Bắt đáy hay cắt lỗ?
Thị trường chứng khoán đã có con sóng lớn vào đầu năm 2024, nhưng nhanh chóng kết thúc vào tháng 3, sau đó có vài điểm nhấn cho đến tháng 6, nhưng từ đó đến nay có xu hướng giảm. Nhiều dấu hiệu cho thấy, cơ hội bắt đáy đang đến gần.
Số lượng hợp đồng mở (OI) - trạng thái cầm qua đêm trên sàn phái sinh là một chỉ báo quan trọng cho thị trường cơ sở. OI tạo đỉnh thể hiện kỳ vọng thị trường đang ở gần đáy.
Trong khi đó, định giá P/E của VN-Index dần trở về mức hấp dẫn, dưới 13 lần. Lịch sử cho thấy, thị trường xấu cỡ nào thì P/E cũng chỉ về mức 10 - 11 lần rồi bật tăng. P/E giảm vào năm 2016, trước khi bước vào sóng tăng mạnh; giảm vào năm 2020, trước khi bước vào sóng Covid-19 và giảm trong năm 2022 khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp “có vấn đề”.
Dựa trên định giá P/B, VN-Index đang có ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.155 điểm, nếu chỉ số lùi về đây thì nhiều khả năng sẽ xuất hiện sóng hồi.
Ngoài ra, chỉ số sợ hãi tăng báo hiệu cơ hội bắt đáy dần rõ ràng hơn. Số lượng cổ phiếu giao dịch dưới ngưỡng RSI 30 tăng lên mức 20 - 25% là ngưỡng sợ hãi cao độ của thị trường. Trước đợt giảm, tỷ lệ này ở mức 10%, cuối tuần qua xấp xỉ 20%, nhiều khả năng sẽ sớm tăng lên 25 - 30%. Nhìn lại lịch sử, trong thị trường “hoảng loạn” (panic) gần nhất vào năm 2022, số lượng cổ phiếu giao dịch dưới RSI 30 lên đến 50%, còn trong bối cảnh bình thường, tỷ lệ này tăng lên 30% sẽ xuất hiện sóng hồi, nhất là khi khối ngoại quay lại mua ròng.
Đặc biệt, tôi quan tâm đến việc bắt đáy theo phương pháp “cá mập”. Qua quá trình đầu tư, tôi thấy phương pháp này tỏ ra hiệu quả. Cụ thể, phương pháp cá mập chia tiền thành 4 phần. Lần đầu tiên bắt đáy 25% số tiền đang có. Lần thứ hai, giải ngân thêm 25% nếu giá cổ phiếu đi ngang hoặc ở ngưỡng hỗ trợ tiếp theo. Nếu như sau 2 lần giải ngân 50% mà số tiền lỗ trên 10% thì thực hiện cắt lỗ và làm lại từ đầu. Phần tiền còn lại sẽ chỉ giải ngân ở nửa bên kia của đáy, tức ở lần ba, giải ngân 25% khi cổ phiếu tạo đáy và đi lên (vượt MA20). Lần giải ngân cuối cùng là khi thị trường chính thức bước vào xu hướng tăng (uptrend), giá cổ phiếu vượt qua 3 đường trung bình quan trọng MA20, 50 và 200.
Phương pháp này an toàn hơn việc “tất tay” (all in) rất nhiều. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải giữ được sự tỉnh táo.
Phương pháp “cá mập” thích hợp với đầu tư ngắn hạn, còn đầu tư dài hạn có thể “gồng” lỗ trong trường hợp giá giảm. Tuy nhiên, quan điểm của tôi khi cầm cổ phiếu lỗ thì nên bán ra một nửa, sau đó giải ngân theo 4 bước trên.
Nghiên cứu quy tắc đầu tư của William O’ Neil, tôi thấy có 6 điểm phù hợp với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một, không nên bắt đáy đối với cổ phiếu có thị giá quá thấp. Với thị trường Việt Nam, cổ phiếu chất lượng cao thường có giá từ 15.000 đồng/cổ phiếu trở lên.
Hai, cắt lỗ mỗi khi lỗ vượt 8% so giá mua cổ phiếu và không có ngoại lệ.
Ba, tuân thủ các quy tắc bán để khi nào nên bán chốt lời. Bán chủ động 50% và bán 50% còn lại khi giá xuống dưới đường MA50.
Bốn, mua khi chỉ số thị trường tăng điểm, giảm đầu tư và tăng tiền mặt khi thị trường giảm.
Năm, mua cổ phiếu nằm trong 6 ngành tăng trưởng hàng đầu như khu công nghiệp, nhóm Viettel, xuất khẩu, hóa chất…
Sáu, không đoán đáy hoặc mua vào khi giá giảm, không “tranh luận” với thị trường, hãy quên đi sự tự hào và cái “tôi” của mình.
Khi thị trường vào nhịp điều chỉnh mạnh, nhóm chứng khoán thường được quan tâm, vì nhóm này “bám” thị trường sát nhất.
Nếu nhà đầu tư cho rằng yếu tố vĩ mô như thuế quan, tỷ giá, đồng USD có thể khiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng thấp hơn vào năm sau, thì nên bắt đầu bắt đáy ở nhóm bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, đồ uống.
Trường hợp nhận định Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, dòng vốn FDI và doanh nghiệp duy trì mức tăng trưởng cao, nhà đầu tư nên bắt đáy cổ phiếu công nghiệp, hàng xa xỉ.