Sau năm 2024 thua lỗ, nhà đầu tư 'xốc' lại tinh thần
Không ít nhà đầu tư có hiệu suất đầu tư thua xa VN-Index trong năm 2024, nhưng vẫn giữ niềm tin thị trường sẽ khởi sắc trở lại trong năm Ất Tỵ 2025.
Thua thị trường
Trong buổi cafe cuối năm, một người bạn của người viết buồn bã chia sẻ: “Danh mục đang lãi 20% tự nhiên lỗ 30% chỉ trong tháng cuối năm, tổng kết bay hơn 200 triệu đồng”. Kết quả đáng buồn này là do một cổ phiếu xây lắp điện trong danh mục của anh bất ngờ đổ sàn nhiều phiên, trắng bên mua vì thông tin một dự án lớn của doanh nghiệp bị hủy bỏ, khiến nhà đầu này trở tay không kịp.
“Mua cổ phiếu từ giá 4x, lên đến gần 5x vẫn chưa bán. Bỗng nhiên tin xấu xuất hiện, khi đó mình đặt lệnh bán luôn nhưng không thoát được, mãi khi giá xuống 35 mới thoát hết. Đang lãi thành lỗ”, anh thở dài, nhưng tự an ủi rằng, trong đầu tư chứng khoán, lỗ lãi là chuyện bình thường. Nhớ lại giai đoạn 2021 - 2022, nhờ thị trường chứng khoán thăng hoa, anh có tiền mua nhà, nên số lỗ năm nay coi như chấp nhận được và vẫn còn may hơn nhiều người.
Một anh bạn khác đang làm việc tại doanh nghiệp bất động sản lâu nay chỉ thích “đánh” vài mã quen thuộc, chủ yếu là cổ phiếu bất động sản. Hai năm nay, anh mải miết “trading” một cổ đất có thanh khoản lớn, tìm kiếm cơ hội trong những biến động ngắn hạn, nhưng kết quả nhận lại là thua lỗ.
“Kiếm được tiền ở thị trường này khó quá em ạ, trade lãi được một chút sau đó lại lỗ nặng hơn. Cổ phiếu rơi từ 3x xuống đến 1x là em hiểu rồi đấy”, anh đúc kết.
Dạo quanh một vài diễn đàn và hội nhóm chứng khoán, người viết nhận thấy những từ khóa mà nhà đầu tư nhắc tới nhiều nhất khi đánh giá về kết quả đầu tư năm 2024 là: Khét lẹt, cháy đỏ, xa bờ, thua lỗ, bỏ nháp… Không hiếm gặp các nhà đầu tư đang trong tình trạng âm tài khoản, thậm chí lỗ tới 30 - 50%, dù VN-Index năm qua vẫn tăng hơn 12%.
“Tổng kết năm 2024 thật đáng thất vọng, tài khoản 2,2 tỷ đồng nhưng mất một nửa”, nhà đầu tư Trần T. để lại tin nhắn trong một group. Ở một bài đăng khác, nhà đầu tư Phan.T.T lém lỉnh: “Ca sỹ Trọng Tấn cũng phải giật mình vì bài hát ‘Nơi đảo xa’ của anh bỗng nhiên trở thành nhạc chờ của nhiều nhà đầu tư chứng khoán”, khiến nhiều nhà đầu tư đang buồn vì danh mục "đỏ lửa" cũng phải bật cười.
Trong nhiều trường hợp thua lỗ, rất nhiều nhà đầu tư nhận phải trái đắng khi “đu” đúng đỉnh các cổ phiếu nóng trong năm như VCA, YEG, TTL, KSV…
Chỉ lác đác một vài nhà đầu tư khoe có thành quả trong năm, nhưng mức lãi không đáng là bao. Nhà đầu tư N.Đ bày tỏ: “Chứng cháo cả năm, hao tâm tổn sức mà kết quả cũng chỉ bằng lãi suất ngân hàng”.
Nếu so với hiệu suất của VN-Index năm 2024 là hơn 12%, thì hiệu suất của nhiều nhà đầu tư được coi là chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, chỉ số trong phần lớn của năm lại biến động giằng co trong vùng 1.200 - 1.300 điểm, phân hóa giữa các nhóm ngành, cổ phiếu khiến cho việc lựa chọn cơ hội đầu tư trở nên khó khăn hơn, nên nhà đầu tư nào có lãi, dù thấp hơn VN-Index cũng đã là thành công lớn.
Giám đốc môi giới phòng giao dịch một công ty chứng khoán cho biết, tâm lý nhà đầu tư đang thật sự không tốt, một số nhà đầu tư lựa chọn việc rời đi, hoặc thu hẹp hoạt động đầu tư. Điều này khiến thị trường trở nên trắc trở, thanh khoản duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, sang năm 2025, với động lực từ yếu tố vĩ mô và việc nâng hạng, nhà đầu tư sẽ quay lại thị trường chứng khoán mạnh mẽ hơn.
