TPHCM nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn phát triển từ các nghị quyết đặc thù

Trong hành trình 50 năm kể từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM đã khẳng định vai trò 'đầu tàu' kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ. Thành tựu này gắn liền với các nghị quyết mang tính bước ngoặt của Bộ Chính trị và cơ chế đặc thù từ Quốc hội, Chính phủ, tạo động lực để TPHCM bứt phá, vươn tầm khu vực và quốc tế.

Góp phần hoàn thiện cơ chế

Đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, nhận xét, hiếm có địa phương nào trong cả nước được sự quan tâm sâu sát, toàn diện của Trung ương như TPHCM. Từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết riêng về thành phố; Quốc hội, Chính phủ cũng có nhiều cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho thành phố phát triển. Đó là Nghị quyết số 01-NQ/TW ngày 14-9-1982 về công tác của TPHCM; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18-11-2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010; Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Hiện nay là Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Mở đầu Nghị quyết số 01-NQ/TW, Bộ Chính trị đã khẳng định “TPHCM rất năng động và giàu sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh” và yêu cầu TPHCM “cần tiếp tục phát huy tính năng động, chủ động”. Trên thực tế, ngay sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tính năng động, sáng tạo của TPHCM đã được thể hiện rõ và duy trì, phát huy trong chặng đường 50 năm qua, như là một nét đặc trưng của thành phố. Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam” diễn ra vào ngày 20-4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ, TPHCM luôn bám sát thực tiễn, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm... Đồng chí điểm qua một số dấu ấn tiêu biểu, như thành phố nghiên cứu và thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp từ rất sớm. TPHCM cũng đi đầu cả nước trong nghiên cứu khoa học công nghệ, triển khai kinh tế tri thức, hình thành mô hình khoa học - công nghệ như Khu Công nghệ cao TPHCM, Công viên phần mềm Quang Trung. Thành phố còn triển khai thực hiện các mô hình điều hành kinh tế vĩ mô và cải cách hành chính đạt hiệu quả.

 Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12 khảo sát hộ dân vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15. Ảnh: NGÔ BÌNH

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12 khảo sát hộ dân vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15. Ảnh: NGÔ BÌNH

Trước những thành tựu đạt được, TPHCM được xem là nơi khởi đầu những yếu tố mới, đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bên cạnh đó, với tinh thần sáng tạo và trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước”, TPHCM được Trung ương tin tưởng, trao cho các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vươn lên, ngang tầm các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Tạo ra những sản phẩm cụ thể

TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TPHCM, phân tích, từ Nghị quyết số 20-NQ/TW, cứ 10 năm, Bộ Chính trị tiến hành tổng kết, ban hành nghị quyết mới về TPHCM. Mỗi nghị quyết đều nhấn mạnh đến sứ mệnh, vai trò “đầu tàu” của TPHCM đối với cả nước; nơi tiên phong mở đường, thí điểm cho những đổi mới quan trọng trong lãnh đạo, quản lý; trong tổ chức phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị. Trong đó, Nghị quyết số 31-NQ/TW định hướng phát triển TPHCM đến năm 2045 với sứ mệnh, vai trò lớn hơn. Cụ thể hóa Nghị quyết số 31-NQ/TW, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội được ban hành, một lần nữa khẳng định việc xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước ta; tạo lập cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để thành phố phát triển.

Ngoài ra, trên cơ sở Nghị định số 84/2024/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM, thành phố đã phân cấp triệt để cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tự chủ cho các các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Kết quả thực hiện cũng phản ánh rõ nét về truyền thống năng động, sáng tạo của thành phố luôn được trao truyền giữa các thế hệ, là động lực quan trọng để thành phố vượt qua các khó khăn, thách thức, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Đặc biệt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội được triển khai từ năm 2023 là minh chứng rõ nét cho tinh thần nhập cuộc quyết liệt của TPHCM. Chỉ sau một năm, nhiều cơ chế, chính sách đã được thành phố triển khai đi vào thực tiễn, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển. Cùng với đó là làm tốt hỗ trợ an sinh xã hội, thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố cũng chủ động xây dựng những đề án chuẩn bị cho trung và dài hạn, như huy động nguồn lực xã hội, thu hút nhà đầu tư chiến lược; kế hoạch triển khai chính sách hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Tại phiên họp Ban Chỉ đạo TPHCM về triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 (vào ngày 27-8-2024), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, TPHCM đã hành động khẩn trương, quyết liệt cụ thể hóa các cơ chế, chính sách dành cho thành phố, tạo ra những sản phẩm cụ thể.

Trước ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết số 98/2023/QH15, TPHCM đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét, chấp thuận nghị quyết này được tiếp tục thực hiện cho TPHCM sau khi thực hiện sắp xếp, hợp nhất với các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2030.

THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-no-luc-hien-thuc-hoa-tam-nhin-phat-trien-tu-cac-nghi-quyet-dac-thu-post793263.html
Zalo