Ăm ắp yêu thương: Những thầy giáo 'nấu cơm cho em'

Nhiều điểm trường ở vùng cao, do đường sá cách trở, học sinh ít nên không đủ điều kiện tổ chức bếp ăn bán trú.

Bữa ăn trưa của học sinh điểm trường Ông Thái. Ảnh: NTCC

Bữa ăn trưa của học sinh điểm trường Ông Thái. Ảnh: NTCC

Thầy, cô giáo đã nhận thêm phần việc của nhân viên cấp dưỡng, kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để nấu ăn cho học sinh với mong muốn vừa cải thiện thể trạng, vừa dễ huy động các em đến trường.

Chắt chiu hạt gạo nuôi học trò

Ngay khi bước vào năm học, thầy giáo Trần Văn Bửu đã liên hệ với các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm để tìm nguồn hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh điểm Ông Tuấn, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam). Năm học 2024 - 2025, điểm trường có 45 học sinh, kể cả trẻ mầm non và học sinh lớp ghép 1 - 2. Thầy Bửu cho biết, dù lớp mầm non có tổ chức bữa ăn trưa nhưng đơn vị tài trợ vẫn hỗ trợ thêm phần kinh phí cho các cháu để cải thiện hàm lượng dinh dưỡng/suất ăn.

Với vai trò bếp trưởng, cứ chiều Chủ nhật hoặc sáng sớm thứ Hai hằng tuần, thầy Bửu “cõng” thêm thịt, gà, chả, cá khô, trứng… Thực phẩm phải tính toán dùng đủ cả tuần cho 45 học sinh, cả mầm non và tiểu học.

Giàn điện năng lượng mặt trời được tài trợ năm học trước đã bị hỏng, không có điện, không thể dự trữ thức ăn tươi nên đầu tuần, bữa ăn của học sinh điểm trường Ông Tuấn sẽ là món cá. “Thịt lợn, thịt gà đều phải ướp muối để bảo quản, trước khi chế biến, rửa sạch muối, chần qua nước sôi rồi mới bắt đầu sử dụng. Thường thứ Sáu, các em sẽ ăn cá khô hoặc trứng để đảm bảo an toàn thực phẩm”, thầy Bửu kể.

Năm học này, thầy Hồ Văn Xuân đứng điểm trường Ông Thái, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn. Ngoài 7 học sinh ghép lớp 1 - 2, điểm trường này còn một “lớp nhô” mẫu giáo trong độ tuổi 4 - 5 với 7 trẻ cùng học chung. Thầy Xuân dạy lớp ghép 1 - 2 vừa kiêm nhiệm luôn lớp mẫu giáo của nóc.

Theo thầy Xuân, với 7 học sinh tiểu học thì không đủ để đặt 1 điểm trường ngay tại thôn. Đưa các em ra điểm trường chính học lại quá xa. Vì vậy, nhà trường đã thống nhất với trường mẫu giáo để trẻ 4 - 5 tuổi cùng học dự thính với học sinh lớp 1.

“Dù học dự thính nhưng thầy giáo cũng tách trẻ 5 tuổi ra để các em chơi trò chơi giúp nhận diện chữ cái, làm quen với tiếng Việt… cho đúng độ tuổi chứ không thể dạy như chương trình lớp 1”, thầy Xuân nói. Phòng học của điểm trường Ông Thái vì vậy được chia làm 3 nhóm với 3 kiểu tổ chức dạy - học khác nhau.

Vừa dạy học, thầy Xuân vừa hỗ trợ phụ huynh tổ chức bếp ăn bán trú cho 14 trẻ ngay tại điểm trường của thôn. Gạo, thực phẩm được thầy Xuân cõng bộ gần 1 tiếng đồng hồ đường rừng đủ để tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh trong 5 ngày.

Tính thiếu thì không biết mua ở đâu vì trong thôn không có hàng tạp hóa nào, vào đến điểm trường là mất sóng điện thoại, không điện, nước sạch. Ngoài hỗ trợ 12.000 đồng cho một suất ăn trưa, CLB Bạn thương nhau còn gửi thêm 1 tạ gạo/tháng cho chương trình Bữa trưa miền núi ở điểm trường Ông Thái.

