Bảo tồn và phát huy di sản ở TP.HCM: Lời chào thân thiện từ Việt Nam đến bạn bè năm châu

Thay vì chỉ đơn thuần giữ gìn, việc bảo tồn di sản văn hóa cần được nhìn nhận là một phần không thể tách rời của quá trình phát triển bền vững, vừa khai thác giá trị kinh tế vừa quảng bá bản sắc Việt Nam ra thế giới.

Bảo tồn di sản

TP.HCM sở hữu một hệ thống di sản đồ sộ, bao gồm các công trình lịch sử như nhà thờ Đức Bà, nhà Bưu điện, Bảo tàng Mỹ thuật, chợ Bến Thành, lăng Ông Bà Chiểu, Bến Nhà Rồng, Hầm bí mật chứa vũ khí thời kháng chiến chống Mỹ, Địa đạo Củ Chi… và những di sản phi vật thể như nghệ thuật đờn ca tài tử, ẩm thực đường phố… Những tài sản này không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là “tài sản vàng” để thu hút du khách quốc tế. Tuy nhiên, nhiều di sản đang phải đối diện với nguy cơ mai một do thiếu sự quan tâm, thiếu nguồn lực trùng tu, bảo dưỡng.

Việc bảo tồn di sản đã và đang gặp nhiều thách thức. Thứ nhất, đó là sự thiếu nhận thức đầy đủ về giá trị của di sản. Nhiều chủ sở hữu xem di sản văn hóa như gánh nặng thay vì là tài sản quý giá, dẫn đến tâm lý muốn nhường chỗ để xây dựng trung tâm thương mại hoặc nhà ở hiện đại. Thứ hai, hạn chế về nguồn lực tài chính và kỹ thuật gây trở ngại cho việc bảo dưỡng, tôn tạo. Bảo tồn di sản đòi hỏi nguồn lực lớn, từ chi phí duy tu, phục dựng đến trình độ chuyên gia và công nghệ hiện đại. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ bảo tồn di sản hiện nay còn thiếu đồng bộ và chưa tạo động lực để thu hút khối tư nhân tham gia. Cuối cùng, áp lực đô thị hóa và đà phát triển kinh tế nhanh chóng đã khiến những giá trị văn hóa dần bị lu mờ, đặc biệt đới với của thế hệ trẻ.

Để giải bài toán thách thức

Một trong những hướng đi giải quyết bài toán này là tích hợp công nghệ hiện đại vào công cuộc bảo tồn và quảng bá di sản. Việc số hóa di sản văn hóa thông qua các bảo tàng ảo, ứng dụng thực tế tăng cường (AR) hoặc thực tế ảo (VR) không chỉ giúp bảo vệ các di sản trước sự tàn phá của thời gian mà còn mang lại cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ và du khách quốc tế.

Xã hội hóa công tác bảo tồn. Huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng thông qua các mô hình hợp tác công tư (PPP) có thể giải quyết những khó khăn về tài chính và kỹ thuật. Các doanh nghiệp có thể đóng vai trò vừa là người bảo trợ, vừa là người khai thác giá trị di sản thông qua việc xây dựng các sản phẩm du lịch, tổ chức sự kiện hoặc phát triển các thương hiệu gắn liền với di sản văn hóa.

“Với sự hỗ trợ của công nghệ, các di sản không còn chỉ là những hiện vật vật lý mà trở thành những câu chuyện sống động, truyền cảm hứng cho những thế hệ tiếp nối”.

Giáo dục và truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản. Các chương trình giáo dục từ bậc tiểu học đến đại học cần lồng ghép những nội dung về văn hóa, lịch sử, và trách nhiệm bảo tồn. Đồng thời, các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, sáng tạo có thể khơi dậy niềm tự hào văn hóa và ý thức bảo vệ di sản trong mỗi người dân.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đưa văn hóa Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ra thế giới đòi hỏi sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Các liên hoan văn hóa quốc tế, hội chợ ẩm thực, hoặc các buổi biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc Việt có thể trở thành cầu nối hiệu quả để giới thiệu văn hóa nước nhà với bạn bè quốc tế. Ẩm thực Việt Nam, với sự phong phú và đặc trưng, có thể đóng vai trò như một “đại sứ” văn hóa, tạo dấu ấn sâu sắc với du khách.

TP.HCM cần xây dựng thương hiệu văn hóa riêng, không chỉ dựa vào các di sản nổi tiếng mà còn tạo ra những sản phẩm văn hóa độc đáo, kết hợp yếu tố sáng tạo và bản sắc địa phương. Đây là cách để thành phố không chỉ là một điểm đến du lịch mà còn trở thành trung tâm văn hóa và sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.

Hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và công nghệ là một cách khuyến khích các bạn trẻ gắn bó với di sản, đồng thời tìm ra những cách làm mới mẻ, hấp dẫn để giới thiệu văn hóa truyền thống theo cách hiện đại và phù hợp hơn với thị hiếu quốc tế.

“Văn hóa không chỉ là yếu tố định danh mà còn là cầu nối, là lời chào thân thiện từ Việt Nam đến bạn bè năm châu. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên và tầm nhìn dài hạn, để mỗi giá trị văn hóa không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành nguồn cảm hứng và sức mạnh phát triển”.

Những chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính hoặc ghi nhận đóng góp cho các cá nhân, tổ chức bảo tồn di sản sẽ tạo động lực để khối tư nhân tham gia tích cực hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực thi các quy định để ngăn chặn sự thương mại hóa quá mức hoặc phá hoại di sản cũng là điều cần thiết để giữ gìn giá trị cốt lõi của văn hóa.

Với những nỗ lực đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, TP.HCM không chỉ giữ được bản sắc văn hóa mà còn biến văn hóa thành sức mạnh mềm, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Bảo tồn văn hóa không chỉ là giữ gìn quá khứ mà còn là cách chuẩn bị cho tương lai, nơi văn hóa Việt Nam không chỉ hiện diện mà còn tỏa sáng trên bản đồ thế giới. TP.HCM, với vai trò tiên phong, có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để hiện thực hóa điều này.

(*) Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM

ThS. Mai Thanh Sơn

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bao-ton-va-phat-huy-di-san-o-tp-hcm-loi-chao-than-thien-tu-viet-nam-den-ban-be-nam-chau-315847.html
Zalo