Bất động sản công nghiệp tiếp tục hấp dẫn

Bất động sản công nghiệp được dự báo là một điểm sáng khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tục gia tăng. Bởi các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về không gian, kho bãi để phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sau 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống các khu công nghiệp ở Việt Nam đã bao phủ 61/63 tỉnh thành. Trong số 414 khu công nghiệp đã thành lập, có 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút đầu tư.

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG MỞ RỘNG KHU CÔNG NGHIỆP

Theo thống kê của Savills Việt Nam, trên cả nước hiện có 33.000 ha đất khu công nghiệp cho thuê. Nhu cầu thuê cao, đặc biệt ở khu vực phía Nam, khiến cho tỷ lệ lấp đầy bình quân 80%. Với tham vọng thu hút đầu tư, nhiều địa phương đã lên kế hoạch mở rộng diện tích đất khu công nghiệp trong tương lai.

Chẳng hạn, tỉnh Bình Dương được coi là thủ phủ khu công nghiệp phía Nam với 29 khu công nghiệp hiện hữu, tỷ lệ lấp đầy đạt 91%, địa phương này đặt mục tiêu phát triển thêm 10 khu công nghiệp từ nay đến năm 2030, với tổng diện tích 10.200 ha.

TP.HCM sẽ tăng thêm khoảng 800 ha đất công nghiệp cho các khu công nghiệp gồm: Hiệp Phước giai đoạn 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Lê Minh Xuân 2 và Phạm Văn Hai. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang hoàn thành đề án thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất, khu công nghiệp gồm: Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu, Hiệp Phước. Mục tiêu thu hút đầu tư các khu công nghiệp chuyên đề, công nghiệp kỹ thuật cao, cũng như phát triển khu công nghiệp chuyên ngành logistics.

Ở phía Bắc, tỉnh Bắc Ninh quy hoạch sẽ có 25 khu công nghiệp tính đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, thành lập mới 2 khu công nghiệp là: Thuận Thành III - phân khu C, quy mô khoảng 200 ha và An Việt - Quế Võ 6 có quy mô 60 ha. Giai đoạn 2026-2030, lập thêm 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.800 ha...

ĐÓN LÀN SÓNG FDI THẾ HỆ MỚI

“Khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng lớn mạnh, bao gồm các tuyến cao tốc và cảng chính như Hải Phòng và Lạch Huyện, nâng cao sức hút cho các ngành công nghiệp xuất khẩu. Hệ thống cảng rộng lớn của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là cảng nước sâu Cái Mép, cho phép vận chuyển trực tiếp đến các thị trường quốc tế và củng cố vai trò của Việt Nam như một trung tâm logistics chủ chốt.

Ngoài cơ sở hạ tầng giao thông, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh kết nối kỹ thuật số với việc mở rộng mạng lưới sóng 5G và phát triển các trung tâm dữ liệu, hỗ trợ tăng trưởng thương mại điện tử và logistics”, ông John Campbell, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam, nhận định.

Xác định tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển logistics, thông qua đầu tư vào các hình thức vận tải đa dạng và các khu vực logistics chuyên dụng, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, định vị Việt Nam là địa điểm được ưu tiên cho các giải pháp công nghiệp hiệu quả cùng với chi phí hợp lý.

Cụ thể, chi phí kho bãi tại Việt Nam trung bình là 5,6 USD/m2, rất hấp dẫn thu hút các công ty đang áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1”. Các nhà phát triển khu công nghiệp Việt Nam đang đón nguồn cầu mạnh mẽ này thông qua các cơ sở mặt bằng hiện đại, công nghệ cao, bao gồm cả các lựa chọn thân thiện với môi trường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Ông John Campbell cho rằng Việt Nam nắm bắt nhanh chóng xu hướng nền kinh tế kỹ thuật số đang phủ rộng khắp châu Á và chuẩn bị trở thành một thị trường quan trọng cho các trung tâm dữ liệu. Quy mô thị trường này dự kiến đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2029, nhờ vào nhu cầu gia tăng đối với điện toán đám mây, 5G và IoT.

Bên cạnh đó, những thay đổi về quy định đang khuyến khích đầu tư nước ngoài vào trung tâm dữ liệu khi cho phép nhóm nhà đầu tư này sở hữu hoàn toàn các trung tâm dữ liệu trong nước. Các công ty như ST Telemedia đã hợp tác với các công ty trong nước để mở rộng các cơ sở mới tại TP.HCM.

Tỷ lệ bao phủ internet cao và ngành thương mại điện tử bùng nổ của Việt Nam cũng là động lực thúc đẩy nhu cầu đầu tư lĩnh vực này, định vị các trung tâm dữ liệu là trụ cột quan trọng trong tương lai kinh tế của đất nước...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47-2024 phát hành ngày 18/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-tiep-tuc-hap-dan.htm
Zalo