Bảo vệ quyền lợi cho vận động viên
Vụ cháy toàn bộ xe đạp và trang thiết bị của đội tuyển xe đạp đường trường Việt Nam dự Giải vô địch châu Á 2025 tại Thái Lan mới đây là sự việc bất khả kháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình thi đấu của các tuyển thủ quốc gia ở sân chơi tính điểm xếp hạng xe đạp chuyên nghiệp thế giới. Nhưng qua sự cố đáng tiếc này cũng thấy được những phản ứng kịp thời, sâu sát của ngành thể thao trong việc giải quyết và bảo vệ quyền lợi của vận động viên.
Theo đó, Liên đoàn Xe đạp Việt Nam, Cục TDTT đã chủ động liên hệ với BTC địa phương để tìm gấp xe cho vận động viên (VĐV) làm quen trước thi đấu, yêu cầu bồi thường thiệt hại và có ngay xe đạp dự phòng gửi từ Việt Nam sang để VĐV yên tâm thi đấu. Giới chức liên đoàn cũng gấp rút làm việc với các nhà tài trợ để cung cấp một số xe cao cấp cho các VĐV trọng điểm như trường hợp của cua-rơ Nguyễn Thị Thật.
Cách đây không lâu, cũng trên đất Thái Lan, tiền đạo Nguyễn Xuân Son bị chấn thương ở trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2004 phải đưa trực tiếp vào bệnh viện. Phía Thái Lan đề nghị được điều trị và chi trả toàn bộ nhưng các đơn vị chuyên môn của LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã nhanh chóng can thiệp, theo dõi chẩn đoán và đưa Xuân Son về Việt Nam để chữa trị trong điều kiện tốt nhất. VFF cũng làm việc với các doanh nghiệp để đảm nhiệm toàn bộ chí phí cho đến khi Xuân Son hồi phục.
Những hành động kịp thời của các cơ quan quản lý không chỉ thể hiện được sự chủ động, tạo sự yên tâm cho VĐV mà còn cho thấy năng lực xử lý cũng như nội lực của các tổ chức này. Điều đó nâng cao uy tín của thể thao Việt Nam, phần nào thể hiện rõ nét tính hiệu quả trong hoạt động của liên đoàn. Những sự cố đáng tiếc nói trên không ai muốn xảy ra nhưng hướng xử lý và năng lực giải quyết để bù đắp cho các thiệt thòi của VĐV là một khía cạnh không kém phần quan trọng đối với vai trò của các liên đoàn/hiệp hội. Hành động kịp thời thì hiệu quả sẽ cao và về lâu dài VĐV sẽ càng yên tâm cống hiến tài năng cho đất nước.
Đây có thể xem là điểm mấu chốt để phân biệt giữa các liên đoàn hiệu quả hoặc không. Hiện Việt Nam đang có đến 48 liên đoàn/hiệp hội thể thao nhưng phần lớn vẫn tập trung cho công tác tổ chức thi đấu với vài giải đấu chính quy mỗi năm, trong khi lại khá mờ nhạt trong các khâu tài trợ, phát triển hình ảnh và luôn gặp khó khăn về tài chính. Điều đó khiến nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp chỉ được xem như “cánh tay nối dài” của Cục TDTT. Sự yếu kém này dẫn đến hoạt động chăm lo cho VĐV không đầy đủ ngay cả trong việc thi đấu, tập luyện chứ chưa nói đến khâu bồi dưỡng, tăng thu nhập hoặc “hậu thi đấu”. Đơn cử như trường hợp mới đây VĐV phải tự chi trả kinh phí khi tham dự Giải vô địch billiards thế giới.
Cục TDTT cần rà soát hoạt động tại đơn vị đại diện cho mình trong việc quản lý các bộ môn, nhất là các môn thể thao đang được Nhà nước đầu tư trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả, phòng ngừa lãng phí nguồn lực công lẫn ngoài xã hội. Điều này cũng phù hợp với tình hình mới sau khi chiến lược phát triển TDTT giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt, để hướng đến cải tổ hoặc loại bỏ những tổ chức xã hội nghề nghiệp yếu kém. Qua đó cải thiện được nội lực của nền thể thao nhằm đáp ứng kỷ nguyên vươn tầm châu lục và tiến vào tốp 50 Olympic như mục tiêu đề ra.