SEA Games 2025 và bài học từ Olympic Paris 2024

Theo thông báo của nước chủ nhà Thái Lan, Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 33-2025 sẽ được tổ chức tại Bangkok, Chonburi và Songkhla trong các ngày từ 9 - 20/12/2025 với sự tham gia của 11 đoàn thể thao. SEA Games năm nay có 50 môn và phân môn, tổng cộng 574 bộ huy chương. Trong đó, nhóm I gồm 18 môn thể thao sẽ có mặt tại Thế vận hội mùa đông Milan 2026 và Thế vận hội mùa hè Los Angeles 2028 như điền kinh, bơi, bắn cung, cầu lông, bóng rổ, canoeing, rowing...; nhóm II bao gồm các môn ASIAD, AIMG gồm 18 môn thể thao và nhóm III, gồm 4 môn thể thao là cờ vua, teqball, kickboxing, woodball. Nhóm 3 môn biểu diễn gồm Flying disc, kéo co, Airsport.

Nếu chỉ nói về SEA Games, thể thao Việt Nam đã trải qua 2 kỳ đại hội liên tiếp giành ngôi vị nhất toàn đoàn (SEA Games 31 và SEA Games 32). Đáng nói hơn, SEA Games 32 là lần đầu tiên chúng ta đứng đầu khu vực không phải trong tư cách nước chủ nhà. Ấy thế nhưng, những gì mới diễn ra cách đây không lâu, tại Olympic Paris 2024 đã cho chúng ta nhận thức: đứng đầu SEA Games là không đủ.

Thật vậy, tại Olympic Paris 2024, Đoàn Thể thao Việt Nam có 16 vận động viên (VĐV) góp mặt, trong đó có 2 VĐV tham dự theo diện đặc cách (các môn bơi, điền kinh). Đó là con số thấp nhất kể từ Olympic London 2012. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với mục tiêu phấn đấu có huy chương nhưng tất cả chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Niềm hy vọng đoạt huy chương lớn nhất của chúng ta là nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh nhưng trình độ của Vinh vẫn còn khoảng cách khá xa nếu so với các VĐV hàng đầu thế giới. Thu Vinh vào chung kết cả 2 nội dung tham dự nhưng chỉ về thứ 4 nội dung 10m súng ngắn hơi và thứ 7 ở nội dung 25m súng ngắn thể thao. Ở môn cử tạ, lực sĩ Trịnh Văn Vinh còn không nâng thành công bất kỳ mức tạ nào và bị loại ngay sau phần thi cử giật. Những nội dung thi đấu còn lại, Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông) không vượt qua vòng bảng; Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing) không thể tiến vào vòng tứ kết; Nguyễn Huy Hoàng (bơi) đứng ngoài top 20 cả hai đợt bơi vòng loại (nội dung 800m tự do và 1.500m tự do)... Trong khi đó, dù kém thể thao Việt Nam ở đấu trường SEA Games nhưng khi ra thế giới, các nền thể thao Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đều tỏ ra có sự ổn định, biết đầu tư trọng điểm. Philippines giành 2 Huy chương Vàng (HCV) môn Thể dục dụng cụ nhờ công của Carlos Yulo. Ngoài 2 HCV này, họ còn giành thêm 2 Huy chương Đồng (HCĐ) ở môn Quyền anh do công của Aira Villegas (50kg nữ) và Nesthy Petecio (57kg nữ). Thái Lan cũng có 1 HCV nhờ công của nữ võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit ở hạng cân 49kg. Ngoài Panipak, thần đồng Kunlavut Vitidsarn mang về tấm Huy chương Bạc (HCB) Olympic đầu tiên trong lịch sử cho Cầu lông Thái Lan; Silachai Theerapong giành HCB môn Cử tạ ở hạng cân 61kg nam. Đô cử Surodchana Khambao mang về cho Thái Lan tấm HCĐ hạng cân 49kg nữ; võ sĩ Quyền anh Janjaem Suwannapheng cũng giành HCĐ ở hạng cân 66kg nữ...

“Khiêm tốn” hơn Philippines và Thái Lan, Malaysia cũng có 2 tấm HCĐ môn Cầu lông của Aaron Chia - Soi Wooi Yik (đôi nam) và Lee Zii Jia (đơn nam).

Cũng ở môn Cầu lông, Indonesia sở hữu tấm HCĐ đơn nữ nhờ công của Gregoria Mariska Tunjung.

Rõ ràng, mục tiêu số 1 của thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games này không hẳn là ngôi vị nhất toàn đoàn mà phải hướng đến các môn thể thao Olympic (điền kinh, bơi, bắn súng, thể dục, cử tạ, đấu kiếm, boxing, taekwondo, xe đạp, bắn cung, cầu lông, judo, vật, đua thuyền) và ASIAD (wushu, cầu mây, karate). Từ các môn thể thao trọng điểm này, sớm rà soát lực lượng VĐV xem ai đã đủ năng lực cạnh tranh huy chương, ai phải tập huấn, bồi dưỡng thêm, tổ chức các giải đấu cọ xát... thậm chí thuê các chuyên gia, huấn luyện viên nước ngoài. Cùng với đó là chuyện nâng cao chế độ phụ cấp, tiền thưởng, quan tâm đến chất lượng dinh dưỡng bữa ăn.

Được biết, lãnh đạo ngành thể thao đã và đang làm việc trực tiếp với các bộ môn để xác định các nội dung thế mạnh, xây dựng kế hoạch, lựa chọn VĐV trọng điểm và đề ra mục tiêu giành 75-85 HCV, có mặt trong top 3.

Hy vọng sau bài học ở Olympic Paris 2024, chúng ta sẽ có một tầm nhìn cao hơn, xa hơn đồng thời sát với thực tế, tránh tình trạng “hữu danh” trong khu vực nhưng “vô thực” trên thế giới, còn các nền thể thao Đông Nam Á khác thì ngược lại!

THANH HÀ (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/sea-games-2025-va-bai-hoc-tu-nbsp-olympic-paris-2024-35558.htm
Zalo