đến phóng viên về việc mua phải sách giáo khoa không đảm bảo chất lượng, có dấu hiệu giả qua các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Những cuốn sách này có giá rẻ, nhưng chất lượng kém, sai nội dung, thiếu trang, gây ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Quyết định chốt đơn mua sách trong phiên livestream vì thấy giá hời và có nhiều người tương tác

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Hồng Nhung (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Khoảng tháng 8/2024, tôi có tranh thủ giờ nghỉ trưa văn phòng để lên mạng tìm sách giáo khoa lớp 10 cho con trai. Lướt qua livestream trên một nền tảng mạng xã hội, tôi thấy một bạn tư vấn bán hàng có giới thiệu là ‘Sách giáo khoa chuẩn nhà in giảm giá 40%, số lượng có hạn’. Trong phiên livestream, rất nhiều tài khoản tương tác đã đặt mua. Với tâm lý thích giá ‘hời’, lại thấy nhiều người mua nên tôi đã nhanh chóng chốt đơn 1 bộ sách cho con. So với nhà sách lớn gần nhà, giá trên phiên live sau khi áp dụng các mã giảm thì rẻ hơn 100.000 đồng cho cả bộ.

Khoảng 2 ngày sau khi đặt, bộ sách được giao đến đúng như cam kết. Sách bọc màng co kỹ lưỡng, bìa sáng màu, mực in đậm rõ và không có dấu hiệu gì đáng nghi ngờ. Tuy nhiên, chỉ 2 tuần sau khi con bước vào năm học mới thì con thấy sách có vấn đề. Con lúng túng khi làm bài tập ở lớp, hay nói rằng ‘sách con không giống sách các bạn’. Một lần, cô giáo nhắn tin riêng, đề nghị tôi kiểm tra lại sách vì con có vẻ học sai nội dung. Lúc này tôi mới giật mình, mở sách ra so sánh kỹ thì phát hiện hàng loạt lỗi: số trang nhảy cóc và hình ảnh minh họa mờ nhòe, không rõ nét.

Liên hệ lại với gian hàng bán sách thì không nhận được phản hồi, số hotline không gọi được. Cảm giác bị lừa khiến tôi vô cùng bức xúc. Không chỉ mất tiền, tôi còn lo lắng vì con đã dùng tài liệu sai lệch suốt 2 tuần gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc học, tiếp thu kiến thức và cả sự tự tin của con trong lớp. Cuối cùng, tôi buộc phải ra nhà sách lớn mua lại toàn bộ sách đạt chuẩn, tốn thêm hơn 400.000 đồng nữa”.

 Sách nhảy cóc số trang và ảnh minh họa mờ nhòe, in không rõ nét. (Ảnh: NVCC)

Sách nhảy cóc số trang và ảnh minh họa mờ nhòe, in không rõ nét. (Ảnh: NVCC)

Kể từ sự việc này, chị Nhung nghiệm ra, sách giáo khoa không phải là món hàng có thể tùy tiện mua rẻ, bởi đây là tài liệu học tập cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy và quá trình tiếp nhận kiến thức của trẻ.

“Vì tiết kiệm hơn 100.000 đồng, tôi đã phải trả giá gấp đôi, chưa kể con học sai, tôi thì thêm lo lắng, bực tức, đúng nghĩa là tiền mất, tật mang. Qua trường hợp này, các bậc phụ huynh nên hết sức cẩn trọng khi mua sách online, chỉ nên chọn các kênh phân phối chính thức của các nhà xuất bản hoặc đại lý ủy quyền, đồng thời kiểm tra kỹ các dấu hiệu nhận biết sách thật như tem chống giả, mã ISBN để tránh rơi vào ‘bẫy giá rẻ’ và những hệ lụy không đáng có”, chị Nhung chia sẻ.

Khuyến khích phụ huynh đăng ký mua sách tại trường để đảm bảo chất lượng

Trước thực trạng trên, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) cho biết, hiện nay, tình trạng sách giáo khoa giả, sách lậu xuất hiện trên thị trường với nhiều hình thức tinh vi.

 Thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). (Ảnh: website nhà trường)

Theo thầy Hải, phần lớn sách giáo khoa mà học sinh sử dụng tại trường đều đến từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một đơn vị chính thống và có uy tín trong việc phát hành sách giáo khoa phục vụ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Do đó, để tránh trình trạng gặp phải sách giả, sách lậu trôi nổi trên thị trường, nhà trường đã có những biện pháp cụ thể để kiểm soát nguồn sách học sinh sử dụng. Cụ thể, hàng năm học sinh sẽ được phát đơn đăng ký mua sách giáo khoa ngay tại trường. Việc đăng ký này sẽ được nhà trường tập hợp và gửi cho một kênh phân phối chính thức là Công ty Trách nhiện hữu hạn Giáo dục - Thiết bị của tỉnh Nam Định. Đây là đơn vị được ủy quyền phân phối sách giáo khoa từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về các trường học trên địa bàn. Nhờ đó, học sinh mua sách thông qua kênh này sẽ yên tâm hơn về chất lượng, nguồn gốc của sách.

