Bắt nhịp và tăng tốc chuyển đổi số

Đồng Tháp đã sớm bắt nhịp và đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp dựa trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong các cuộc họp về CĐS, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh luôn động viên, đôn đốc thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn, tăng tốc thực hiện với quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về CĐS tỉnh Đồng Tháp (viết tắt là Nghị quyết số 04-NQ/TU) và Đề án CĐS tỉnh đã đề ra.

Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các doanh nghiệp chuyển đổi số tại Hội nghị tập huấn hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (do Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh tổ chức vào ngày 23/10/2024)

Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các doanh nghiệp chuyển đổi số tại Hội nghị tập huấn hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (do Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh tổ chức vào ngày 23/10/2024)

CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc từ môi trường thực mà chúng ta đã quen thuộc sang môi trường mới là môi trường số. Tỉnh chọn 3 lĩnh vực ưu tiên tập trung thúc đẩy CĐS là nông nghiệp, y tế và giáo dục để thực hiện các nhiệm vụ chính trong Đề án CĐS và đã đạt nhiều kết quả. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU và Đề án CĐS, tỉnh tạo được nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành sớm, đa số chỉ tiêu hoàn thành đúng tiến độ. Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục duy trì các chỉ tiêu đã đạt được, triển khai các giải pháp để nâng cao đối với những chỉ tiêu có khả năng đạt mức cao hơn; tập trung chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực cho CĐS.

Tại hội thảo “Phát triển kinh tế số trong CĐS tỉnh Đồng Tháp” (do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 9/10/2024), bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, CĐS không chỉ là một xu hướng, mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển bền vững, trong đó kinh tế số là khâu đột phá chiến lược để đưa Đồng Tháp vươn lên, ổn định và phát triển kinh tế. Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông nên có thể nói kinh tế số, đặc biệt là kinh tế số ICT (sản xuất phần cứng, phần mềm, sản xuất nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, truy cập Internet) không phải là lợi thế. Nhận thức được điều này, 2 năm qua khẩu hiệu hành động của tỉnh đều tập trung vào CĐS. Năm 2023: “Kinh tế xanh sen hồng bứt phá - Chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong”; năm 2024: “Chính quyền kiến tạo, công dân số; Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”. Để hiện thực hóa khát vọng đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức CĐS qua các phương tiện truyền thông, các cuộc thi tìm hiểu về CĐS và hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Tỉnh tập trung đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người dân, đến nay, 67% dân số trên địa bàn tỉnh đã có kỹ năng số cơ bản như: khai thác thông tin trên mạng internet, sử dụng mạng xã hội, mua bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, sử dụng hoặc thuê các thiết bị IoT vào sản xuất và đời sống...

Huyện Tháp Mười đã thực hiện CĐS đồng bộ, luôn được sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và có bước chuyển biến đáng kể, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ tỉnh giao. Theo bảng xếp hạng DTI (Chỉ số đánh giá, xếp hạng CĐS các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh), năm 2023, UBND huyện Tháp Mười hạng Nhất và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác CĐS năm 2023.

Ông Đoàn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng CĐS trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục phát huy các mô hình CĐS ở địa phương như: chợ không dùng tiền mặt, tuyến đường CĐS, hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên CĐS...; hoàn thiện hạ tầng số, tiếp tục phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ để mở rộng vùng phủ sóng internet, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ số; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình đưa sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Huyện cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cải cách hành chính, tiếp tục tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân các giải pháp nâng cao nhận thức và kỹ năng số...

Thực hiện Đề án CĐS ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã lắp đặt 6 trạm quan trắc nước, 15 trạm giám sát côn trùng sử dụng IoT trong việc tự động thu thập dữ liệu phục vụ cảnh báo, dự báo các bất lợi do thiên nhiên và dịch bệnh gây ra để kịp thời ứng phó; đang duy trì vận hành 28 phần mềm/cơ sở dữ liệu (CSDL), trong đó có 19 phần mềm/CSDL do các đơn vị thuộc Trung ương triển khai, 9 phần mềm/CSDL do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị thuộc UBND tỉnh triển khai. Nhìn chung, việc triển khai sử dụng các phần mềm, CSDL ở một số lĩnh vực thuộc ngành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp được duy trì ổn định với 15 biểu mẫu báo cáo thuộc các lĩnh vực quản lý cụ thể: trồng trọt, chăn nuôi - thú y, thủy sản, phát triển nông thôn, kiểm lâm. Mô hình “Làng thông minh” tại xã Tân Thuận Tây đã cơ bản hoàn thành, tỉnh đang triển khai nhân rộng đến các xã nông mới nâng cao...

Hệ thống thông tin ngành y tế và hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa được áp dụng cho 22/165 cơ sở ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa, giúp Sở Y tế và các cơ sở y tế tuyến trên có thể theo dõi, hỗ trợ khám điều trị bệnh cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Hiện 165/165 cơ sở khám, chữa bệnh chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thanh toán phí, viện phí; hệ thống điều hành y tế thông minh đã kết nối đến 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập; 87% dân số đã có hồ sơ sức khỏe điện tử. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án: Xây dựng hệ thống thông tin điều hành y tế thông minh ngành y tế; triển khai mô hình bệnh viện thông minh; triển khai bệnh án điện tử cho các bệnh viện đa khoa khu vực...

Thời gian qua, Tổ công nghệ số cộng đồng và Thanh niên CĐS (CNSCĐ&TNCĐS) xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành đã tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận và sử dụng các ứng dụng công nghệ số, góp phần đẩy nhanh quá trình CĐS của địa phương. Năm 2024, tập thể tổ và 1 cá nhân của tổ được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và Thanh niên chuyển đổi số xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất các nội dung liên quan đến chuyển đổi số

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và Thanh niên chuyển đổi số xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất các nội dung liên quan đến chuyển đổi số

Anh Lê Quốc Toàn - công chức văn hóa - xã hội, thành viên Tổ CNSCĐ&TNCĐS xã An Phú Thuận, vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ: “Các thành viên Tổ CNSCĐ&TNCĐS xã An Phú Thuận đã giúp người dân có tài khoản dịch vụ công trực tuyến biết cách sử dụng dịch vụ công và thanh toán trực tuyến; cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số e-ĐongThap; mở ví điện tử, tài khoản ngân hàng thanh toán trực tuyến, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng; cài đặt và sử dụng chữ ký số cá nhân; phối hợp tư vấn, hướng dẫn trang bị, nâng cấp công nghệ 4G, 5G hoặc tặng máy công nghệ 4G cho các thuê bao 2G; sử dụng, khai thác tiện ích của điện thoại thông minh, tìm kiếm thông tin trên internet, mua sắm trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử; thông tin, tuyên truyền người dân biết cách khai thác thông tin trên internet, cách bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng. Nhiều doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh cũng được Tổ hướng dẫn mua, bán sản phẩm trên môi trường điện tử, sàn thương mại điện tử; hướng dẫn hợp tác xã lập trang Web, thiết kế bao bì, nhãn hiệu, logo, nộp thuế điện tử”.

Tỉnh xác định CĐS là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nhanh, hiện đại và giàu mạnh, xem đây là con đường ngắn nhất để thay đổi toàn diện phương thức quản lý, mô hình sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Trong đó, nhận thức về CĐS đóng vai trò quyết định, lấy người dân làm trung tâm, chính sách và công nghệ là động lực, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt, hợp tác là giải pháp quan trọng.

Thàn Nam

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chuyen-doi-so/bat-nhip-va-tang-toc-chuyen-doi-so-129007.aspx
Zalo