Cửa sáng ở phía trước
Nhìn về năm 2025, không khó để nhận thấy tâm lý nhà đầu tư đang chia thành hai nửa đối lập. Một bộ phận vẫn tỏ ra khá bi quan, chủ yếu do thua lỗ trong năm qua. Trong khi đó, số khác lại cho rằng, thị trường chứng khoán năm nay sẽ tích cực hơn, vì hầu như các thông tin xấu đã được phản ánh xong, dù những biến động bất ngờ có thể sẽ ập đến, nhưng có thể kỳ vọng thị trường sẽ trong một xu hướng hồi phục mới.
Trong nhiều hội nhóm lúc này, quên đi câu chuyện danh mục năm cũ, chủ đề đang được các chứng sĩ quan tâm và thảo luận nhiều nhất là việc theo ngành nào, mua mã nào, cổ phiếu nào tiềm năng, doanh nghiệp nào vào chu kỳ tăng trưởng… Và ở giai đoạn này, sự chú ý đang hướng đến các cổ phiếu cơ bản tốt, doanh nghiệp đầu ngành hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế.
Nhà đầu tư Trần Hùng cho biết, năm 2025, anh kỳ vọng cổ phiếu “vua” sẽ làm nên chuyện, vì các phân tích hiện đều cho thấy ngân hàng là ngành tiềm năng đáng để đầu tư, lợi nhuận ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
“Bank và bất động sản chiếm 60 - 70% vốn hóa thị trường, nên hai ngành này phải tăng mới kéo được VN-Index. Bất động sản thì mình không mấy quan tâm, nhưng nhìn định giá của bank đang thấp so với định giá chung của thị trường, nếu loại bỏ nhóm này thì VN-Index không được coi là rẻ. Vậy nên, đầu tư cổ phiếu ngân hàng thời điểm này là hợp lý”, anh Hùng phân tích và hớn hở nói: “Phiên mở đầu năm mới 2025 mình đã có lãi, kỳ vọng sang năm Tỵ, mọi thứ sẽ hanh thông”.
Niềm tin của nhà đầu tư càng được củng cố khi hầu hết các công ty chứng khoán đều đồng thuận quan điểm thị trường chứng khoán năm 2025 sẽ tốt hơn, VN-Index vượt mốc 1.400 điểm. Trong đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng VN-Index có thể tiến lên 1.663 điểm trong năm 2025 nếu tình hình khả quan. Chứng khoán MB (MBS) dự báo, trong kịch bản cơ sở, VN-Index có thể đạt 1.400 - 1.420 điểm trong năm nay. Hay Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự phóng VN-Index có thể kết thúc năm 2025 ở mức 1.486 điểm trong kịch bản cơ sở.
Những động lực tương đối rõ ràng cho thị trường chứng khoán năm 2025 đến từ câu chuyện lãi suất toàn cầu bước vào chu kỳ giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, triển vọng nâng hạng thị trường sẽ giúp tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế.
VDSC nhận định, nền kinh tế sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6,8%, lạm phát ổn định ở mức 4% và tín dụng tăng trưởng 15%. Theo đó, EPS của VN-Index dự báo tăng trưởng 12,2% trong năm 2025. Trong năm 2025, VDSC kỳ vọng VN-Index có cơ hội tái định giá về mức P/E mục tiêu 13,8 lần, tương đương với mức tái định giá tăng 4% so với định giá đóng cửa ngày 20/12/2024.
“Xét tương quan với các thị trường trong khu vực và quốc tế, mức tăng trưởng kinh tế và định giá của thị trường Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn đối với dòng vốn toàn cầu’, VDSC nhận định.
Dù diễn biến thị trường những phiên đầu năm 2025 chưa đi theo đúng kỳ vọng của các thành viên thị trường, nhưng so với các kênh đầu tư khác, chứng khoán vẫn duy trì được sức hấp dẫn vốn có.
Dẫn chứng từ số liệu của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường đã tăng khoảng 2 triệu tài khoản trong năm 2024, tức mỗi tháng bình quân thị trường có thêm hơn 166.000 tài khoản. Tính đến cuối tháng 12/2024, nhà đầu tư cá nhân trong nước có hơn 9,2 triệu tài khoản, tương đương 9% dân số, vượt mục tiêu mà Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đề ra (số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025).
“Tạm gác lại những chuyện buồn trong năm cũ, việc quan trọng của các chứng sĩ lúc này là ‘xốc’ lại tinh thần với niềm tin cơ hội thì thời nào cũng có, từ đó tìm kiếm cơ hội từ những nhóm ngành, cổ phiếu xứng đáng bỏ tiền. Nhưng quan trọng hơn, nhà đầu tư phải có chiến lược đầu tư, quản trị rủi ro danh mục rõ ràng để tránh lặp lại những quyết định thiếu sáng suốt trong quá khứ”, vị giám đốc môi giới nhắn gửi đến các nhà đầu tư.