Người nghệ nhân hơn nửa thế kỷ chắt chiu hồn đất, luyện thổ thành vàng

Sinh ra và lớn lên tại làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) với bề dày lịch sử hơn 500 năm phát triển nghề hóa thổ thành kim, nghệ nhân Nguyễn Văn Lợi không chỉ gìn giữ 'hồn cốt' của làng nghề, mà còn nghiên cứu thành công dòng men Raku độc đáo, góp phần đưa sản phẩm gốm quê hương vươn ra thế giới.

“Đất trắng chân từ lúc mới tập đi

Chân trắng đất khi mái đầu đã bạc”

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Lợi (sinh năm 1957) đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về hành trình gắn bó với gốm của mình. Là thế hệ thứ 12 của gia đình có truyền thống làm gốm, Nguyễn Văn Lợi đã quen với mùi đất, bàn xoay từ khi còn nhỏ. Khi mới 12 tuổi, cậu bé ấy đã thành thạo mọi công đoạn để tạo ra 1 sản phẩm gốm hoàn chỉnh. “Nghề làm gốm dường như đã ngấm vào máu tôi từ khi sinh ra, khiến tôi say mê và quyết định chọn nó là nghiệp trọn đời”, ông Lợi tự hào.

 Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Lợi luôn cảm thấy may mắn khi được sinh ra và lớn lên giữa làng nghề truyền thống, trong một gia đình đã gắn bó với nghề gốm qua nhiều thế hệ. Ảnh: Hải Ly

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Lợi luôn cảm thấy may mắn khi được sinh ra và lớn lên giữa làng nghề truyền thống, trong một gia đình đã gắn bó với nghề gốm qua nhiều thế hệ. Ảnh: Hải Ly

Năm 1979, với những kinh nghiệm phong phú được tích lũy từ công việc thực tế tại làng nghề, ông được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mời về làm việc tại Xưởng phục chế của bảo tàng. Tại đây, ông phụ trách phục chế các hiện vật gốm cổ của các triều đại Lê, Trần, Mạc, Nguyễn,... để phục vụ cho công tác bảo tồn và trưng bày di sản văn hóa.

 Ông Lợi cho biết, khi tạo ra mỗi sản phẩm gốm, mục tiêu của ông không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp hình thức mà phải kể được câu chuyện, phản ánh 1 phần văn hóa của cha ông. Ảnh: NVCC

Ông Lợi cho biết, khi tạo ra mỗi sản phẩm gốm, mục tiêu của ông không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp hình thức mà phải kể được câu chuyện, phản ánh 1 phần văn hóa của cha ông. Ảnh: NVCC

Sau năm 1986, khi làng nghề gốm Bát Tràng bước vào giai đoạn phát triển tự do, với mong muốn tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân, ông và vợ quyết định trở về quê hương, mở xưởng sản xuất gốm riêng. “Thời điểm đó, tôi vẫn làm gốm theo phong cách giả cổ do ảnh hưởng từ công việc phục chế trước đây, trong khi thị trường lại chuộng những sản phẩm hiện đại để xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Kết quả là xưởng không có khách, nợ nần chồng chất khiến tôi từng nghĩ đến việc bán xưởng để trả nợ”, ông Lợi bồi hồi nhớ lại.

 Sản phẩm gốm theo phong cách giả cổ của ông Nguyễn Văn Lợi. Ảnh: Hải Ly

Sản phẩm gốm theo phong cách giả cổ của ông Nguyễn Văn Lợi. Ảnh: Hải Ly

Không nản chí trước khó khăn, người nghệ nhân ấy vẫn kiên trì giữ vững dấu ấn cá nhân, đồng thời sáng tạo để sản phẩm của mình ngày càng phù hợp với nhu cầu thị trường quốc tế. Bước ngoặt đến vào năm 1995, một vị khách người Nhật Bản, từng đặt hàng phục chế tại Bảo tàng Mỹ thuật, tình cờ đến với xưởng của ông. Say mê phong cách giả cổ độc đáo mà chưa nơi nào có thể làm được, khách hàng này ngay lập tức đặt đơn hàng đầu tiên. Từ đó, qua những lời giới thiệu, xưởng gốm của ông Lợi thu hút ngày càng nhiều khách hàng trong nước và quốc tế.

Gốm ta vươn đến trời tây

Bước đầu thành công trong việc đưa sản phẩm truyền thống của quê hương vươn ra thế giới, ông Lợi tiếp tục nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm gốm mới lạ, độc đáo hơn. Năm 2012, ông Nguyễn Văn Lợi bắt đầu tìm hiểu để đưa dòng men Raku về Việt Nam.

 Men Raku được nung ở nhiệt độ 850-1.000 độ C, thấp hơn gốm truyền thống. Sau khi nung, sản phẩm được lấy ra khi còn đỏ rực và làm nguội nhanh bằng nước hoặc rắc các chất tạo màu như tro, mùn cưa, tạo nên các vết nứt cùng hiệu ứng màu sắc huyền ảo cho sản phẩm. Ảnh: Hải Ly

Men Raku được nung ở nhiệt độ 850-1.000 độ C, thấp hơn gốm truyền thống. Sau khi nung, sản phẩm được lấy ra khi còn đỏ rực và làm nguội nhanh bằng nước hoặc rắc các chất tạo màu như tro, mùn cưa, tạo nên các vết nứt cùng hiệu ứng màu sắc huyền ảo cho sản phẩm. Ảnh: Hải Ly

Xuất hiện từ thế kỷ XVI, men Raku nổi tiếng với vẻ đẹp hoang dại và sự độc đáo trong từng tác phẩm. Tuy nhiên, việc chế tác loại men này tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về khí hậu, nguyên liệu và kỹ thuật nung. “Sản phẩm nung ở nhiệt độ 900 độ C thường vỡ ngay khi vừa gắp ra do không chịu được sốc nhiệt. Thời gian đó, tôi liên tục thất bại và gia đình cũng không hoàn toàn ủng hộ. Dù vậy, với khát vọng đưa dòng gốm truyền thống có dấu ấn riêng, vượt lũy tre làng, vươn ra thị trường quốc tế, tôi quyết tâm không bỏ cuộc”, ông Lợi nhớ lại.

