Bầu cử Đức 2025 và những ẩn số khó lường
Trong bối cảnh nhiều thách thức từ bên trong và bên ngoài, bầu cử Đức 2025 sẽ là cuộc chiến thực sự cho liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz.
Ngày 23-2, Đức sẽ bước vào cuộc bầu cử quốc hội sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ.
Dưới đây là những điều cần biết về cuộc bầu cử Đức 2025, theo kênh Al-Jazeera.
Tại sao Đức tổ chức bầu cử sớm?
Vào tháng 11-2024, liên minh cầm quyền ba bên của Đức gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) sụp đổ sau những bất đồng về tình trạng suy yếu của nền kinh tế. Điều này khiến Thủ tướng Scholz quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (thành viên đảng FDP).
Sau nhiều tháng tranh cãi, ông Scholz cho biết ông buộc phải cách chức ông Lindner vì những hành vi cản trở trong vấn đề ngân sách quốc gia, đồng thời cáo buộc ông này đặt lợi ích đảng phái lên trên lợi ích quốc gia và ngăn chặn các dự luật với lý do không chính đáng. Điều này đã dẫn đến việc FDP rút khỏi chính phủ.
“Ông ấy quá nhiều lần sa vào những toan tính chính trị vụn vặt. Ông ấy đã nhiều lần làm mất lòng tin của tôi” - ông Scholz nói về ông Lindner.
Về phần mình, ông Lindner cáo buộc Thủ tướng Scholz đã cố ép ông phá bỏ giới hạn chi tiêu được ghi trong hiến pháp – còn gọi là “phanh nợ” – một động thái mà chính trị gia theo đường lối thắt chặt tài khóa này kiên quyết phản đối.
Đến tháng 12-2024, quốc hội Đức tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, trong đó chính phủ của Scholz thất bại, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 23-2.
Những đảng nào tranh cử trong cuộc bầu cử lần này?
Đức có hai nhóm đảng trung dung lớn: SPD của ông Scholz và liên minh bảo thủ gồm đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU).
Trong những năm gần đây, các đảng này dần mất đi sự ủng hộ, trong khi các đảng nhỏ hơn bao gồm đảng Xanh và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) ngày càng thu hút thêm cử tri.
Bên cạnh đó, cuộc bầu cử lần này còn có sự tham gia của FDP - một đảng trung hữu theo đường lối tân tự do ủng hộ thị trường, đảng cực tả Linke và Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW) - một đảng theo chủ nghĩa dân túy cánh tả.
Một cuộc khảo sát do tờ Politico thực hiện vào ngày 12-2 cho thấy liên minh CDU/CSU đang dẫn đầu các cuộc thăm dò với sự ủng hộ của 29% cử tri, theo sau là đảng cực hữu AfD với 21%.
Trong cùng cuộc khảo sát, đảng SPD của Thủ tướng Scholz đứng thứ ba với 16%, tiếp theo là đảng Xanh với 12%.
Lãnh đạo và cam kết của các đảng
Ông Scholz (66 tuổi) sẽ đại diện đảng SPD tranh cử thủ tướng trong kỳ bầu cử sắp tới. Ông Scholz nhậm chức vào tháng 12-2021 sau khi được Bundestag (quốc hội Đức) phê chuẩn, kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel – người đã lãnh đạo nước Đức trong 16 năm.

Áp phích vận động tranh của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại thủ đô Berlin (Đức). Ảnh: ECONOMIST
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Scholz đã dẫn dắt Đức vượt qua nhiều vấn đề trong nước và châu Âu, bao gồm cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, những bất đồng ngày càng sâu sắc trong liên minh ba bên của ông về ngân sách quốc gia đã khiến mức độ tín nhiệm của ông Scholz sụt giảm. Theo khảo sát của trang Statista vào tháng 1, chỉ 31% người dân Đức được hỏi tán thành việc ông Scholz tiếp tục lãnh đạo đất nước.
Đứng đầu CDU là ông Friedrich Merz (69 tuổi). Ông Merz là một nhân vật quen thuộc trong khối bảo thủ. Ông Merz gia nhập tổ chức thanh niên của đảng từ khi còn trẻ và dần thăng tiến trong hàng ngũ lãnh đạo.
Từ năm 2000 đến 2002, ông Merz giữ vị trí lãnh đạo đảng CDU nhưng sau đó bị bà Merkel vượt qua.
