Bầu cử Đức: Mọi con mắt đều đổ dồn vào chính phủ mới ở Berlin
Chính phủ mới ở Berlin có tầm ảnh hưởng đáng kể trên trường quốc tế vì Đức là quốc gia đông dân nhất và động lực kinh tế của châu Âu, đồng thời cũng là một thành viên chủ chốt của NATO.
Vào ngày 23/2, các cử tri Đức đi bỏ phiếu trong một trong những cuộc bầu cử mang tính quyết định nhất trong lịch sử gần đây.
Với việc nền kinh tế Đức đang trong năm thứ 2 suy thoái, liên minh xuyên Đại Tây Dương đang mong manh hơn bao giờ hết, và xung đột Nga-Ukraine đang làm đảo lộn trật tự an ninh châu Âu, mọi con mắt đều đổ dồn vào chính phủ tiếp theo ở Berlin.
Kết quả cuộc bầu cử lập pháp, sớm hơn 7 tháng so với dự kiến, sẽ định hình quỹ đạo của đất nước trong 4 năm tới và ảnh hưởng đáng kể đến bối cảnh chính trị của "cựu lục địa".
Đức là quốc gia đông dân nhất và động lực kinh tế của châu Âu, đồng thời cũng là một thành viên chủ chốt của NATO, do đó định hướng chính trị của chính phủ mới ở Berlin có sức nặng đáng kể trên trường quốc tế.
Chính phủ mới cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga cũng như định hình mối quan hệ của châu Âu với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ông Olaf Scholz, đương kim Thủ tướng Đức, phát biểu trước truyền thông ở quê nhà Potsdam trước thềm tổng tuyển cử vào ngày 23/2/2025. Ảnh: DW
Ngày Bầu cử
Các điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa lúc 8h sáng và đóng cửa lúc 6h chiều ngày 23/2 (giờ địa phương). Người Đức cũng có thể bỏ phiếu qua đường bưu điện, nhưng lá phiếu của họ phải đến trước thời điểm các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào ngày bầu cử để được tính là hợp lệ.
Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sẽ diễn ra và việc kiểm phiếu sẽ bắt đầu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Bức tranh chung về kết quả sẽ rất nhanh chóng trở nên rõ ràng. Kết quả chính thức cuối cùng dự kiến sẽ có vào đầu ngày 24/2 (giờ địa phương). Giờ Đức chậm hơn giờ Việt Nam 6 tiếng.
Có ít nhất 59,2 triệu người trong một quốc gia có 84 triệu dân đủ điều kiện đi bỏ phiếu bầu ra quốc hội (Bundestag) mới. Bundestag gồm 630 thành viên sẽ bầu ra Thủ tướng tiếp theo cho nước Đức.
Có 29 đảng trong cuộc bỏ phiếu, nhưng có khả năng 5-8 đảng trong số đó sẽ giành đủ số phiếu để giành được ghế trong quốc hội. Theo quy định, các đảng phải giành được ít nhất 5% số phiếu bầu để có được ghế trong Bundestag.
Ứng cử viên tiềm năng
Bốn ứng cử viên đang chạy đua để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Đức: Đương kim Thủ tướng Olaf Scholz, thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả; ông Friedrich Merz, ứng cử viên của liên minh CDU/CSU bảo thủ; Đương kim Phó Thủ tướng Robert Habeck, thuộc Đảng Xanh (Greens) bảo vệ môi trường; và bà Alice Weidel, thuộc đảng AfD cực hữu phản đối nhập cư.
Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy khối liên minh của ông Merz đang dẫn đầu với sự ủng hộ khoảng 30%, dẫn trước AfD, với khoảng 20%. Đảng SPD của ông Scholz và Đảng Xanh của ông Habeck tụt lại phía sau.
Ông Merz được ủng hộ thay thế ông Scholz làm Thủ tướng Đức, nhưng vẫn chưa rõ liên minh cầm quyền nào có thể thành lập sau cuộc bầu cử.
Việc thành lập chính phủ mới dễ hay khó có thể phụ thuộc một phần vào số lượng đảng trong quốc hội (Bundestag) khóa mới. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy có 3 đảng dao động quanh mức 5% số phiếu cần thiết để giành được ghế trong Bundestag.
Tất cả các đảng chính thống đều nói rằng họ sẽ không hợp tác với AfD cực hữu.

Ông Friedrich Merz, lãnh đạo Đảng CDU. Ảnh: EU News
Quá trình hình thành liên minh
Hệ thống bầu cử của Đức hiếm khi trao cho bất kỳ đảng nào đa số tuyệt đối và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy không có đảng nào gần đạt được đa số tuyệt đối vào thời điểm này.
Đất nước này không có truyền thống về chính phủ thiểu số ở cấp quốc gia, điều đó có nghĩa là hai hoặc nhiều đảng rất có thể sẽ thành lập liên minh.
Không có trọng tài chính thức nào cho quá trình thành lập chính phủ mới và không có giới hạn thời gian cố định.
Các đảng tổ chức các cuộc đàm phán thăm dò để xác định xem họ có điểm chung nhất với ai và sau đó một nhóm các đảng sẽ tiến tới các cuộc đàm phán liên minh chính thức.
Các cuộc đàm phán đó thường đưa ra một thỏa thuận liên minh chi tiết nêu rõ các kế hoạch của chính phủ mới. Thỏa thuận đó thường cần được ít nhất là các đại hội của các đảng liên quan chấp thuận. Một số đảng có thể chọn đưa ra bỏ phiếu kín của toàn bộ thành viên.
Khi quá trình đó hoàn tất, Bundestag có thể bầu ra Thủ tướng mới để điều hành nền kinh tế số 1 châu Âu.
Ảnh hưởng đối với châu Âu và xa hơn
Một chính phủ Đức mạnh mẽ sẽ rất quan trọng đối với phản ứng của châu Âu đối với chính quyền mới ở Mỹ và tình hình hỗn loạn ở Ukraine và những nơi khác.
Đức và nước láng giềng Pháp theo truyền thống là động lực của EU, nhưng cả hai nước này đều bị ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn chính trị trong nước trong những tháng gần đây.
Cuộc bầu cử này được tổ chức sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch ban đầu vì liên minh 3 đảng của ông Scholz đã sụp đổ vào tháng 11 năm ngoái do bất đồng về cách phục hồi nền kinh tế vốn đã suy thoái trong 2 năm qua.
Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của chính phủ mới sẽ là tìm ra giải pháp thống nhất cho vấn đề đó.
Một thách thức khác sẽ là tiếp tục giảm tình trạng di cư bất hợp pháp, vốn là vấn đề hàng đầu trong chiến dịch tranh cử ở nước này.
Ông Merz cho biết ông hy vọng sẽ thành lập một chính phủ mới vào giữa tháng 4 nếu ông thắng cử. Chính phủ sắp mãn nhiệm của ông Scholz sẽ vẫn tại vị trên cơ sở tạm quyền cho đến khi Bundestag bầu ra Thủ tướng mới.
Minh Đức (Theo Independent, National Interest)