Vì sao rắn lột xác lại rất yếu ớt?
Với loài rắn, dù là loại rắn bé tẹo hay hổ mang khổng lồ nọc độc chết người đều phải trải qua màn lột xác (thay da) trung bình 4 đến 8 lần trong mỗi năm. Vậy tại sao rắn phải lột xác?
Rắn lột xác để thay thế lớp da cũ kĩ đã bị bào mòn và không còn đủ sức căng để bọc cơ thể lớn lên của nó. Đây cũng là cách chúng loại bỏ các động vật ký sinh trên lớp da khô.
Khi cơ thể của rắn phát triển, lớp da của chúng sẽ bị kéo dãn ra. Tuy nhiên, khác với da người, da rắn có độ co dãn rất hạn chế, khó có thể phù hợp với cơ thể mới và đến một thời điểm nhất định, loài rắn phải bỏ lớp da cũ của mình.
Khi thời điểm lột da đến, loài rắn sẽ tự tạo một lớp da mới dưới lớp da cũ, sau khi quá trình này hoàn tất, chúng sẽ bắt đầu tiến trình lột da bằng cách cọ vào đá hoặc thân cây, tạo một vết rách trên da, thường là ở mũi.
Trước khi thực hiện việc lột xác, rắn thường nhịn ăn, tìm một chỗ có bề mặt thô nhám, đủ kín đáo an toàn và hội tụ các yếu tố phù hợp về nhiệt độ, độ ẩm để chuẩn bị cho quãng thời gian vất vả.
Rắn lột xác thường mất vài ngày. Vết nứt để rắn trườn ra khỏi lớp da cũ xuất hiện ở miệng. Con rắn dùng hết sức rướn và dựa vào bề mặt thô nhám của nơi rắn chọn để thoát ra khỏi lớp da cũ.
Quá trình lột xác khiến con rắn trở nên yếu ớt trước kẻ thù vì kiệt sức và lớp da mới còn quá non.