Liên kết trồng, sản xuất dong riềng cho hiệu quả kinh tế bền vững

Minh bạch giá cả, lắng nghe người dân và xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi là nền tảng để duy trì liên kết bền vững giữa người trồng dong với cơ sở sản xuất, chế biến.

 Người dân xã Côn Minh thu hoạch dong riềng.

Người dân xã Côn Minh thu hoạch dong riềng.

HTX Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì là một trong những đơn vị sản xuất miến dong có công suất hoạt động quy mô ở địa phương. Bình quân mỗi năm đơn vị tiêu thụ hơn 4.000 tấn củ dong, giải quyết việc làm cho từ 30 -50 lao động. Để duy trì việc sản xuất, hằng năm HTX đã liên kết với các hộ dân phát triển vùng nguyên liệu như cho ứng trước vật tư, hỗ trợ kỹ thuật. Đến nay, HTX đang liên kết với hơn 500 thành viên trồng được 70ha cây dong riềng tại các xã Côn Minh, Cư Lễ, Trần Phú... Bằng cách này, nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhu cầu sản xuất của HTX luôn đảm bảo.

 Chuỗi liên kết sản xuất được HTX Tài Hoan duy trì tốt trong nhiều năm qua.

Chuỗi liên kết sản xuất được HTX Tài Hoan duy trì tốt trong nhiều năm qua.

Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 400ha cây dong riềng, sản lượng năm 2024 đạt hơn 33.000 tấn, đây là cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, có vai trò rất lớn trong việc xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Mấy năm nay, diện tích dong riềng giảm do nhiều nguyên nhân như thiếu nguồn lao động, giá cả bấp bênh, lợi nhuận củ dong không nhiều, chưa tương xứng với công sức. Sự chênh lệch lợi nhuận trong chuỗi cung ứng sản xuất củ dong, bột dong và miến dong dẫn đến việc liên kết giữa đơn vị sản xuất và một số hộ chưa thực sự bền chặt.

 Năm nay, củ dong riềng được giá, từ 2.500-2.700 đồng/kg nên người dân rất phấn khởi.

Năm nay, củ dong riềng được giá, từ 2.500-2.700 đồng/kg nên người dân rất phấn khởi.

Chính vì lý do đó, giải quyết bài toán về liên kết phát triển vùng dong riềng là nhiệm vụ đặt ra đối với tỉnh Bắc Kạn. Để tạo mối quan hệ bền chặt đó, thời gian qua, tỉnh đã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở HTX sản xuất, chế biến dong riềng. Giai đoạn 2021-2025, từ Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã hỗ trợ cho HTX Tài Hoan, HTX Việt Cường, HTX Công Thành Phát (huyện Na Rì) tham gia vào Dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm dong riềng là cách để người dân và HTX xây dựng được chuỗi liên kết hiệu quả, lâu dài. Đến nay, cả tỉnh có hơn 200ha diện tích thâm canh cây dong riềng gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Để việc liên kết trồng, sản xuất, chế biến dong riềng đi vào ổn định, thời gian tới cần có sự quan tâm tích cực hơn từ phía chính quyền các cấp, tạo điều kiện cho người dân trồng dong tham gia vào các chương trình, dự án liên kết để thúc đẩy sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung ứng bột dong trong sản xuất, không để người làm miến nhập bột từ nơi khác về sản xuất để giữ thương hiệu, chất lượng.

Đồng thời các HTX cơ sở sản xuất miến cần tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất chế biến, đặc biệt theo chuỗi tuần hoàn như sử dụng phụ phẩm bã củ dong chế biến thành phân bón cung cấp lại cho nông dân, qua đó tiết kiệm được chi phí đầu tư. Bên cạnh đó người nông dân cũng cần chia sẻ với HTX, cơ sở chế biến để cùng có tiếng nói hài hòa, từ đó chuỗi liên kết mới thật sự bền vững./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/lien-ket-trong-san-xuat-dong-rieng-cho-hieu-qua-kinh-te-ben-vung-post67606.html
Zalo