Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình xác định là nhiệm vụ quan trọng trong xu thế hội nhập quốc tế.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình xác định là nhiệm vụ quan trọng trong xu thế hội nhập quốc tế.

Đồng bào dân tộc Mường bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch.

Đồng bào dân tộc Mường bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch.

Hòa Bình có 6 dân tộc chính cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn riêng với những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khá đa dạng. Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số (Mường, Thái, Tày, Dao, Mông) của tỉnh có 786 di sản thuộc 7 loại hình. Toàn tỉnh hiện có 292 điểm di tích trong danh mục bảo vệ, trong đó 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 39 di tích cấp quốc gia, 71 di tích cấp tỉnh. Tỉnh còn lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng, khoảng 12.000 chiếc chiêng. Những di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc Hòa Bình còn được thể hiện trong các lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, tín ngưỡng, tập quán xã hội… Trong đó có những di sản giá trị mang tầm thế giới.

Thời gian qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng các dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy và khẳng định rõ nét. Cùng với mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường, Lễ hội khai hạ dân tộc Mường, Tri thức dân gian Lịch Tre dân tộc Mường, Tập quán và tín ngưỡng Keng Loóng dân tộc Thái, huyện Mai Châu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ di sản văn hóa mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh cũng đã triển khai Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường. Nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa, du lịch đã được ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Di sản văn hóa là tài sản chung của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh; tài nguyên để phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân.

Tuy nhiên, những năm gần đây, không chỉ ở thành phố mà cả những vùng nông thôn trong tỉnh, điều kiện sống, tiện nghi sinh hoạt, lối sống đã và đang có sự thay đổi lớn. Sự thay đổi đó không chỉ ở đời sống vật chất mà ngay cả trong đời sống tinh thần và cách suy nghĩ.

Trước thực tế đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh xác định gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Ngành đã tham mưu UBND tỉnh và phối hợp các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách văn hóa đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới để đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng dân tộc thiểu số và nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Bảo vệ văn hóa các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc và tín gưỡng, tôn giáo.

Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL phối hợp các ngành đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các các dân tộc thiểu số kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng; bảo tồn các làng, bản dân tộc thiểu số. Ưu tiên đầu tư cho việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền; truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế, tiềm năng. Tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư. Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê cho các ngành công nghiệp văn hóa. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa. Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa. Phát triển thị trường, từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong tỉnh thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của cộng đồng.

P.L

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/196718/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc.htm
Zalo