“Với hình thức mua sách qua trường học, khả năng học sinh tiếp cận phải sách giả là rất thấp. Ngoài ra, phụ huynh có thể lựa chọn tự mua sách ngoài thị trường từ các nhà sách hoặc cửa hàng tư nhân. Phụ huynh ở trường có thể chọn bất cứ cách nào. Tuy nhiên, cách mua thứ hai này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Bởi hiện nay có không ít sách lậu được in ấn kém chất lượng, sai sót về nội dung, trình bày cẩu thả, ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, phát hành sách giả, sách lậu để bảo vệ quyền lợi cho học sinh, giáo viên và cả phụ huynh”, thầy Hải nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, thầy Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (quận Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang triển khai sử dụng sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, là hai bộ sách Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Riêng với ba môn học thuộc một số lĩnh vực chuyên biệt, chúng tôi lựa chọn bộ sách khác của Nhà xuất bản Cửu Long.

 Thầy Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (quận Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ). (Ảnh: NVCC)

Thầy Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (quận Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ). (Ảnh: NVCC)

Ngay từ khi triển khai lựa chọn sách giáo khoa theo chương trình mới, nhà trường đã chủ động phân công các tổ chuyên môn và giáo viên trực tiếp giảng dạy tham gia vào quá trình nghiên cứu, lựa chọn sách. Việc lựa chọn không mang tính hình thức hay áp đặt, mà dựa trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện giảng dạy, năng lực học sinh và định hướng giáo dục của nhà trường. Đặc biệt, học sinh có quyền tiếp cận với nhiều bộ sách khác nhau, không bị giới hạn trong một lựa chọn cứng nhắc. Nhà trường tuyệt đối không ép buộc học sinh phải mua sách theo bất kỳ kênh cụ thể nào, mà luôn đảm bảo tính minh bạch, khách quan, và hướng đến sự thuận lợi cho phụ huynh, học sinh”.

Theo thầy Thiện, việc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa trong bối cảnh có nhiều bộ sách được phê duyệt là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm cao từ phía nhà trường. Do vậy, trong quá trình triển khai, nhà trường luôn đảm bảo giá sách bán ra đúng theo quy định, không có sự chênh lệch hay phát sinh chi phí bất hợp lý cho phụ huynh. Chính vì vậy, đa phần phụ huynh học sinh đều tin tưởng, lựa chọn mua sách tại trường. Điều này không chỉ tiện lợi mà còn giúp nhà trường kiểm soát tốt hơn về mặt số lượng, nội dung và chất lượng sách giáo khoa đến tay học sinh.

Tuy nhiên, hiện nay ngoài thị trường có rất nhiều loại sách được bày bán. Một số cuốn có hình thức rất giống sách thật nhưng chất lượng in ấn, giấy, độ dày mỏng, màu sắc đều có sự khác biệt. Những dấu hiệu này tuy nhỏ nhưng là căn cứ để nhận biết sách không chính thống, có thể là sách lậu, sách in giả. Vì vậy, nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên, học sinh và cả phụ huynh cần hết sức thận trọng, quan sát kỹ các đặc điểm của sách để nhận diện và tránh sử dụng sách không đảm bảo chất lượng. Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến quyền lợi học sinh mà còn là sự công bằng và minh bạch trong tiếp cận tri thức.

“Nhằm hạn chế tối đa tình trạng học sinh sử dụng sách không chính thống, nhà trường đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể học sinh và phụ huynh. Hằng năm, vào đầu năm học mới, nhất là khi tiếp nhận học sinh lớp 10, nhà trường đều tổ chức các buổi sinh hoạt tập trung. Tại đây, nhà trường giới thiệu tổng quan về chương trình học, định hướng lựa chọn các môn học tự chọn, đồng thời phổ biến thông tin về sách giáo khoa sẽ sử dụng trong năm học. Nhà trường cũng thông tin rõ ràng về các đơn vị cung cấp sách có uy tín, địa điểm mua sách tin cậy và khuyến nghị học sinh nên đăng ký mua sách tại trường để tránh gặp phải sách giả, sách lậu.

Sau khi nhà trường làm việc trực tiếp với các đơn vị xuất bản, học sinh được đăng ký mua sách tại trường thông qua danh sách tổng hợp từ các lớp. Cách làm này giúp nhà trường vừa đảm bảo chất lượng, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh trong việc mua sắm đồ dùng học tập đầu năm. Đối với những trường hợp có nhu cầu cá nhân khác, nhà trường cũng khuyến khích các em và gia đình tự kiểm tra kỹ sách trước khi mua, đồng thời thông báo với giáo viên chủ nhiệm nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường”, thầy Thiện thông tin.

Thầy Thiện bày tỏ, trong bối cảnh hiện nay khi cả nước đang triển khai nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, vai trò của nhà trường không chỉ là đơn vị giảng dạy mà còn là “người gác cửa” giúp học sinh và phụ huynh tiếp cận tài liệu đảm bảo. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh và đơn vị xuất bản chính là yếu tố then chốt đảm bảo sự công bằng, minh bạch và chất lượng trong việc sử dụng sách giáo khoa. Đây là trách nhiệm mà nhà trường xác định phải thực hiện nghiêm túc, liên tục và đồng bộ trong suốt quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Yên Đan

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bay-gia-re-phu-huynh-de-mat-tien-mua-phai-sach-giao-khoa-kem-chat-luong-post250838.gd
Zalo