Bảo vệ rừng vùng giáp ranh ở nơi có diện tích rừng lớn nhất Tây Nguyên

Tỉnh Kon Tum có hơn 443km đường ranh giới với 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai. Với hơn 600.000 héc-ta rừng, độ che phủ hơn 63%, cao nhất vùng Tây Nguyên, rừng Kon Tum chủ yếu trải rộng theo vùng giáp ranh các tỉnh lân cận, rất đa dạng sinh học và có nhiều loài động thực vật quý hiếm. Tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với lực lượng chức năng để giữ màu xanh cho rừng.

Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham được tỉnh Kon Tum giao quản lý bảo vệ 32.000 héc-ta rừng trải dài trên địa bàn 5 xã của huyện Kon Plông tiếp giáp các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Địa bàn rộng lại có ranh giới liền kề với 2 tỉnh dài tới hơn 50km nên công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Khu vực hồ thủy điện Sê San giữa hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai từng là điểm nóng khai thác vận chuyển gỗ trái phép.

Khu vực hồ thủy điện Sê San giữa hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai từng là điểm nóng khai thác vận chuyển gỗ trái phép.

Ông Phan Quốc Vũ, Trưởng Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Thạch Nham, cho biết việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ rừng ở Quảng Ngãi và Quảng Nam là giải pháp tốt để bảo vệ rừng hiệu quả: “Đơn vị triển khai quy chế phối hợp với các đơn vị chủ rừng bạn và định kỳ thường xuyên có kế hoạch tuần tra, kiểm tra. Giữa hai bên cũng thường xuyên trao đổi liên lạc và tổ chức các đợt tuần tra truy quét ở vùng giáp ranh cũng như tuyên truyền vận động người dân ở khu vực giáp ranh. Qua công tác phối hợp giữa các đơn vị giáp ranh thì diện tích rừng được quản lý bảo vệ tốt”.

Ngăn chặn một vụ vận chuyển gỗ lậu qua lòng hồ thủy điện Sê San 3A, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai tháng 11/2018.

Ngăn chặn một vụ vận chuyển gỗ lậu qua lòng hồ thủy điện Sê San 3A, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai tháng 11/2018.

Những cánh rừng vùng giáp ranh giữa huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum với 2 huyện Ia Grai và Chư Păh, tỉnh Gia Lai từng là điểm nóng khai thác gỗ trái phép và đốt phá rừng làm nương rẫy. Đặc biệt là tại khu vực hồ thủy điện Sê San 3A và Sê San 4, lâm tặc lợi dụng đường sông vận chuyển gỗ, mỗi khi phía Kon Tum truy đuổi lại chạy sang tỉnh Gia Lai và ngược lại. Từ năm 2018, khi quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại vùng giáp ranh 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai được ký kết, các lực lượng hai bên cùng tham gia phối hợp quản lý, bảo vệ rừng nên tình trạng vi phạm giảm hẳn.

Định kỳ có sự đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp góp phần giúp công tác bảo vệ rừng ở Kon Tum ngày càng thực chất, hiệu quả.

Định kỳ có sự đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp góp phần giúp công tác bảo vệ rừng ở Kon Tum ngày càng thực chất, hiệu quả.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, cho biết: “Công tác trao đổi thông tin cũng như phối hợp tuần tra truy quét tại khu vực giáp ranh giữa các lực lượng chức năng với 2 huyện của tỉnh Gia Lai được chú trọng nhằm hạn chế hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng đã phát huy hiệu quả tốt. Qua từng năm tình hình vi phạm cũng đã giảm đáng kể. Đến nay tại khu vực giáp ranh của huyện với các huyện của tỉnh Gia Lai khẳng định là không còn điểm nóng về vi phạm Luật Lâm nghiệp”.

Tỉnh Kon Tum có ranh giới với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai tổng chiều dài hơn 440 km. Thực hiện quy chế phối hợp, 5 năm qua lực lượng bảo vệ rừng các tỉnh đã tổ chức hàng nghìn đợt tuần tra vùng rừng giáp ranh. Qua đó phát hiện 370 vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, xử lý hình sự hơn 30 vụ, thu giữ gần 1.000m3 gỗ các loại…

Ông Nguyễn Văn Nam, Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết, công tác phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh ngày càng thực chất, hiệu quả: “Đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh trong công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng đảm bảo thiết thực. Thường xuyên theo dõi trao đổi thông tin, có biện pháp phối hợp tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng ở các vùng giáp ranh theo phạm vi địa bàn được phân quản lý. Ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm canh phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật đặc biệt là các thời điểm nhạy cảm ngày lễ ngày tết”.

Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 616.000 héc-ta rừng, trong đó hầu hết là rừng tự nhiên, độ che phủ rừng của tỉnh hơn 63% cao nhất vùng Tây Nguyên. Tỉnh còn nhiều diện tích rừng tự nhiên với trữ lượng gỗ lớn, tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài động, thực vật quý, hiếm. Nhờ chủ động, tích cực phối hợp giữa các lực lượng chức năng và với các tỉnh giáp ranh, Kon Tum đang giữ gìn màu xanh cho những cánh rừng, bảo vệ môi trường trước thiên tai ngày càng khốc liệt, cũng là giữ sinh kế cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số địa phương.

Khoa Điểm/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bao-ve-rung-vung-giap-ranh-o-noi-co-dien-tich-rung-lon-nhat-tay-nguyen-post1123219.vov
Zalo