Bầu trời Trái Đất xuất hiện Sao Hôm thứ 2?

Vào giữa tháng 1, chúng ta có thể thấy một vật thể mới xuất hiện trên bầu trời từ lúc hoàng hôn, sáng như Sao Hôm.

Theo các nhà khoa học, "Sao Hôm thứ 2" là vật thể mang tên ATLAS (C/2024) G3, một sao chổi loại hiếm vừa được phát hiện trong năm 2024,

Gọi ATLAS (C/2024) G3 là Sao Hôm thứ 2 bởi dự kiến nó sẽ đạt độ sáng tương đương với Sao Kim trong những ngày gần Trái Đất nhất.

Ảnh chụp sao chổi ATLAS C/2023 A3, đã tỏa sáng gần như Sao Hôm trên bầu trời tháng 10. ATLAS (C/2024) G3 được kỳ vọng sẽ mang lại màn trình diễn đẹp mắt tương tự - Ảnh: BBC NIGHT AND SKY MAGAZINE

Ảnh chụp sao chổi ATLAS C/2023 A3, đã tỏa sáng gần như Sao Hôm trên bầu trời tháng 10. ATLAS (C/2024) G3 được kỳ vọng sẽ mang lại màn trình diễn đẹp mắt tương tự - Ảnh: BBC NIGHT AND SKY MAGAZINE

Sao Hôm, Sao Mai là những tên gọi khác dùng để chỉ Sao Kim, những cách gọi lầm lẫn cổ xưa. Bởi hệ sao của chúng ta chỉ có một ngôi sao duy nhất mang tên Mặt Trời.

Sao Kim là hành tinh gần Trái Đất nhất và là thiên thể sáng nhất trên bầu trời. Vì vậy với độ sáng ngang bằng Sao Kim, ATLAS (C/2024) G3 sẽ trở nên rất nổi bật và có thể quan sát rõ bằng mắt thường.

Sao chổi ATLAS (C/2024) G3 dự kiến đạt đến điểm cận nhật (điểm gần Mặt Trời nhất) vào ngày 13-1, theo Space.com.

Khi đó vật thể này chỉ còn cách Mặt Trời 13,5 triệu km, gần hơn rất nhiều so với khoảng cách 47 triệu km mà hành tinh trong cùng của hệ Mặt Trời - Sao Thủy - đạt được ở điểm cận nhật.

Ở gần Mặt Trời, vật chất nơi bề mặt sao chổi sẽ thăng hoa, tức chuyển trực tiếp từ thể rắn sang thể khí, bỏ qua trạng thái lỏng, khiến cả thiên thể trở nên bừng sáng với quầng coma (đầu sao chổi), cũng như để lại một chiếc đuôi đá bụi dài.

Trùng hợp, ngày 13-1 cũng là ngày mà ATLAS (C/2024) G3 đạt đến điểm cận địa (điểm gần Trái Đất nhất), cung cấp một thời điểm tuyệt vời để chúng ta nhìn thấy nó với độ sáng rực rỡ nhất.

Tuy nhiên, hành trình bất thường gần Mặt Trời của sao chổi khiến khả năng sống sót của nó trở nên đáng ngờ.

"Nó sẽ bị nung nóng mạnh và có thể không sống sót" - Giám đốc bộ phận sao chổi của Hiệp hội Thiên văn học Anh Nick James cho biết.

Mặc dù vậy, các phân tích cho thấy nó có thể từng sống sót một lần: ATLAS (C/2024) G3 có thể đã được tổ tiên của chúng ta nhìn thấy vào thời điểm 160.000 năm trước, trong chuyến viếng thăm trước đó của nó đến gần Mặt Trời.

Nếu nó vượt qua được cửa ải này, người Trái Đất có thể chiêm ngưỡng nó sáng rực trên bầu trời sau mỗi hoàng hôn, từ ngày 13-1. Mặc dù vậy vẫn có một tin buồn: Các tính toán cho thấy nơi thuận lợi để quan sát là Nam bán cầu.

Có một tín hiệu hy vọng về khả năng sống sót của sao chổi này: Các phân tích cho thấy nó từng đến thăm tổ tiên chúng ta 160.000 năm trước, cũng gần Mặt Trời như vậy, nhưng đã thoát hiểm.

Được phát hiện vào ngày 5-4-2024 bởi hệ thống kính viễn vọng Asteroid Terrestrial-impact Last Alert System (ATLAS), sao chổi này đến từ Đám mây Oort, một cấu trúc khổng lồ đầy những vật thể băng giá bao vây Thái Dương hệ.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bau-troi-trai-dat-xuat-hien-sao-hom-thu-2-196250110100409851.htm
Zalo