Bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể ở đô thị cổ Hội An

Lâu nay, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Bên cạnh giá trị văn hóa đặc sắc qua các công trình kiến trúc độc đáo, nơi đây còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ.

Một góc đô thị cổ Hội An. Ảnh: Thủy Lê

Một góc đô thị cổ Hội An. Ảnh: Thủy Lê

Phong phú lối kiến trúc

Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam. Trong suốt thế kỷ 17 và 18, Hội An từng là thương cảng quốc tế sầm uất, là trung tâm buôn bán nối liền ba miền Bắc, Trung, Nam và cũng là nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và phương Tây. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Sang thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Chính điều này đã tạo nên một miền đất hội tụ và giao thoa văn hóa đa dạng.

Mặc dù phần lớn các ngôi nhà phố của Hội An ngày nay được hình thành vào thời kỳ thuộc địa, nhưng trong khu phố cổ vẫn gìn giữ được nhiều di tích phản ánh các giai đoạn lịch sử hình thành, hưng hịnh và suy tàn của đô thị. Bước chân vào khu phố cổ xinh đẹp này, ta có thể cảm nhận sâu sắc sự pha trộn đa dạng, đầy nghệ thuật và cổ kính bởi những dãy nhà san sát mang những nét đặc trưng kiến trúc của các nền văn hóa khác nhau. Trải qua bao nhiêu năm tháng và nhiều cuộc tàn phá của chiến tranh, nhưng những công trình kiến trúc ở đây vẫn còn nguyên vẹn và giữ nguyên giá trị thẩm mỹ cho đến ngày nay.

Đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ... và những con đường hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính. Từ một thương cảng quốc tế sầm uất hàng trăm năm trước, đến nay, đô thị cổ hiện còn giữ được 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và hơn 1.330 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Tất cả tạo nên một không gian kiến trúc độc đáo, giao thoa giữa phong cách Việt, Hoa, Nhật và phương Tây.

Đa dạng văn hóa

Không chỉ nổi tiếng bởi có các công trình kiến trúc phong phú, Hội An còn tạo ra nhiều nét riêng biệt, đặc trưng vì có nền văn hóa phi vật thể đa dạng. Ở Hội An, văn hóa phi vật thể vẫn đang tồn tại và tương thích với hình thái văn hóa vật thể.

Ở Hội An, những người Việt vào cư trú từ cuối thế kỷ 15, đã chung sống thuận hòa với một bộ phận dân cư người Chăm vẫn định cư ở đây khá lâu từ trước đó. Khi Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất, vùng đất này lại tiếp nhận nhiều cư dân mới đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính điều này tạo cho Hội An có một nền văn hóa nhiều tầng, nhiều lớp và đa dạng, thể hiện ở tất cả các hình thái văn hóa phi vật thể như phong tục tập quán, văn học dân gian, ẩm thực, lễ hội...

Một đặc điểm nổi bật khác của văn hóa Hội An là tính bình dân. Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cuộc sống thường nhật của người dân xứ Hội vẫn giữ nguyên nét đẹp ban đầu và tránh xa mọi sự xô bồ, náo nhiệt. Song hành với đó là những phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Đề cập tới văn hóa Hội An, không thể không nhắc tới âm nhạc dân gian, trò chơi truyền thống. Các hình thức diễn xướng, trò chơi dân gian tại đây kết tinh từ quá trình lao động của người dân địa phương và đến nay vẫn được gìn giữ trọn vẹn. Có thể kể đến các điệu hò giựt chì, hò khoan, hò kéo neo hay những điệu vè, điệu lý, các hình thức hát tuồng, bả trạo, hô bài chòi...

Trong cuộc sống hiện đại này thật khó để bắt gặp một phố cổ về đêm, hát bài chòi trên sông Đoài, ẩm thực đường phố, đêm đèn lồng lung linh huyền ảo. Cùng với đó là những mẹt hàng lưu niệm tò he hay gánh chè của những mẹ già xứ Hội, cảnh tượng đầy ắp trong tuổi thơ của mỗi người nhưng giờ đây thật hiếm có, khó tìm. Bên cạnh đó, những làng nghề truyền thống vẫn đang được người dân nơi đây giữ gìn và phát triển. Những công việc đã gắn liền với biết bao nhiêu thế hệ, nuôi sống biết bao nhiêu con người và là niềm tự hào của mỗi người phố cổ Hội An.

Trò chơi dân gian hát bài chòi ở Hội An thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Thủy Lê

Trò chơi dân gian hát bài chòi ở Hội An thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Thủy Lê

Bảo tồn và phát triển

Từ năm 1999 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An đã không ngừng nỗ lực phấn đấu với tinh thần đầy sáng tạo, trách nhiệm trong công tác bảo tồn nên Di sản văn hóa Hội An cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An luôn được giữ gìn và phát huy đầy hiệu quả. Không chỉ trùng tu, tôn tạo, bảo vệ từng giá trị văn hóa vật thể, người dân nơi đây đã phát huy vai trò của văn hóa phi vật thể vốn có trong lòng di sản.

Từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 400 di tích tại phố cổ Hội An đã được tu bổ với kinh phí hơn 150 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và sự đóng góp của cộng đồng. Các di tích vật thể quan trọng như chùa Cầu, nhà cổ Tấn Ký và các hội quán người Hoa đều được tu bổ, quản lý và bảo vệ chặt chẽ, gắn với các kế hoạch dài hạn nhằm bảo đảm tính toàn vẹn và giá trị lịch sử. Chính quyền cũng triển khai ứng dụng công nghệ số trong việc lập hồ sơ quản lý, số hóa dữ liệu di tích để nâng cao hiệu quả giám sát và bảo tồn.

Nhiều hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian và các phong tục tập quán truyền thống cũng được khôi phục như: hát bội, múa thiên cẩu, tục dựng nêu ngày Tết... Đặc biệt, trò chơi bài chòi Hội An từ nguy cơ thất truyền, nay đã bảo tồn được hồi sinh, đi vào công chúng và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn phục vụ du khách hằng đêm tại khu phố cổ, góp thêm chất liệu quan trọng để nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017. Hội An hiện đã có 4 làng nghề được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, gồm: Làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế, làng gốm sứ Thanh Hà và làng nghề khai thác yến Thanh Châu. Đặc biệt, trong những năm qua, nhiều không gian sáng tạo mới đã được hình thành, từ bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của con người Hội An như công viên đất nung Thanh Hà, làng củi lũ Cẩm An, trại chế tác tre Cẩm Thanh... đã để lại ấn tượng cho nhiều nhà nghiên cứu và du khách đến tham quan.

Những hoạt động trên góp phần quan trọng làm cho hình ảnh di sản văn hóa Hội An ngày càng lan tỏa, vươn xa.

Với những giá trị nổi bật, tại Kỳ họp lần thứ 23 (tháng 12/1999), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới. Hội An ngày nay không chỉ là thương hiệu du lịch của Quảng Nam, mà còn là điểm đến Việt Nam nói chung trên bản đồ du lịch thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tạp chí du lịch nước ngoài như Wanderlust (Anh), Condé Nast Traveler (Mỹ), Smart Travel Asia đã bình chọn cho Hội An các danh hiệu: Thành phố được yêu thích nhất trên thế giới, 1 trong 10 thành phố du lịch tốt nhất, Điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á...

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ton-va-phat-trien-van-hoa-phi-vat-the-o-do-thi-co-hoi-an-post486730.html
Zalo