Nhờ những bữa cơm trưa tại trường, em Hồ V. Q., người dân tộc Ca Dong, học sinh lớp 2 ở điểm trường Ông Thái không còn cảnh ăn sắn, rau rừng cả ngày thay cơm. Q. gần như sống thui thủi một mình, đến gạo cũng không có để ăn. Mẹ Q. qua đời khi em còn nhỏ, ba có vấn đề về sức khỏe, thường đi lang thang và không thể lao động. Cứ nghỉ học là Q. vào rừng kiếm rau, sắn về luộc, đôi khi phải nhịn đói qua bữa.

Q. kể: “Có cơm của thầy Xuân nên trưa nào em cũng được ăn ngon. Có cá, thịt, trứng chứ không phải chấm măng với muối. Thầy còn cho em cơm để đem về nhà ăn tối”. Q. được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng từ chương trình Đi học trên núi của CLB Bạn thương nhau. Tùy theo nguyện vọng của em, hằng tháng, thầy giáo sẽ hỗ trợ để mua lương thực, đồ dùng sinh hoạt, đồ ăn khô… Cuộc sống của Q., vì vậy không còn lay lắt, tạm bợ qua ngày như trước.

 Học sinh điểm trường Ông Bình xem phim hoạt hình sau buổi học phụ đạo miễn phí vào buổi tối. Ảnh: NVCC

Học sinh điểm trường Ông Bình xem phim hoạt hình sau buổi học phụ đạo miễn phí vào buổi tối. Ảnh: NVCC

Những bước chân vui đến trường

Năm học này, nóc Ông Cường có 16 học sinh ở độ tuổi lớp 1 - 2. Những năm trước đó, khi số học sinh ít hơn, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để các em ở lại bán trú tại điểm trường Ông Dũ suốt cả tuần.

Thầy Hiệu trưởng Hồ Văn Hạnh cho hay: Những em từ nóc Ông Cường phải qua suối và một con dốc khá cao. Trên núi hay có mưa lũ bất thường, nhất là buổi chiều, đi về nguy hiểm. Ngoài ra, các em tự đi về buổi trưa thì nguy cơ cao là buổi chiều sẽ ở nhà luôn không trở lại trường để học.

Để đỡ vất vả cho giáo viên điểm lẻ phải chăm sóc học sinh còn quá nhỏ tuổi ở lại bán trú cả tuần, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Vân vận động cha mẹ học sinh ở nóc Ông Cường đưa các em về điểm trường chính học. Học sinh đều có chế độ hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt… của Nhà nước nên về điểm trường chính, điều kiện ăn ở, sinh hoạt… của các em sẽ tốt hơn điểm trường lẻ.

Nhưng không phải phụ huynh nào cũng có phương tiện để đưa đón con về điểm trường chính. Thầy Hạnh kể, cứ sáng sớm thứ Hai đầu tuần, phụ huynh lại dẫn con đi bộ ra đường rồi chờ thầy, cô giáo đi ngang qua để gửi con về trường. Có gần 10 học sinh ở nóc Ông Cường được phụ huynh xin đi nhờ xe của giáo viên như thế vào đầu và cuối tuần.

“Để chủ động hơn trong việc đưa đón và đảm bảo chuyên cần cho học trò, nhà trường chuyển từ đưa đón tự phát sang “gắn tên học sinh vào thầy, cô giáo” sau khi khảo sát nguyện vọng của học sinh và phụ huynh”, thầy Hạnh thông tin. Đường đến trường của học sinh nóc Ông Cường vì vậy bớt gập ghềnh xa ngái khi có sự tiếp sức đầy chăm chút, trách nhiệm từ các thầy, cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân.

Bếp ăn bán trú vẫn được duy trì tại điểm trường Ông Dũ cho 19 học sinh lớp ghép 1 - 2. Cùng với bữa trưa do dự án Nuôi em Quảng Nam hỗ trợ, thầy Hạnh tìm cách “xin” thêm từ nguồn khác để duy trì bán trú cả tuần cho học sinh. CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) đã nhận hỗ trợ bữa trưa cho những ngày còn lại.

Các điểm trường thôn của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân như Khe Chữ, Ông Thanh, Ông Ruộng, Ông Dũ… đều tổ chức ít nhất 3 bữa ăn trưa cho học sinh từ nguồn hỗ trợ của các đội, nhóm thiện nguyện. Dù ở lại ăn trưa tại trường, nhưng học sinh các điểm lẻ vẫn được nhận trọn vẹn tiền ăn theo chế độ của Nhà nước hỗ trợ.