Sau 5 năm nghiên cứu, trải qua hơn 300 lần nung thất bại, làm hỏng trên 1.000 sản phẩm và hàng trăm lần thay đổi công thức, ông Lợi đã tìm ra bí quyết phối liệu giúp gốm Raku chịu được sốc nhiệt mà vẫn giữ nguyên vẻ đẹp huyền ảo.

 Ông Lợi khéo léo lồng ghép những hoa văn cổ truyền Việt Nam như hoa Phù Dung, Cúc Lê,... vào sản phẩm gốm Raku, biến chúng thành những “sứ giả văn hóa” của dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị của gốm Việt trên trường quốc tế, khẳng định vị thế của thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Ảnh: Hải Ly

Ông Lợi khéo léo lồng ghép những hoa văn cổ truyền Việt Nam như hoa Phù Dung, Cúc Lê,... vào sản phẩm gốm Raku, biến chúng thành những “sứ giả văn hóa” của dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị của gốm Việt trên trường quốc tế, khẳng định vị thế của thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Ảnh: Hải Ly

Theo ông Lợi, dòng men Raku không chỉ là một kỹ thuật làm gốm, mà còn chứa đựng triết lý sâu sắc và giá trị thẩm mỹ đặc biệt. Xuất phát từ Nhật Bản, dòng men này được sử dụng trong các buổi trà đạo, đề cao sự giản đơn, tự nhiên và tĩnh lặng. Mỗi tác phẩm Raku là hiện thân của tinh thần chấp nhận và vẻ đẹp toát ra từ những điều không hoàn hảo. Chính sự cuốn hút ấy đã làm say lòng những người yêu nghệ thuật, trân trọng vẻ đẹp tự nhiên. Nhờ vậy, các sản phẩm gốm của ông Lợi không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các quốc gia như Anh, Mỹ, Canada, Hà Lan và Đan Mạch. Năm 2020, tác phẩm “Lọ hoa men Raku” của ông giành giải Nhất tại Hội thi Sản phẩm Thủ công Mỹ nghệ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

 Hai nghệ nhân Nguyễn Văn Lợi và Phạm Minh Châu không chỉ là biểu tượng của một câu chuyện tình yêu đẹp mà còn là cặp đôi tài hoa, hết lòng cống hiến để đưa nghệ thuật gốm Việt vươn ra thế giới. Ảnh: Hải Ly

Hai nghệ nhân Nguyễn Văn Lợi và Phạm Minh Châu không chỉ là biểu tượng của một câu chuyện tình yêu đẹp mà còn là cặp đôi tài hoa, hết lòng cống hiến để đưa nghệ thuật gốm Việt vươn ra thế giới. Ảnh: Hải Ly

Là người con của mảnh đất Bát Tràng, với hơn nửa thế kỷ “đất với người quấn quýt bên nhau”, ông Nguyễn Văn Lợi luôn nỗ lực trong hành trình bảo tồn và phát huy di sản của cha ông. Bên cạnh việc nỗ lực sáng tạo để làm mới gốm quê hương, ông cùng vợ là nghệ nhân Phạm Thị Châu đã dày công nghiên cứu và phục dựng thành công nhiều dòng men cổ quý hiếm như: Men lục, nâu mật thời Lý, men xanh chàm thời Lê – Trần,…

Ngoài ra, ông luôn động viên các con, cháu mình phải nỗ lực duy trì nghề gốm truyền thống, bảo tồn giá trị cốt lõi trong từng sản phẩm. Với những thành tích cống hiến xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy nghề làm gốm truyền thống của dân tộc, năm 2003, ông Nguyễn Văn Lợi vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

 Năm 2003, khi bát hương trong đình làng Bát Tràng bị vỡ, vượt qua 21 tay nghề xuất sắc nhất của làng, bát hương do nghệ nhân Nguyễn Văn Lợi chế tác vinh dự được các cao niên lựa chọn trưng bày tại đình. Ảnh: Hải Ly

Năm 2003, khi bát hương trong đình làng Bát Tràng bị vỡ, vượt qua 21 tay nghề xuất sắc nhất của làng, bát hương do nghệ nhân Nguyễn Văn Lợi chế tác vinh dự được các cao niên lựa chọn trưng bày tại đình. Ảnh: Hải Ly

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh: “Trong thị trường ngày càng khắt khe, cạnh tranh về giá cả, chất lượng, cùng chi phí nguyên liệu và nhân công tăng, tôi mong thế hệ trẻ sẽ giữ vững niềm đam mê và tiếp tục gìn giữ, phát huy nghề gốm truyền thống. Như lời các bậc tiền bối đã dạy:

Bạch bát chân truyền nê tác bảo

Hồng lô đào chú thổ thành kim

(Tạm dịch: Truyền nghề làm bát bùn hóa quý/Lò lửa hun đúc đất thành vàng)”.

Bài, ảnh: HẢI LY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nguoi-nghe-nhan-hon-nua-the-ky-chat-chiu-hon-dat-luyen-tho-thanh-vang-813945
Zalo