Ông Merz thường chỉ trích bà Merkel, cho rằng bà theo đường lối trung dung và quá mềm mỏng. Chính trị gia này theo đuổi quan điểm bảo thủ hơn và ủng hộ chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Ông Merz cũng phản đối quyết định của bà Merkel năm 2015 về việc mở cửa biên giới đón người tị nạn.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Merz cam kết chặn đứng nhập cư bất hợp pháp, cam kết chính sách “không khoan nhượng” với tội phạm và tuyên bố sẽ đảo ngược việc hợp pháp hóa cần sa.
Với việc CDU đang dẫn đầu các cuộc thăm dò, ông Merz được dự đoán có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới và trở thành thủ tướng mới của Đức.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 1, ông Merz đã gây tranh cãi khi đưa ra một kiến nghị tại quốc hội nhằm tăng cường kiểm soát biên giới và đẩy nhanh quá trình trục xuất người nhập cư. Đề xuất này được thông qua nhờ sự ủng hộ của đảng cực hữu AfD, phá vỡ rào cản lâu nay ngăn các đảng chính thống hợp tác với phe cực hữu.
Động thái này đã khiến cựu Thủ tướng Merkel công khai chỉ trích ông Merz. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước Đức, một đạo luật được thông qua với sự hỗ trợ của AfD.
Bất chấp việc nhận được sự hậu thuẫn từ phe cực hữu, ông Merz vẫn khẳng định trong một hội nghị CDU đầu tháng này rằng ông sẽ không hợp tác với AfD và sẽ “khiến đảng này nhỏ bé nhất có thể”.
Hệ thống bầu cử của Đức hoạt động như thế nào?
Tổng tuyển cử tại Đức diễn ra bốn năm một lần, với kỳ bầu cử lần này ban đầu được dự kiến vào tháng 9-2025. Tuy nhiên, vào ngày 23-2, công dân Đức sẽ bỏ phiếu hai lần: một lần để bầu đại diện nghị sĩ địa phương và một lần để chọn đảng chính trị mà họ ủng hộ.

Bầu cử Đức 2025: Cuộc chiến thực sự cho đảng của Thủ tướng Scholz. Ảnh: EURONEWS
Hệ thống này có nghĩa là bên cạnh nghị sĩ địa phương giành chiến thắng, mỗi đảng cũng sẽ cử một số nghị sĩ vào quốc hội dựa trên tỉ lệ phiếu mà đảng đó giành được trong lần bỏ phiếu thứ hai.
Lá phiếu thứ hai được coi là quan trọng nhất và thường được quan tâm nhiều nhất vì nó quyết định tổng số ghế mà một đảng sẽ có trong quốc hội cũng như vị thế của đảng đó trong chính phủ.
Có tổng cộng 630 ghế nghị viện được tranh cử, và số ghế này sẽ được phân bổ theo tỉ lệ phiếu bầu trong lần bỏ phiếu thứ hai.
Thông thường, một chính phủ liên minh sẽ được thành lập, vì rất hiếm khi một đảng giành được đa số tuyệt đối.
Đảng nào giành được nhiều phiếu nhất sẽ đề cử một ứng viên thủ tướng và quốc hội mới sẽ tổ chức bỏ phiếu. Ứng viên phải đạt được đa số tuyệt đối để chính thức trở thành nhà lãnh đạo mới của đất nước.
Các điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối 23-2. Kết quả sơ bộ dự kiến sẽ được công bố khoảng nửa giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, và kết quả cuối cùng thường được xác định trong đêm.
Những vấn đề trọng tâm của cử tri
Đầu tiên là xung đột Nga-Ukraine, hầu hết các đảng lớn ở Đức đều ủng hộ việc viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến kéo dài gần ba năm với Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz có cách tiếp cận thận trọng hơn so với các đảng còn lại, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp ngoại giao.
Ngược lại, đảng cực hữu AfD và đảng cánh tả BSW kêu gọi chấm dứt việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và khôi phục quan hệ với Moscow.
Thứ hai là về kinh tế. Việc có nên cải cách quy định “phanh nợ” trong hiến pháp Đức để tăng chi tiêu công hay không là một trong những vấn đề trọng tâm của cuộc bầu cử lần này.
Theo luật Đức, nhà nước chỉ được chi tiêu trong phạm vi số tiền thu được từ thuế. Tuy nhiên, quy định “phanh nợ” cho phép chính phủ vay tối đa 0,35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như trong đại dịch COVID-19.
Hiện tại, đảng Xanh và đảng của Thủ tướng Scholz kêu gọi cải cách quy định này để mở rộng chi tiêu công. Trong khi đó, AfD và FDP kiên quyết bảo vệ giới hạn nợ công.
Một vấn đề khác được cử tri Đức đặc biệt quan tâm là nhập cư. Hầu hết các đảng đều kêu gọi áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn sau một loạt vụ tấn công vào đám đông.