Chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập

Sáu tháng đầu năm 2024, toàn ngành thanh tra tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.688 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 1.704 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. (Ảnh: VGP)

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. (Ảnh: VGP)

Qua đó, đã thu hồi 769,8 tỷ đồng, 18 ha đất; xử lý hành chính 852 tổ chức, 3.326 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 327 vụ, 70 đối tượng; khởi tố 9 vụ, 14 đối tượng.

Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, nhưng nguy cơ thất thoát, khó thu hồi là rất lớn, nhất là trong những vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng. Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay và nguyên nhân chủ yếu là do số tiền phải thu hồi rất lớn, những người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp. Bên cạnh đó cũng do vướng mắc về thể chế, cơ chế trong xử lý tài sản ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp gặp nhiều khó khăn…

Việt Nam đang từng bước xây dựng cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, nhất là hạn chế dùng tiền mặt trong giao dịch, mua bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán; nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan công tác thu hồi tài sản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án; tích cực, chủ động phối hợp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản phục vụ việc thi hành án; tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản trong tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng có thể thấy rõ khi xử lý các vụ án, vụ việc là trong thời gian giải quyết thì tài sản thường bị che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa, hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Vì vậy, để có hiệu quả chiều sâu trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cần tích cực triển khai thực hiện đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 390/QĐ-TTg, ngày 28/3/2022.

Việc triển khai thành công đề án sẽ giúp các cơ quan chức năng chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, hạn chế thấp nhất việc thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước cũng như tránh thiệt hại về lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-cong-tac-kiem-soat-tai-san-thu-nhap-post832564.html
Zalo