Bất ngờ với vở kịch rối 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt'

Truyền thống nhưng vẫn hiện đại, quen thuộc nhưng vẫn mới mẻ, táo bạo nhưng vẫn đầy chất thơ, đó là ấn tượng đặc biệt mà 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' - vở kịch rối vừa được Nhà hát Múa rối Thăng Long dàn dựng, đã để lại trong lòng khán giả. Với việc sử dụng những hình thức thể hiện mới lạ, vở diễn mang đến cho người xem nhiều trải nghiệm sân khấu vừa độc đáo, vừa hấp dẫn.

Vở kịch rối "Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới mang đậm hơi thở đương đại. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

Vở kịch rối "Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới mang đậm hơi thở đương đại. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là kịch bản nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ đã được dàn dựng thành công ở nhiều loại hình như kịch, chèo, cải lương… Với sân khấu múa rối, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cũng từng được Nhà hát Múa rối Thăng Long dàn dựng năm 2016 dưới bàn tay đạo diễn của Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chí Kiên và gây tiếng vang với Giải Tiết mục thử nghiệm rối xuất sắc nhất trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3. Nói thế để thấy, làm thế nào để vượt qua “cái bóng” của những tác phẩm thành công trước đó là cả thách thức lớn.

Tuy nhiên, không ngần ngại chinh phục thử thách này, một lần nữa, với sự ủng hộ của Ban Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nghệ sĩ ưu tú Lê Chí Kiên đã quyết định dựng lại vở rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” với phiên bản mới mang đậm hơi thở đương đại. Cống hiến gần 40 năm cho nghệ thuật múa rối, hơn ai hết, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chí Kiên luôn hiểu rằng múa rối cần có sự chuyển mình để hòa nhập với thời đại, để đến gần hơn với công chúng hôm nay, nhất là giới trẻ. Và muốn làm được điều này, không cách nào khác là phải nỗ lực sáng tạo để có được “chìa khóa” dung hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Vở diễn kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

Vở diễn kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

Đi tìm lời giải cho bài toán trên, đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Lê Chí Kiên cùng các cộng sự (chuyển thể kịch bản: Nghệ sĩ ưu tú Đăng Tiến; thiết kế sân khấu: Nghệ sĩ nhân dân Doãn Bằng; tạo hình con rối: nghệ sĩ Ngô Thắng; biên đạo: Nghệ sĩ nhân dân Hồng Phong) đã sử dụng chính ngôn ngữ của giới trẻ hôm nay. Đặc biệt, không chỉ sử dụng rối người, con rối, phiên bản 2025 còn đưa vào rối bóng để kể lại câu chuyện đã quen thuộc một cách sinh động.

Vở diễn bắt đầu với không gian của một khu chợ nhộn nhịp nhưng hỗn độn, vang lên tiếng hòa âm lóc cóc của guốc mộc, lúc đều đều chậm rãi, lúc hối hả vội vàng, tựa như thứ nhạc nền dẫn lối cảm xúc của khán giả… Đáng chú ý, các chất liệu âm nhạc truyền thống được sử dụng trong vở diễn như xẩm, chầu văn, ả đào, chèo… đã có sự kết đôi đầy duyên dáng cùng những giai điệu âm nhạc mới như hiphop, rap…, tạo ra chất keo tự nhiên thu hút khán giả trẻ.

Tạo hình con rối sinh động, đặc sắc. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

Tạo hình con rối sinh động, đặc sắc. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

Tính hiện đại trong thiết kế sân khấu cũng vô cùng được dụng công nhằm tạo nên không gian đa tầng - nơi thực và ảo đan xen, người và rối cùng kể chuyện. Trong đó phải kể đến thiết kế bàn cờ âm dương chứa đựng nhiều triết lý sâu sắc. Khán giả không khỏi bất ngờ khi được dẫn dắt qua nhiều màn diễn thay đổi liên tục, có những cảnh ma mị đến rợn người, cũng có những cảnh trữ tình đến rơi lệ, và cũng không thiếu những màn diễn vui nhộn khiến khán giả bật cười sảng khoái.

Với lời thoại gần gũi và cách thể hiện mới mẻ, vở diễn vẫn chuyển tải trọn vẹn triết lý nhân sinh của tác phẩm, đó là được sống làm người đã quý giá, nhưng được sống đúng là mình còn quý giá hơn.

Sân khấu được thiết kế đa tầng, mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người xem. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

Sân khấu được thiết kế đa tầng, mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người xem. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

Theo dõi vở diễn, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đánh giá đây là một bản dựng mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ hiện đại và nghệ thuật truyền thống khiến bản thân những người làm sân khấu cũng thấy ấn tượng.

Đánh giá về những xử lý khéo léo của ekip sáng tạo khi kết hợp rối bóng và người để dẫn dắt khán giả vào những điều ẩn chứa bên trong từng nhân vật, đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Tạ Tuấn Minh cũng không tiếc lời cảm thán: “Khó thế mà đạo diễn cũng làm được!”.

Đảm nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: Việc dàn dựng vở kịch rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” nằm trong Kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Vở diễn sẽ được biểu diễn để phục vụ sân khấu học đường, đồng thời sẽ tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm vào tháng 10/2025 tại Hà Nội.

Bên cạnh những màn diễn ma mị hay trữ tình, vở diễn cũng mang đến những tiếng cười sảng khoái. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

Bên cạnh những màn diễn ma mị hay trữ tình, vở diễn cũng mang đến những tiếng cười sảng khoái. (Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long)

TRANG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bat-ngo-voi-vo-kich-roi-hon-truong-ba-da-hang-thit-post877531.html
Zalo