Thầy, cô giáo nhận thêm nhiều phần việc từ dự trữ, cân đối thực phẩm, có khi phải trực tiếp vào bếp vì phụ huynh trong nóc đều bận làm mùa… Đổi lại, học sinh đi học chuyên cần hơn trước, có điều kiện cải thiện tình trạng thể chất từ những bữa cơm có thịt.

 Đường đến trường của thầy Nguyễn Văn Nhân - giáo viên đứng điểm ở thôn Ông Bình, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: NVCC

Đường đến trường của thầy Nguyễn Văn Nhân - giáo viên đứng điểm ở thôn Ông Bình, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: NVCC

Lo thêm bữa sáng

Ngoài kết nối với các CLB đội, nhóm thiện nguyện để xin kinh phí tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh điểm trường lẻ ở nóc Ông Bình, thầy Nguyễn Văn Nhân còn xin thêm cả mì tôm để dự trữ. Đây là năm học thứ 4, thầy Nguyễn Văn Nhân - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn dạy học tại điểm trường Ông Bình.

Cũng giống như điểm trường Ông Thái, điểm trường Ông Bình nằm sâu dưới tán rừng già Ngọc Linh. Thầy cô vào dạy ở điểm trường này đều mất liên lạc với bên ngoài vì không có sóng điện thoại. Từ hơn một năm nay, điểm trường có điện thắp sáng nhờ được tặng một giàn điện năng lượng mặt trời. Từ điểm chính của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn, muốn đến điểm trường Ông Bình, vào mùa mưa, gần như phải đi bộ là chủ yếu do đường đất trơn trượt.

Trước đó, điểm trường Ông Bình chỉ có học sinh mầm non ở lại ăn trưa. Thầy Nhân kể, thấy học sinh cứ thập thò nhìn bữa ăn trưa của các em phòng học bên cạnh, thương không chịu được. Thế nên, thầy kết nối với các nhà hảo tâm để xin kinh phí tổ chức luôn bữa ăn bán trú cho các em.

Chương trình Bữa cơm miền núi do CLB Bạn thương nhau hỗ trợ đã duy trì trong suốt 2 năm học. Thầy Nhân cùng cô Nguyễn Thị Tý - giáo viên đứng điểm lớp mầm non cứ đầu tuần phải tính toán, lên thực đơn để dự trữ thực phẩm đủ cho một tuần.

Học sinh điểm trường Ông Bình còn có thêm “bữa sáng 0 đồng” ngay tại trường với tô mì tôm nóng hổi. Mì tôm do các đội nhóm thiện nguyện gửi tặng được thầy Nhân giữ lại để nấu phần ăn sáng cho học sinh. Vì vậy, công việc đầu tiên của thầy Nhân là sáng ra, đun sẵn vài phích nước sôi để chế mì tôm cho trò nghèo.

Thầy Nguyễn Văn Nhân là người đồng bào nên hiểu rõ tâm lý cũng như những hạn chế của học sinh. Trò người dân tộc nếu được chăm sóc bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, hướng dẫn phương pháp học tập, có sự kèm cặp, hỗ trợ của thầy cô thì kết quả học tập cải thiện rất rõ rệt.

Năm học này, riêng học sinh lớp 1, điểm trường Ông Bình có 11 em. Nhà dân ngay cạnh trường nên thầy Nhân dặn học sinh, sau giờ cơm tối thì sang trường để thầy kèm cặp thêm. Lớp học ban đêm nhằm giúp các em đọc thông, viết thạo, nắm vững kiến thức để không thấy việc học quá khó khăn mà bỏ học giữa chừng.

Thầy Nguyễn Văn Nhân - giáo viên đứng điểm ở thôn Ông Bình, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trà Dơn cho biết, cùng với khánh thành trường mới được xây dựng từ nguồn hỗ trợ do CLB Bạn thương nhau huy động, nhà trường còn được tặng một giàn điện năng lượng mặt trời, chiếc tivi 42 inch và chảo thu vệ tinh.

Cuối buổi học mỗi ngày, học sinh được xem những bộ phim hoạt hình phù hợp với lứa tuổi. Đây là cánh cửa giúp các em tiếp cận những điều lý thú, kỳ diệu bên ngoài bản làng, xa hơn những cánh rừng xanh thẳm mà chỉ có học tập, các em mới bước ra được chân trời rộng lớn hơn.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/am-ap-yeu-thuong-nhung-thay-giao-nau-com-cho-em-post707942.html
Zalo